Trụ cột của nền kinh tế

|

Năm con ngựa, nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, thử thách. Song, con tàu dầu khí Việt Nam vẫn vững vàng về đích, tiếp tục gặt hái những thành công. Nhân dịp xuân mới 2015, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) - tiến sĩ Nguyễn Xuân Sơn.

- Thưa tiến sĩ, lại một năm PVN gặp muôn vàn gian khó?

- Ðúng vậy, tình hình chính trị ở những quốc gia mà PVN đầu tư có nhiều bất ổn.

Việc Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 vào Biển Ðông cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác thăm dò khai thác dầu khí của PVN. Giá dầu là thước đo của nền kinh tế thế giới. Do giá dầu giảm mà PVN bị thất thu từ nguồn xuất dầu thô khoảng hơn 1 tỷ USD (28 nghìn tỷ VNÐ).

- Vậy thì việc cân đối nguồn thu của PVN nhằm bảo đảm chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 được triển khai ra sao, thưa đồng chí?

- Do lường hết những bất trắc của giá dầu nên PVN đã chủ động xây dựng kế hoạch, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Ðó là việc chúng tôi triển khai thêm tám mỏ khai thác mới ở trong nước. Rồi khai thác thành công mỏ mới mua ở Pê-ru. Vì vậy trong năm qua, PVN đã khai thác tăng thêm một triệu tấn dầu so với kế hoạch, khoản thu từ một triệu tấn này đã bù đắp cho sụt giảm giá dầu. Mục tiêu nộp ngân sách đã hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao. Mặt khác, nhìn ở góc độ tích cực, giá xăng dầu giảm cũng có ảnh hưởng tốt đến chỉ số PCI, lạm phát ở mức thấp nhất trong gần 10 năm qua.

- Nhìn tổng thể hoạt động của ngành dầu khí Việt Nam năm 2014, đồng chí có thể cho biết những nhân tố mới, tín hiệu mới?

- Có rất nhiều cái mới. Ðơn cử, chúng tôi đã cơ bản hoàn thành đề án tái cơ cấu PVN theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Năm qua, Ðạm Phú Mỹ đã xuất khẩu sang một số quốc gia có nền công nghiệp phát triển, có thị trường tiêu thụ lớn, rất khắt khe như: Gioóc-đa-ni, Hàn Quốc, Niu Di-lân. Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã tự thiết kế được giàn công nghệ (11.000 tấn) xuất khẩu sang

Ấn Ðộ. Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã mua mỏ ở Pê-ru và đã đạt sản lượng khai thác sáu nghìn thùng/ngày, hiện đã đặt văn phòng ở "thủ đô dầu mỏ" của thế giới là Mỹ. Ðặc biệt, PVN đã đặt ky đóng mới giàn khoan tự nâng 150 m nước để vươn ra biển xa, tới các vùng biển sâu trong thềm lục địa của nước ta để nâng cao năng lực khai thác. Hoạt động toàn ngành dầu khí phát triển bền vững, tổng lợi nhuận sau thuế đạt 46 nghìn tỷ đồng. Nếu tính cả phần lãi từ Vietxopetro thì đạt 54,4 nghìn tỷ đồng, bằng 115% kế hoạch.

- Ðược biết, trong những ngày cuối năm 2014 vừa qua, lãnh đạo PVN vinh dự được tháp tùng các Ðoàn lãnh đạo Ðảng, Nhà nước ta đi thăm các nước lớn như: Ấn Ðộ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga để ký kết các hợp đồng dầu khí. Xin đồng chí Chủ tịch cho biết kết quả cụ thể?

- Như chúng ta đã biết, công nghiệp dầu khí là ngành đòi hỏi có chất lượng cao phải đầu tư lớn. Việc ký kết các hợp đồng hợp tác, cùng khai thác, cùng phân chia lợi nhuận là xu thế tất yếu. Năm qua, PVN đã đàm phán và ký được nhiều hợp đồng với các tập đoàn hàng đầu thế giới về dầu khí, tiêu biểu như: Gazprom, Eni, Talisman, Krisnerhy...

Riêng trong chuyến tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn đại biểu Ðảng ta thăm Nga, trong chín văn kiện hợp tác giữa hai nước mà nước ta ký với nước bạn thì PVN đã có ba thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn hàng đầu của Nga như: Thỏa thuận cung cấp dầu thô dài hạn (COSA) giữa Petrovietnam và Gazprom Neft; thỏa thuận khung về cơ chế giá khí của Công ty Liên doanh Gazpromviet giữa Petrovietnam và Gazprom và Bản ghi nhớ về tiếp tục hợp tác chiến lược giữa Petrovietnam và Arubezhneft. Ðiều đó khẳng định sự quan tâm lớn của Ðảng, Nhà nước ta với ngành dầu khí, đồng thời cũng thể hiện sự nhất quán trong cam kết tạo điều kiện tối ưu cho các đối tác Nga đầu tư vào Việt Nam.

Phía Nga, ngoài việc cùng PVN hợp tác khai thác mỏ dầu ở Nhenhetxky, còn tạo điều kiện để PVN có thể thăm dò dầu khí ở biển Ca-xpi thăm dò khai thác mỏ Dolghiskoe, trung tâm biển Pechora, Liên bang Nga. Các hợp đồng đã thể hiện mối quan hệ bền chặt giữa các bên có truyền thống hợp tác cùng tạo nên thế và lực, luôn dựa vào nhau cùng phát triển. Ngược lại Ðảng, Nhà nước ta cũng đã tạo điều kiện để các tập đoàn dầu khí Nga mở rộng hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (nằm trong vùng lãnh hải, quyền tài phán, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam).

- Như vậy, PVN bước vào năm kế hoạch 2015 với thế và lực mới, thưa Chủ tịch?

- Ðúng như vậy. Ðảng ủy, lãnh đạo Tập đoàn luôn xây dựng nhiều kịch bản khác nhau để duy trì tốc độ tăng trưởng. Từ thành công của năm 2014 về tăng trữ lượng, mua được mỏ có trữ lượng lớn ở Pê-ru, PVN sẽ bám vào năm ngành nghề then chốt là: Thăm dò, khai thác, chế biến dầu, khí, mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật dầu khí, phát triển công nghiệp điện, phấn đấu năm 2015 sẽ khai thác thương mại tại mỏ Bisi (An-giê-ri). Ở trong nước sẽ khai thác thương mại từ ba đến năm mỏ mới. Thực hiện thành công kế hoạch đó, PVN sẽ đạt mục tiêu khai thác 26 triệu tấn/quy dầu, duy trì tốc độ tăng trưởng 25%/năm, tiếp tục là một trụ cột của nền kinh tế, vừa đóng góp 25% ngân sách quốc gia, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền trên Biển Ðông.

- Xin cảm ơn đồng chí!