Ai đó đã nói: Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố không có nhà cổ, phố cổ. Đơn giản vì trong quá trình giải phóng và dựng xây thành phố, tất cả đều biến động, thay đổi, nhường chỗ cho những gì giá trị hơn, cần thiết hơn. Khó tìm thấy một con đường nào giữ nguyên kiến trúc mặt phố như khu Hàng Đào, Hàng Ngang ở Hà Nội, như Hội An ở Quảng Nam…
Người dân phương xa giờ đây mỗi khi đến TP Hồ Chí Minh đều ngỏ ý muốn đi thăm khu Phú Mỹ Hưng, cũng như nhiều đô thị vệ tinh hoa lệ khác, và đều trầm trồ khen ngợi. Nhưng ít ai biết rằng, vùng đất này hơn 20 năm trước sình lầy đến nỗi “thả một con trâu lên đây nó cũng bị lún xuống sình lầy”…
Bây giờ chân dung thành phố đã khác. Rất khác. TP Hồ Chí Minh đang đối mặt với một thử thách của thời đại đô thị hóa, đối mặt với vấn đề đất chật người đông. Đối mặt với vấn đề dân nhập cư lớn nhất từ trước tới nay. Vào năm 1976, Sài Gòn chỉ có hơn 3,5 triệu dân. Mật độ lúc đó là 1.702 người/km2. Còn vào năm 2004, TP Hồ Chí Minh đã có 6 triệu dân chính thức, mật độ 2.894 người/km2. Đến năm 2020 sẽ có khoảng 10 triệu dân chính thức và thêm khoảng hai triệu dân nhập cư chưa ổn định chỗ ở và hộ khẩu.
Nếu như sau giải phóng, Sài Gòn trước kia chỉ có vài quận thì nay TP Hồ Chí Minh đã có 24 quận, huyện. Trong đó nhiều quận cũ cũng như quận mới có rất nhiều dân nhập cư sinh sống như Bình Chánh, Bình Tân, Tân Phú, quận 9, Gò Vấp… Chính vì thế, dân số Sài Gòn vào năm 1976 chỉ chiếm khoảng 6,2% dân số toàn quốc, còn bây giờ đã chiếm khoảng 10%.
Trong những năm qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao và chi tiêu dành cho cơ sở hạ tầng đã góp phần làm cho TP Hồ Chí Minh trở thành một trong những đô thị có biên độ phát triển lớn nhất, và được xếp ở vị trí thứ sáu trong tổng số 120 thành phố của Danh sách các thành phố năng động được tập đoàn Jones Lang LaSalle (JLL) của Anh công bố tháng 7-2015. (Top 10 thành phố năng động nhất thế giới của JLL bao gồm Luân Đôn, Xan Giô-xê, Bắc Kinh, Thẩm Quyến, Thượng Hải, TP Hồ Chí Minh, Bô-xtơn, Vũ Hán, Xan Phran-xi-xcô và Trùng Khánh).
Nói đến sự năng động, sáng tạo của TP Hồ Chí Minh trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng trong gần 30 năm qua, thực chất là nói tới cuộc đấu tranh cam go, khốc liệt giữa cái mới, tiến bộ và cái cũ, bảo thủ - điều mà lãnh đạo và người dân TP Hồ Chí Minh luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm”. Nhưng khi bắt tay vào thực hiện mới thấy muôn vàn khó khăn, phức tạp, không thể thực hiện nhanh, thậm chí có lúc bị “tuýt còi” và phải chịu tổn thất nghiệt ngã. Bởi năng động, sáng tạo - suy cho cùng, có một phần phủ định cái cũ, chống lại thói quen, tập quán lỗi thời, nên đôi khi nó đem đến sự rủi ro cao.
Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020 đã nêu rõ: Đạt được những thành tựu trên là do đường lối đổi mới toàn diện của Đảng; sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Trung ương Đảng, Quốc hội; sự quản lý, điều hành năng động của Chính phủ trong khắc phục ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu; sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương đối với thành phố. Truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân thành phố; tiềm năng kinh tế và kinh nghiệm quản lý của thành phố trong những năm đổi mới. Sự nỗ lực phấn đấu cao của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân thành phố.
TP Hồ Chí Minh không phải là thành phố đầu tiên “trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư và thu hút chất xám”, nhưng là thành phố thu hút đầu tư và chất xám lớn nhất nhì nước. Đơn giản đây là miền đất hứa để con người được thử thách và có nhiều cơ hội đóng góp, tiến thân.
Ai đã sống ở thành phố này lâu sẽ “nhiễm” và muốn “nhiễm” chất năng động của thành phố. Dù khó khăn thế nào cũng tìm ra được giải pháp cho cuộc sống. Cuộc sống của họ gắn với xã hội nhiều. Bạn bè tôi, dù là người mọi vùng đất nước nhưng khi vào Sài Gòn thì cũng nhiễm cái thú xê dịch, thời gian ngoài đường nhiều hơn ở nhà. Nói cười vui vẻ, lạc quan, dễ tha thứ và không than thân trách phận. Ở thành phố này tuy đắt đỏ nhưng kiếm sống cũng không quá khó. Chính vì thế con người thường rất dễ hòa đồng, chia sẻ. Đặc tính này là yếu tố lan tỏa mời gọi, trở thành sức hút lôi cuốn người dân nơi khác về TP Hồ Chí Minh.
Định hướng phát triển trong 5 năm tới có một số điểm mới mà Đảng bộ thành phố đã đề cập đến, với mong muốn chăm lo tốt hơn cho nhân dân và đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Trước hết, đó là “Thành phố có chất lượng sống tốt”. Đó là thành phố mà mỗi một người dân đều cảm thấy thoải mái, hạnh phúc và được sống tốt. Là một đô thị đặc biệt, một trung tâm đa chức năng, mở cửa ra thế giới và khu vực, cho nên nhất thiết TP Hồ Chí Minh phải ngày càng văn minh, hiện đại. “Nghĩa tình” là một khái niệm mới, có tính sáng tạo của thành phố. Đây là một trong những yếu tố cấu thành một thành phố có tính nhân văn cao, sắc thái và cốt cách của một thành phố mang đậm nét Á Đông.
Với những nét son nghĩa tình đã được hun đúc thành một động lực sống và làm việc cho mỗi cán bộ và người dân thành phố ấy, tôi tin là những khó khăn lúc này sẽ qua đi… Vấn đề của TP Hồ Chí Minh là giải bằng được bài toán về dân số một cách năng động và nghĩa tình. Thuận lợi cũng từ đó mà khó khăn cũng từ đó. Nhân lực được sử dụng một cách khoa học và phù hợp theo hướng phát triển chính quyền đô thị sẽ là thế mạnh không nơi nào có được.
Từ máu thịt mình, tôi hằng tin như thế!
Những con người trẻ trung đang xây dựng thành phố này với tất cả trách nhiệm và tình yêu của mình. Với một đội ngũ lãnh đạo mới trong đó có nhiều người thế hệ 6X, 7X vừa được bầu ra giữ trọng trách đưa TP Hồ Chí Minh xứng với tầm vóc thành phố lớn nhất nước, cộng với sự năng động và nghĩa tình mang tính đặc trưng nổi bật, thành phố đã, đang và sẽ tiếp tục tạo nên những bước phát triển mới. |