Bay lên cùng sáng tạo

|

Trong lịch sử, đã có không ít giai đoạn chúng ta bị kéo ghì,bị trói buộc bởi những thứ khiến óc suy nghĩ, tầm nhìn, trí tưởng tượng của mình bị hạn chế. Đó là những sợi xích, sợi dây thừng mang tên cơm áo, cơ chế,… Chúng khiến người Việt dường như chả có sáng tạo gì nổi trội. Nhưng bây giờ đã khác.  

Muốn sáng tạo phải bay lên

Lịch sử loài người, chính xác là lịch sử văn hóa, văn minh của loài người xét theo góc độ tiến hóa, phát triển là lịch sử của những cú bay lên, vượt thoát những suy nghĩ, tư duy và cách làm cũ mòn, đơn thuần.

Một nước Mỹ không có bề dày văn hóa, lịch sử đã vượt lên trên lục địa già châu Âu để trở thành cường quốc số một thế giới. Một I-xra-en phủ xanh cả sa mạc. Một huyền thoại sông Hàn,… Hay là sự ra đời của những iPhone, Google, Facebook, Alibaba,… Tất cả đều trở thành những biểu tượng, ghi dấu vào lịch sử loài người chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi các quốc gia, doanh nghiệp.

Việt Nam có thể bay lên? Nếu xét ở bình diện sáng tạo cá nhân, chúng ta cũng có được một vài phát minh khiến thế giới phải thán phục. Đó là phát minh ra máy ATM của ông Đỗ Đức Cường (làm việc cho Citibank tại Mỹ 20 năm). Đó là xe lăn điều khiển thông qua ý nghĩ của con người của GS, TS Hùng Nguyễn. Đó là phát minh giúp những người có bệnh về mắt không phải đeo kính của bác sĩ Phạm Hoàng Tánh... Bên cạnh đó là các phát minh gây tranh cãi khá nhiều như tàu ngầm, máy bay (còn ở dạng thô sơ). Tuy thế, nếu đặt cạnh những phát minh, sáng tạo đã có của thế giới thì phải thành thật mà thừa nhận là, kết quả ấy còn khiêm tốn lắm.

Vậy có phải người Việt Nam chúng ta không có khả năng tạo ra những cú bay lên không? Theo tôi là không. Câu chuyện nằm ở tư tưởng, tư duy, ở văn hóa của con người, xã hội chúng ta.

Bay lên chứ không phải “bay bay”

Cuối tuần vừa rồi, tôi dành cả buổi với một doanh nhân trong lĩnh vực nhà hàng. Đó là một doanh nhân với óc phân tích logic, có khả năng lập trình cho mọi khâu đoạn, chi tiết. Thế nhưng mức độ thành công của nhà hàng do anh mở ra thì chưa được như kỳ vọng. Đó là do ở anh thiếu đi cái sự “bay” của những ý tưởng marketing truyền thông sáng tạo, đột phá. Ẩm thực hay dịch vụ ăn uống giờ đây còn đòi hỏi phong cách và những câu chuyện, sự kiện hấp dẫn.

Thật trùng hợp, trước cuộc gặp anh doanh nhân kể trên thì khoảng đầu tháng 11-2015 tôi cũng gặp một doanh nhân khác của mảng nhà hàng. Và anh này thì gần như là một sự đối lập với anh kia. Tham vọng lớn (tầm nhìn 2020 sở hữu chuỗi nhà hàng lớn hơn cả Golden Gates), ý tưởng nhiều (tạo ra một thương hiệu nhà hàng như là nơi thứ ba sau gia đình, công sở), nhưng hỏi đến cái gì của khâu chuẩn bị để khai sinh một nhà hàng đều chưa có (“nhưng có trong đầu anh hết rồi” - anh ấy nói thế).

Trên đây chỉ là hai trong số nhiều mẫu hình doanh nhân người Việt. Có lẽ chừng đó là chưa đủ đại diện cho hết thảy con người nước ta, nhưng cá nhân tôi thì thấy rút ra được nhiều điều hữu ích khi tiếp xúc với họ.

Muốn bay lên, tạo ra những thành tựu mang tính đột phá, lan tỏa rộng lớn thì phải bắt đầu từ những cái căn bản nhất như là tư duy hệ thống, tư duy phản biện, tư duy chiến lược, tư duy sáng tạo. Sự sáng tạo chỉ thật sự hiệu quả, có giá trị khi nó được bắt nguồn từ một khối kiến thức đủ rộng, đủ sâu, đủ hệ thống. Và để một ý tưởng sáng tạo trở thành hiện thực thì còn phải trải qua một hành trình đầy gian nan của nghiên cứu và phát triển (R&D), của sản xuất, của kiểm thử, của cải tiến, của tiếp thị và bán hàng, của xây dựng và phát triển thương hiệu…

Nhưng “bay lên” không bao giờ giống “bay bay”. Người ta gọi những kẻ ảo tưởng, vĩ cuồng, chém gió là những kẻ đầu óc “bay bay”. Và đáng ngại thay, ở Việt Nam lúc này, có không ít con người như thế. Đó là những nạn nhân của con vi-rút đa cấp. Đó là nạn nhân của những khóa đào tạo triệu phú, tỷ phú lan tràn. Đó là những bạn trẻ bồng bột, xốc nổi và ảo tưởng chạy theo cơn sốt khởi nghiệp (startup). Họ không biết rằng, để có thể bay lên, người ta phải “tập bay” liên tục hàng chục nghìn giờ (theo lý thuyết 10.000 giờ của Man-côm Glat-oen). Trong quá trình đó, sự va đập, rơi vỡ gây đau đớn là chuyện thường. Những sáng tạo đột phá ra đời từ đó chứ không phải từ những ước mơ vĩ đại được viết trên Facebook.

Thế giới đã bước sang thời kỳ của nền kinh tế sáng tạo. Người giàu nhất và nhì thế giới lúc này là hai đại diện của ngành công nghiệp sáng tạo (A-man-xi-ô O-tê-ga - ông chủ hãng thời trang Tây Ban Nha - Inditex, - 79,8 tỷ USD) và Bin Ghết, nhà sáng lập công ty phần mềm Microsoft, - 79,4 tỷ USD). Cả thế giới có 40 siêu vùng sáng tạo, chỉ chiếm 17% dân số thế giới, nhưng tạo ra 2/3 tổng GDP và hơn 85% số lượng phát minh trên toàn cầu. Như thế, ta có thể nói, nhân loại đang bay trên đôi cánh của sáng tạo.

Muốn sáng tạo phải bay lên, hãy cứ đột phá tư duy, cứ dũng cảm thể hiện và chấp nhận sự khác biệt cá nhân, nhưng khi hành động, hãy nắm lấy tay nhau, giống như loài chim, bao giờ cũng bay thành đàn. Dám bay và biết bay mới tới được những chân trời mới.