Sâu nặng tình dân, nghĩa Đảng

|

Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, trong nhiệm kỳ Đại hội XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều thời gian đi nghiên cứu thực tế tại các địa phương. Những vấn đề mà Tổng Bí thư quan tâm nhiều nhất là việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng nông thôn mới, chăm lo cuộc sống đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng còn nhiều khó khăn. Mỗi chuyến đi là một dịp hiểu dân rõ hơn, “tiếp lửa” cho dân thêm sức mạnh trong hành trình vươn lên ấm no, hạnh phúc.  

Đến với dân, cùng tìm cách làm giàu

Đến các địa phương, những buổi làm việc đầu tiên của Tổng Bí thư thường diễn ra tại nhà văn hóa thôn, bản, có đông bà con đến dự. “Đề nghị cán bộ xã, huyện báo cáo ngắn gọn thôi, dành thời gian cho bà con phát biểu” - mỗi khi về cơ sở, Tổng Bí thư thường nhắc nhở như thế!

Cuối tháng 8-2011, trong buổi làm việc tại xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, An Giang, tìm hiểu việc thực hiện nghị quyết “tam nông”, Tổng Bí thư rất vui khi biết từ năm 2005, huyện hoàn thành chương trình đê bao kiểm soát lũ, cho nên đã làm được ba vụ lúa/năm, thu khoảng 15 tấn trên một ha. Hôm ấy, trên đường vào thăm các hộ dân ở ấp Trung Phú I, xã Vĩnh Phú, bất chợt trời đổ mưa, mấy cán bộ địa phương định mở ô, che mưa cho Tổng Bí thư, nhưng đồng chí nhanh chân hơn, vào thăm gia đình ông Tạ Văn Thái, tổ 6. Mọi người chạy theo, ùa vào nhà, có người lôi cả giày dép đầy bùn đất giẫm lên sàn gạch sạch bóng. Tổng Bí thư dừng lại, cởi giày đặt dưới hiên nhà rồi mới bước vào… Trò chuyện với gia đình, đồng chí hỏi rất cụ thể về việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thuận lợi, khó khăn chỗ nào, chi phí cho sản xuất ra sao, liên kết với các doanh nghiệp hiệu quả đến đâu, có vướng mắc gì không?

Thăm Đội cao-su Phiêng Tìn, xã Ít Ong, huyện Mường La (Sơn La), nơi có mô hình liên kết trồng cây cao-su, Tổng Bí thư chú ý nghe việc nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất để trở thành cổ đông của doanh nghiệp. Đây là cách để bà con trở thành công nhân, có vốn trong doanh nghiệp; được hưởng cổ tức và vẫn tiếp tục lao động sáng tạo trên mảnh đất của mình và nhận lương hằng tháng, ai cũng vui.

Trong những buổi làm việc tại các địa phương cũng như khi đi thăm những hộ nông dân sản xuất giỏi ở nhiều vùng trong cả nước, Tổng Bí thư quan tâm đến cách làm sáng tạo, những mô hình sản xuất mới, có thể nhân rộng; luôn trăn trở, bàn cách giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Tổng Bí thư nhấn mạnh, Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đề cập nhiều nội dung liên quan nhiều vấn đề lớn phải có lộ trình và thực hiện trong thời gian dài. Những kết quả đạt được mới là bước đầu, còn bao nhiêu khó khăn. Các vấn đề “tam nông” phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân phải dựa trên cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực, để giải phóng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, trước hết là lao động, đất đai, rừng và biển. Cần quan tâm quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai; không được để cho bà con nông dân không có đất hoặc thiếu đất sản xuất; đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân, nhất là người không có đất; hạn chế và giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm khoảng cách phân hóa giàu nghèo. Lòng dân không yên, cán bộ bị kỷ luật, nhiều khi là do công tác quản lý đất đai không tốt. Tổng Bí thư nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới, phải gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa của đất nước và từng vùng. Triển khai thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần gắn với thực hiện tốt các nghị quyết khác của Đảng, một cách đồng bộ.

Kiên trì, quyết liệt chỉnh đốn Đảng

Trong nhiệm kỳ Đại hội XI, Hội nghị T.Ư 4 đã ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Trong các buổi làm việc, dù với đơn vị nào, Tổng Bí thư cũng phân tích sâu sắc, đây là việc lớn, khó, cần tiếp tục thực hiện thật kiên trì, quyết liệt, mới tạo được chuyển biến thật sự trong công tác xây dựng Đảng. “Trước tình hình như đã phân tích trong Nghị quyết Trung ương 4, nếu không triển khai thực hiện một cách quyết liệt, mở đầu bằng việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, thì không biết Đảng sẽ đi đến đâu” - Tổng Bí thư nhấn mạnh như vậy trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ ngày 25-2-2013. Cùng ngày, khi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Tổng Bí thư phân tích kỹ lưỡng về tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và nêu rõ: “Mỗi con người đều có mặt tốt, mặt xấu; mặt thiện, mặt ác luôn luôn đấu tranh với nhau. Nếu đấu tranh tốt thì mặt tốt nổi lên. Ở trong một tập thể tốt, môi trường tốt, có cơ chế quản lý, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng đảng viên tốt thì “bộ phận không nhỏ” sẽ bị loại dần”.

