Từ phòng Diên Hồng tới tòa thánh Va-ti-căng

|

Năm qua, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp toàn bộ chương trình làm việc dày dặn với một khối lượng công việc lớn, đề ra hàng loạt quyết sách quan trọng, từ yêu cầu thực tiễn và chiến lược phát triển đất nước về lâu dài.

Mới đây, kỳ họp thứ tám, Quốc hội Khóa XIII được xem là một "dấu son" của một kỳ Quốc hội với nhiều trọng trách.

Từng đại biểu bước vào kỳ họp này ngập tràn bao xúc cảm bâng khuâng. Lần đầu, hoạt động nghị trường diễn ra ở Nhà Quốc hội mới xây dựng đàng hoàng và to đẹp, trong những phòng họp lớn mang tên gọi Diên Hồng, Tân Trào... giữa khuôn viên Quảng trường Ba Ðình lịch sử thấm đẫm hồn thiêng và khí phách núi sông đất Việt, nơi hội tụ của bản lĩnh, tâm thế và trí tuệ Việt Nam. Ý tưởng thiết kế tòa nhà hình khối theo triết lý bánh chưng, bánh dày biểu tượng cho sự hòa hợp trời tròn, đất vuông, quả thực rất thú vị với bất kỳ ai đến tham quan.

Riêng tên gọi Diên Hồng gợi nhớ một sự kiện lịch sử trọng đại, được các nhà sử học, nhà nghiên cứu lập pháp ghi nhận như một hội nghị của tinh thần dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Gần 730 năm trước, vào năm 1284, triều đình nhà Trần long trọng rước mời các vị bô lão từ các làng, xã khắp các vùng, miền cả nước về Kinh thành Thăng Long. Ðể thống nhất ý chí. Ðể tập hợp sức mạnh. Ðể toàn quân, toàn dân đoàn kết một lòng chống quân Nguyên.

Gần 730 năm sau, tinh thần dân chủ và hào khí Diên Hồng vẫn còn mới nguyên tính thời sự, giá trị thời đại! Mỗi đại biểu khi bước vào đây đều ý thức được trọng trách của mình, trong từng thái độ làm việc, mỗi ý kiến phát biểu, hay một quyết định về vấn đề quốc kế dân sinh, đều là gánh trên vai trách nhiệm chuyển tải thông điệp, nguyện vọng tiếng dân. Trong phiên chất vấn trực tiếp Thủ tướng, các thành viên Chính phủ tại phòng họp lớn Diên Hồng, hàng loạt ý kiến đề đạt nhiệt tâm, thấu đáo của các đại biểu Quốc hội đã tỏ rõ tinh thần xây dựng, đặt trọng trách trước nhân dân. Ðó là câu chuyện về tái cơ cấu nền kinh tế, nợ công, nợ xấu, quản lý vốn đầu tư phát triển. Ðó là chuyện tham nhũng, lãng phí, an sinh xã hội, chuyện học hành, dự liệu xây dựng các công trình lớn trong tương lai... Quốc hội không thể đứng ngoài quy trình vay nợ ODA, Quốc hội phải lên tiếng về "tham nhũng nhà công vụ", phải đưa ra phản biện nghiêm túc với các đại dự án như Sân bay Long Thành,... Ðó là dư âm vang vọng từ cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia.

Từ diễn đàn Quốc hội, các vị lãnh đạo và các vị đại biểu đã lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề biên cương, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc trong một thế giới đầy biến động, để đồng tâm hiệp lực lựa chọn con đường đối ngoại độc lập, tự chủ. "Ðối với ta và Trung Quốc là láng giềng. Dù mưa nắng hay bão gió gì cũng là láng giềng, mãi mãi là láng giềng. Chúng ta hết sức mong muốn Việt Nam và Trung Quốc chân thành hợp tác để gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển, thịnh vượng", đáp lại đề nghị "Thủ tướng nói một cách ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ về quan hệ Việt Nam với Trung Quốc từ khi Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam" của Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định dứt khoát: Vừa hợp tác vừa đấu tranh. Khát vọng hòa bình là đấy! Ý chí bảo vệ hòa bình cũng là đấy!

Nơi phòng họp Diên Hồng ấy, lần thứ hai Quốc hội bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Ðảng và Nhà nước trong bộ máy lập pháp, hành pháp, tư pháp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: "Cầm lá phiếu nhẹ nhàng thôi, nhưng trách nhiệm rất nặng nề! Khi quyết định đại biểu cân nhắc, thận trọng, khách quan, công tâm, chính xác...". Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm từ tinh thần đoàn kết, không khí dân chủ, trí tuệ, đổi mới, cầu thị và trách nhiệm cao của từng đại biểu Quốc hội đã thể hiện năng lực phản biện, là tư duy độc lập, là chính kiến ngày càng rõ nét, sắc bén khi thảo luận, chất vấn, trả lời trong và ngoài nghị trường.

Dưới sự điều hành quyết đoán của Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội, các chương trình nghị sự hết sức nặng nề đã đi tới đích. Các Bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn và thực hiện lời hứa, ngay trong từng lời nói, việc làm cụ thể và trong tư duy quản lý điều hành trung hạn, dài hạn. Qua đó, đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân công tâm "chấm điểm" mức độ tín nhiệm. Cử tri và nhân dân chờ đợi tới đây, mỗi hành động, quyết sách của mỗi Bộ trưởng, mỗi thành viên Chính phủ phải là lời nói đi đôi việc làm, đã biết nhận sai và phải biết sửa sai!

Một điểm nhấn ấn tượng về hoạt động đối ngoại năm qua được báo chí trong nước và nước ngoài ghi nhận: Kết quả tốt đẹp từ cuộc hội kiến đặc biệt giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Ðức Giáo hoàng Phrăng-xít vào hồi tháng ba đầu năm. Báo chí Va-ti-căng cho biết, đây là lần đầu một vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm Va-ti-căng.

Sự hiểu biết nhau và quan hệ giữa Việt Nam với Va-ti-căng đang ngày càng tiến triển tích cực trên tinh thần đối thoại thiện chí, xây dựng, tôn trọng lẫn nhau. Trong cuộc hội kiến Ðức Giáo hoàng Phrăng-xít, điều làm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hết sức xúc động, khi Ðức Giáo hoàng có cử chỉ đặt tay lên ngực trái và chân thành nói: "Việt Nam luôn ở trong trái tim tôi!".

Về ấn tượng cũng như kỳ vọng về đất nước Việt Nam tiếp tục đổi mới, phát triển, người đứng đầu Tòa thánh Va-ti-căng nói tiếp: Tôi rất ngưỡng mộ Việt Nam, đây là một dân tộc vĩ đại, đáng để thế giới ngưỡng mộ...

Cuộc gặp đặc biệt ấy diễn ra ngay tại nơi duy nhất trên hành tinh toàn bộ quốc gia được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Mỗi năm, Va-ti-căng đón hàng triệu lượt du khách và người hành hương từ khắp các châu lục về đây. Với sự đồng cảm sâu sắc, Ðức Giáo hoàng nói lên những điều tâm niệm chứa đựng ý nghĩa sâu sắc: "Tôi cầu chúc hòa bình, thịnh vượng cho Việt Nam!".