Tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng

|

Điện Biên là tỉnh miền núi cao, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, diện tích rừng lớn trong khi đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng cao còn khó khăn; nhiều cộng đồng dân tộc còn hủ tục lạc hậu, sống phụ thuộc rừng nên nhận thức về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế. Chính thực trạng này đã làm tăng áp lực với công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng ở Điện Biên.

Nói thêm về khó khăn, áp lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa bàn thời gian qua, ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino tình hình thời tiết, khí hậu trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, lượng mưa giảm (đặc biệt vào tháng 3 - 4) lại trùng với mùa đốt nương canh tác nông nghiệp nên đã xảy ra các vụ cháy rừng.

Ở cơ sở, còn nhiều chủ rừng là cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân thiếu năng lực, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ diện tích rừng đã được giao quản lý. Tại một số huyện, như: Nậm Pồ, Điện Biên, Mường Nhé còn tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất; nhiều vụ việc vi phạm có dấu hiệu phá rừng tập thể… gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh, xử lý vi phạm…

Kiểm lâm địa bàn xã Mường Tùng, huyện Mường Chà tuyên truyền Luật Lâm nghiệp đến nhân dân trên địa bàn.

Nhận thức rõ thực trạng và nguyên nhân, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên đã chủ động xây dựng kế hoạch chuyên đề tập trung tuyên truyền, giáo dục các quy định pháp luật về bảo vệ phát triển rừng đến nhân dân; coi đây là nhiệm vụ bắt buộc triển khai trong toàn lực lượng kiểm lâm từ tỉnh đến hạt kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố và đến từng địa bàn.

Theo kế hoạch, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo 100% Hạt trực thuộc và các phòng, ban chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp. Trong đó tập trung vào các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân khi tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

Đặc biệt, tập trung quán triệt Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 2/8/2017 của Tỉnh ủy Điện Biên về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn; công điện số 441/CĐ-TTg ngày 22/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng và văn bản số 2109/UBND-KTN ngày 23/5/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên về triển khai thực hiện Công điện số 441/CĐ-TTg ngày 22/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong những tháng cao điểm phòng, chống cháy rừng (tháng 1 đến tháng 4), Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm tăng cường công tác tham mưu về phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra công cụ, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng đã được cấp phát; thường xuyên bám, nắm địa bàn, để chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác chuẩn bị cho phòng cháy chữa cháy rừng đạt hiệu quả.

Tại địa bàn, ngoài việc thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm các huyện chủ động lựa chọn các xã “nóng” về vi phạm rừng để tổ chức đưa cán bộ về từng thôn, bản tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định bảo vệ rừng.

Để hạn chế tình trạng làm nương cháy lan rừng như các năm trước, kiểm lâm viên ở các huyện: Tủa Chùa, Mường Nhé, Thị xã Mường Lay, Mường Chà… đã về hàng trăm thôn, bản hướng dẫn bà con làm đường băng cản lửa theo phương thức “cầm tay chỉ việc” thực hành tại đất nương của bà con.

Làm theo cách đó, trong mùa làm nương vừa qua, tình trạng cháy lan từ nương vào rừng ở Điện Biên đã được hạn chế rất nhiều; ý thức phòng, chống cháy rừng, bảo vệ rừng của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Người dân huyện Tuần Giáo tham gia tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng trồng.

Tổng hợp thống kê từ các huyện, trong 9 tháng đầu năm, Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Điện Biên đã tổ chức hơn 550 buổi tuyên truyền tới các hộ gia đình, cá nhân và các thôn, bản về các quy định bảo vệ rừng. Qua tuyên truyền có 27.962 người tham gia; 22.879 người ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ rừng.

Cùng với đó, các hạt kiểm lâm huyện, kiểm lâm viên địa bàn còn thực hiện tuyên truyền trên loa phát thanh thôn, bản được 751 lượt với tổng 831,90 giờ phát.

Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền kiểm tra và chủ động các giải pháp ứng phó khi xảy ra sự cố cháy rừng, nên diện tích rừng bảo vệ chặt chẽ. Hiện toàn tỉnh có hơn 415 nghìn ha rừng; tỷ lệ che phủ đạt 42,54% (tăng 0,04% so với kế hoạch giao); công tác quản lý quy hoạch 3 loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, rừng ngoài quy hoạch được quản lý chặt chẽ, nghiêm túc.