Mở rộng cánh cửa công nghệ vũ trụ

|

Ðầu năm 2015, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ được khởi công xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Và chỉ 5 năm sau đó, vệ tinh LOTUSat sẽ được phóng lên quỹ đạo. Việt Nam đang đặt nền móng cho một trung tâm nghiên cứu triển khai, đào tạo khoa học về công nghệ vũ trụ hàng đầu khu vực Ðông - Nam Á.  

Bước ngoặt đầu tư

Ðến với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong những ngày chuyển giao của năm, ai cũng vui mừng khi nhận thấy khu đất rộng lớn 9 ha đã được dọn mặt bằng, chờ ngày động thổ. Nhìn bản vẽ có thể phần nào mường tượng quy mô và dáng vóc của một công trình lớn nằm trong khuôn khổ của Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam do Trung tâm Vệ tinh quốc gia (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thực hiện. Theo lộ trình, vệ tinh LOTUSat sẽ được thiết kế, lắp ráp và thử nghiệm tại Trung tâm, sau đó được phóng lên quỹ đạo vào cuối năm 2020.

Hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực này đều cho rằng, Việt Nam đã đúc rút được kinh nghiệm của nhiều nước đang phát triển, tự chọn cho mình hướng đi thích hợp để tiến thẳng tới một lĩnh vực công nghệ cao - công nghệ vũ trụ (CNVT) - nhằm phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Hướng đi thích hợp đó là sự quyết tâm cao của lãnh đạo Ðảng và Nhà nước trong việc đầu tư một dự án trọng điểm - Dự án Trung tâm Vũ trụ, nhằm thực hiện thành công Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng CNVT đến năm 2020; chọn được đối tác phù hợp trong việc hợp tác quốc tế để xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực cũng như xây dựng lộ trình phát triển CNVT thích hợp với điều kiện Việt Nam.

Mỗi năm nước ta dành 2% tổng chi ngân sách cho khoa học và công nghệ. Nhưng trong số đó đã có 90% kinh phí dành cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên, chỉ có hơn 10% cho hoạt động nghiên cứu, triển khai tầm quốc gia (tương đương gần 100 triệu USD). Trong khi đó Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam có nguồn vốn đầu tư lên tới 54 tỷ yên (tương đương 600 triệu USD) từ nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Ðiều đó cho thấy quyết tâm rất cao của Chính phủ trong việc đầu tư "tới ngưỡng" cần thiết (tương đương với sáu năm đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, triển khai tầm quốc gia ở nước ta) để có được trình độ CNVT đẳng cấp khu vực vào năm 2020.    

Mấu chốt hợp tác và đào tạo

Công nghệ vũ trụ là lĩnh vực công nghệ cao, do vậy hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển. Trong thời gian qua, Trung tâm tham gia ba dự án hợp tác quốc tế: Dự án ứng dụng hệ thống định vị Vệ tinh QZSS (phối hợp Văn phòng Chiến lược vũ trụ Nhật Bản); Dự án Chùm vệ tinh JAPAN - ASEAN ( Bộ Công thương Nhật Bản); Chương trình GLOBE (NASA-Mỹ). Ðồng thời Trung tâm đang tích cực mở rộng hợp tác quốc tế với các Cơ quan Hàng không vũ trụ của Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Viện Hàn lâm Hàng không vũ trụ quốc tế.

Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ công nghệ cao, sắp tới sẽ có 54 cán bộ của Trung tâm được cử đi đào tạo và nhận chuyển giao công nghệ vệ tinh, trong đó có 36 cán bộ được đào tạo theo chương trình chuẩn thạc sĩ ngành CNVT tại năm trường đại học và học viện có ngành CNVT mạnh của Nhật Bản; tham gia chương trình thực hành "Thiết kế, chế tạo, lắp ráp và thử nghiệm vệ tinh micro 50 kg".  

Ðề cập việc lựa chọn hướng đi thích hợp cho việc phát triển CNVT ở nước ta, PGS, TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm cho rằng: Lĩnh vực CNVT nước ta cần phát triển theo hướng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, chủ động trong thiết kế, tích hợp, thử nghiệm phát triển vệ tinh theo kích cỡ lớn dần. Theo đó, Trung tâm Vệ tinh quốc gia đã đặt kế hoạch phát triển vệ tinh từ PicoDragon nặng 1 kg (năm 2013) tới NanoDragon nặng 10 kg (năm 2016), MicroDragon nặng 50 kg (năm 2018) và vệ tinh LOTUSat nặng 550 kg (năm 2020). Ðây là cả một quá trình xây dựng lâu dài, từng bước hướng tới làm chủ công nghệ vệ tinh từ đơn giản đến phức tạp.

Theo đánh giá tư vấn của các chuyên gia Nhật Bản, ước tính mỗi năm, thiệt hại do thiên tai gây ra đối với nước ta chiếm 1,5% GDP (khoảng 2 tỷ USD). Dự án nói trên, nếu hoạt động tốt, sẽ góp phần giảm 10% thiệt hại, khoảng 200 triệu USD/năm.

Vừa từ Mỹ trở về nước, ngày 18-12-2014, PGS, TS Phạm Anh Tuấn vui mừng cho chúng tôi biết: Cuộc tọa đàm lần thứ nhất về hợp tác vũ trụ dân sự giữa Việt Nam và Mỹ diễn ra tốt đẹp. Cả hai bên đều mong muốn có thể ký được một hiệp định hợp tác về vũ trụ dân sự trong năm 2015, vào thời điểm hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Ðây sẽ là cơ hội để lĩnh vực CNVT nước ta cất cánh.

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam hoạt động tốt sẽ góp phần giảm 10% thiệt hại do thiên tai gây ra mỗi năm.