Sau bốn năm thực hiện Nghị quyết, đã có những chuyển biến rõ nét, có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực. Tổng Bí thư cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng, Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; việc Trung ương mở các lớp bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược; việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị,… là thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Đảng.

Tuy kết quả chưa như mong đợi, nhưng việc thực hiện nghị quyết đã tạo chuyển biến tích cực. Về công tác cán bộ, các cấp ủy đã đánh giá, bố trí hợp lý hơn, nhất là đối với trường hợp tín nhiệm thấp. Trung ương đã có quy hoạch cán bộ cấp chiến lược; tổ chức hai lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI; sáu lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cao cấp; ba lớp bồi dưỡng nghiệp vụ theo chức danh cho 170 bí thư cấp ủy cấp huyện; điều động, luân chuyển và bố trí gần 100 cán bộ phục vụ công tác nhân sự đại hội đảng bộ cấp tỉnh và Đại hội XII của Đảng. Trong ba năm, từ 2012 đến 2014, hơn 54 nghìn đảng viên bị kỷ luật. Tám vụ án nghiêm trọng phức tạp do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo đưa ra xét xử trước Đại hội XII của Đảng đã được xét xử sơ thẩm nghiêm minh,...

Như Tổng Bí thư nói, ba vấn đề cấp bách nêu trong nghị quyết là những vấn đề lớn, khó, không chỉ có tự phê bình và phê bình là xong, mà cần kiên trì, thực hiện quyết liệt, đồng bộ bốn nhóm giải pháp trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ mới có kết quả vững chắc.

Vì lợi ích quốc gia, kết nối bốn phương

Với phương châm chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trong nhiệm kỳ Đại hội XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi thăm nhiều nước. Mỗi chuyến thăm là một bước cụ thể hóa đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 2, đầu tháng 4-2015 của Tổng Bí thư ghi thêm một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, duy trì cục diện hữu nghị và tiếp tục giải quyết các vấn đề tồn tại để ổn định, phát triển đất nước. Sau này, Tổng Bí thư kể lại, ngay tại Lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất vui, nói: “Tôi cảm ơn đồng chí đã sang thăm Trung Quốc. Lâu lắm rồi, chúng tôi mới thực hiện nghi thức bắn đại bác chào mừng như hôm nay”. Đúng là một ngoại lệ đặc biệt.

Ngoại lệ đặc biệt thứ hai là chuyến thăm Nga cuối tháng 11-2014. Chuyên gia Hội đồng đối ngoại Nga An-ton Sơ-ve-tốp phân tích, “Tổng thống V.Pu-tin tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại dinh thự riêng ở thành phố Xô-chi là cử chỉ ngoại giao rất quan trọng cho thấy vị thế đặc biệt của Việt Nam trong số các đối tác châu Á”. Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Giáo dục Việt Nam, Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông, ông A-lếch-xan-đrơ Sô-kô-lốp-xky thì cho rằng, Việt Nam là người bạn lâu đời và tin cậy của Nga. Thành công của chuyến thăm ghi một dấu mốc quan trọng, làm nên xung lực mới thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga sang trang mới nhiều hứa hẹn.

Có lẽ trong các chuyến thăm, lần đến Mỹ theo lời mời của chính quyền Tổng thống Ô-ba-ma được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm hơn cả. Lần đầu tiên trong lịch sử, tại Nhà trắng đã diễn ra cuộc gặp thú vị đầy ý nghĩa: Hội đàm giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng thống Mỹ, có Phó Tổng thống và các nhà lãnh đạo cấp cao Mỹ dự. Dự kiến 45 phút, nhưng Hội đàm đã kéo dài một giờ 35 phút. Hai bên thông qua Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ; cùng gác lại quá khứ, tin cậy, hiểu nhau hơn, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai. Hai nhà lãnh đạo còn hỏi chuyện với nhau thân tình về sở thích thể thao, nghiên cứu và viết sách. Chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng ta được đánh giá là chuyến thăm lịch sử. Và chính Phó Tổng thống Giâu Bai-đơn trong bài phát biểu chiêu đãi Tổng Bí thư đã dẫn hai câu Kiều để nói lên quan hệ tươi sáng của hai nước: “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”.

Một chuyến thăm lịch sử đã góp phần làm nên những thành tựu lịch sử trong đường lối đối ngoại của Đảng ta trong nhiệm kỳ qua.