Năm 2014, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ KH và CN) “liều mình” xuất khẩu mười tấn vải thiều Lục Ngạn sang Nhật Bản. Thật bất ngờ khi thị trường khó tính như Nhật Bản đã chấp nhận vải thiều Lục Ngạn.
Sở dĩ quả vải thiều Lục Ngạn được thị trường Nhật Bản chấp nhận và mua với giá cao là do các nhà khoa học đã áp dụng công nghệ CAS (Cell Alive System) để bảo quản. Nhưng để xuất khẩu thành công 10 tấn vải thiều, Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng còn phải chọn lọc quả vải được trồng trong các hộ dân tuân thủ quy trình Viet Gap.
Một USD ở thị trường Nhật Bản mua được 2,5 quả vải Lục Ngạn, trong khi ở Lục Ngạn một USD có thể mua 60 quả vải. Thí dụ trên chỉ rõ rằng, nếu người dân sử dụng giống cây không bảo đảm, chăm sóc, bảo quản không đúng kỹ thuật, quả vải Lục Ngạn không thể xuất khẩu và nâng cao giá trị được. Điều đó cũng cho thấy vai trò quan trọng của việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong việc nâng cao giá trị hàng nông sản xuất khẩu. Viện trưởng Nghiên cứu và Phát triển vùng Lê Tất Khương báo cho chúng tôi một tin mừng, đến thời điểm đầu năm 2016, viện đã tìm được thị trường xuất khẩu quả vải, và nhiều nông sản khác sang Mỹ, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a sau khi được bảo quản bằng công nghệ CAS.
Sau 15 năm Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai Chương trình Nông thôn miền núi, hàng nghìn lượt nhà khoa học đã về cơ sở chuyển giao về địa phương được 4.761 lượt công nghệ; xây dựng được 2.501 mô hình sản xuất trên hầu khắp các tỉnh, thành phố của cả nước. Thành công của chương trình đã làm tăng năng suất chất lượng cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập cho các hộ dân tham gia các dự án thuộc chương trình; phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ và trang thiết bị kỹ thuật cho nông dân ở địa phương.
Ngày 17-12-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1895/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 (Quyết định số 1895).
Quyết định nói trên chỉ rõ, trong giai đoạn 2016-2020, hình thành và phát triển khoảng 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm; xây dựng thêm từ một đến hai khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại mỗi vùng sinh thái nông nghiệp và từ hai đến ba vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại mỗi tỉnh vùng kinh tế trọng điểm. Theo chúng tôi đây là một chương trình thiết thực, mang tầm vĩ mô quốc gia, không chỉ bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho đất nước, mà còn là tiền đề quan trọng để tạo ra hàng hóa nông nghiệp có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu khi chúng ta tham gia TPP hay EVFTA...
Theo GS, TS Nguyễn Ngọc Kính (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố không chỉ như giống, kỹ thuật trồng, thu hoạch, bảo quản, mà còn phụ thuộc vào việc quảng bá thương hiệu sản phẩm. Sau 15 năm theo dõi Chương trình Nông thôn miền núi, hoạt động của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi nhận thấy hiệu quả chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chưa cao do trình độ người dân ở một số nơi còn hạn chế. Các dự án sản xuất ra sản phẩm hàng hóa chưa có quy mô lớn, chưa khép kín từ khâu phát triển vùng nguyên liệu đến sơ chế, chế biến và đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước.
Cơ chế chính sách hiện tại chưa tạo điều kiện cho các đơn vị chủ trì trực tiếp nhập khẩu các dây chuyền sản xuất, công nghệ phù hợp của các nước phát triển vào ứng dụng sản xuất tại Việt Nam. Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam tuy có chất lượng cao hơn sản phẩm cùng loại của nhiều nước nhưng lại thua thiệt về giá cả do công tác quảng bá thương hiệu kém.
Đề cập nội dung này, đồng chí Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, khi tham gia TPP, Việt Nam có những lợi ích rõ rệt về sở hữu trí tuệ, hàng hóa được xuất khẩu miễn thuế, doanh nghiệp được bảo hộ về chỉ dẫn địa lý. Trước kia, bất kỳ một doanh nghiệp nào ở nước ngoài cũng có thể đăng ký tên sản phẩm nổi tiếng của nước ta như: nước mắm Phú Quốc, cà-phê Buôn Ma Thuột... Nhưng nay các chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam được bảo hộ ở TPP. Như vậy, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp Việt Nam nếu có sản phẩm trí tuệ cần phải đăng ký để được bảo hộ.
Việc hình thành các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao theo tinh thần của Quyết định số 1895 tạo cơ hội để tập trung nguồn nhân lực ở địa phương, đầu tư tập trung phát triển cây, con là thế mạnh của vùng, thực hiện sở hữu trí tuệ, quảng bá thương hiệu để xuất khẩu nông sản.
Vào những ngày đầu tiên của năm 2016, tiến sĩ Dương Ngọc Tú, Trưởng phòng Sinh dược, Phó Giám đốc kiêm điều phối viên Trung tâm Nghiên cứu xuất sắc về lĩnh vực các hợp chất thiên nhiên Việt Nam (Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) báo tin vui: Các nhà khoa học đã sản xuất thành công loại sản phẩm NACUMIN. Đây là sản phẩm có chứa thành phần tinh chất nghệ CURCUMIN tự nhiên siêu hòa tan có kích thước na-nô. NACUMIN có tác dụng chống ô-xy hóa, làm giảm nguy cơ mắc khối u, bướu do tác nhân ô-xy hóa gây ra; làm liền vết thương nhanh, làm mờ vết thâm nám; giảm các triệu chứng viêm loét dạ dày, tá tràng…
Kết quả nghiên cứu nói trên đã tạo ra công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân gấp từ 5 đến 7 lần so với trồng lúa. Từ đây mở ra cơ hội lớn không chỉ đáp ứng cho nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu sang Nhật Bản, Vương quốc Anh. TS Tú tổng kết: Để có được 20 gam tinh chất CURCUMIN phải cần từ 5 đến 7 kg nghệ tươi. Điều này cho thấy tác dụng vượt trội của sản phẩm CURCUMIN so với các sản phẩm nghệ truyền thống khác, khi được tách chiết bằng công nghệ an toàn, thân thiện với môi trường trong chiết xuất với sự giúp đỡ của các nhà khoa học Anh. Hợp tác quốc tế lĩnh vực khoa học, công nghệ đã tạo ra bước chuyển biến ngoạn mục đó.
Nâng giá trị hàng nông sản xuất khẩu bằng khoa học, công nghệ
|