Cuộc sống mới trên những bản vùng cao Sơn La

|

Tiết trời thu, thời điểm núi rừng vùng cao Sơn La được bao phủ bởi những làn sương trắng bạc kèm cái lạnh đặc trưng. Đâu đó trên những triền núi hay phía đầu bản, cuối bản, những bông đào phai đã chúm chím khoe sắc sớm. Những thửa ruộng bậc thang vàng ruộm đang vụ gặt, những cánh rừng xanh ngát vươn mình đón nắng. Thấp thoáng trước mặt sau khi vượt qua những con dốc “chồn chân vó ngựa” đã được trải nhựa là những bản vùng cao yên bình nép mình bên những dãy núi, tạo nên một bức tranh trù phú, ấm no… Chúng tôi đến với các bản vùng cao của Sơn La vào một ngày như thế.

Sau những cuộc điện thoại khất lần trước đó, tôi trở lại với xã vùng cao Suối Tọ, huyện Phù Yên. Con đường đất năm nào, chỉ đi được một mùa từ huyện lên xã giờ đã được trải nhựa rộng thênh thang. Thông tin đầu tiên khi đến với xã Suối Tọ khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ khi từng là một xã trọng điểm bởi tệ nạn ma túy, tái trồng cây thuốc phiện, di cư tự do, phá rừng… thì nay những bức xúc đó đã được giải quyết, hệ thống chính trị được củng cố vững mạnh, đời sống người dân ổn định…

Trở lại thời điểm 10 năm về trước. Khi đó, xã Suối Tọ không chỉ được nhắc tới khá nhiều trong các cuộc họp của cấp ủy, chính quyền nơi đây mà còn được các phương tiện truyền thông “quan tâm” bởi những bức xúc xã hội còn tồn tại ở địa bàn, trong đó có tình trạng tái trồng cây thuốc phiện và nhiều người nghiện ma túy... Thậm chí, có cả cán bộ xã, bản vùng cao của Suối Tọ cũng bị khói thuốc ma túy lôi kéo, làm khổ…

Những hình ảnh đoàn công tác phá bỏ cây thuốc phiện như thế này đã không còn tại các xã vùng cao của Sơn La.

Khác hẳn với lần làm việc trước đây cùng lãnh đạo xã Suối Tọ. Khi đó, trong câu chuyện với chúng tôi, cán bộ xã nơi đây đã phải thốt lên rằng “Cấp ủy và chính quyền xã bó tay rồi, không thể giải quyết được những bức xúc trên”.

Giờ đây, làm việc tại trụ sở 2 tầng của xã được nhà nước đầu tư xây dựng khang trang, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, phấn khởi: Sau khi thực hiện chủ trương chuyển hóa địa bàn xã Suối Tọ của Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Yên gắn với triển khai các chương trình hỗ trợ, giúp đồng bào chuyển đổi sản xuất cho đồng bào dân tộc, đã tạo được sự đồng thuận cao trong cấp ủy, chính quyền xã cho đến các bản và người dân.

Bởi qua đó, đã giúp nâng cao được nhận thức đối với cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể ở cơ sở, phát huy được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trên các lĩnh vực. Đồng thời, còn góp phần tác động mạnh mẽ, làm thay đổi nhận thức của người dân, giúp người dân yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, ổn định được an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa bàn.

Bữa cơm do bộ đội biên phòng Sơn La hỗ trợ cho học sinh đồng bào H’Mông bản Buốc Pát, xã Lóng Sập, Mộc Châu, địa bàn từng nóng về ma túy.

Đồng chí Nguyễn Hồng Hà, Trưởng phòng Dân tộc huyện Phù Yên, thông tin: Có thời điểm tổ công tác của huyện còn phải nằm trong dân hằng tháng trời, vượt rừng, lội suối để đến với các bản khó khăn.

Cùng với đó, đồng chí còn gặp gỡ trực tiếp các già bản, những người có uy tín để phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đẩy lùi các bức xúc xã hội đang tồn tại trong xã. Qua đó, đã đánh giá được toàn bộ năng lực đội ngũ cán bộ xã, tách và thành lập được các chi bộ đảng tại những bản khó khăn; 100% tổ chức bộ máy, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn được kiện toàn, đi vào hoạt động nề nếp; vận động được các hộ tham gia ký kết thực hiện các nội dung chuyển hóa địa bàn, không tái trồng cây thuốc phiện. Đồng thời, trên cơ sở các hình thức tuyên truyền, vận động đã góp phần nâng cao được nhận thức, ý thức tự phòng ngừa tội phạm trong đồng bào nơi đây…

Còn nhớ hôm ở nhà già bản Vàng A Mang, nguyên bí thư Đảng ủy xã Suối Tọ, một trong những người có uy tín, đã nói: Đến người dân chúng tôi còn không tin xã nhà có thể đổi thay được như ngày hôm nay, giờ không còn tình trạng tái trồng cây thuốc phiện ở các bản vùng cao, không phát sinh người nghiện mới. Kết quả đó chính là nhờ chủ trương đúng đắn của tỉnh, huyện khi vào cuộc giúp xã một cách đồng bộ, quyết liệt. Sự chuyển biến đó không chỉ thể hiện ở nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền mà còn nêu cao được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị tại cơ sở, nhất là tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và người dân, góp phần ổn định được địa bàn…

Hỗ trợ tấm lợp cho đồng bào H’Mông xã vùng cao Làng Chếu, huyện Bắc Yên.

Cũng như xã Suối Tọ, nhiều năm về trước, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, cũng từng được nhắc tới là “thủ phủ” của cây anh túc với khói thuốc phiện nồng nặc các gian nhà, cây thuốc phiện được người dân trồng quanh bản, thậm chí khi đó thuốc phiện nhiều đến nỗi hộ nào cũng có trong nhà. Khách đến chơi nhà chỉ có chủ đề năm nay thu được nhiều nhựa thuốc phiện không hay lại mời khách thưởng thức thứ nhựa chết người... Cũng bởi ngày đó nhiều thuốc phiện nên số người nghiện chiếm khá nhiều, thậm chí có cả phụ nữ cũng hút thuốc phiện.

Cũng bởi các ông bố mải mê với cây thuốc phiện hay tụ tập nhau để hút thuốc phiện, trong khi phụ nữ thì tối mặt trên nương, dẫn tới nhiều trẻ em tại các bản vùng cao của Háng Đồng không được đi học, chỉ lủi thủi ở nhà chơi với nhau hay lếch thếch cùng lên nương với mẹ đến khi gà lên chuồng mới về. Và rồi sau này lớn lên chỉ biết học theo bố mẹ trồng thuốc phiện, phá rừng làm nương.

Không chỉ vậy, các bản vùng cao nơi đây còn bị các hủ tục lạc hậu trong sinh hoạt hàng ngày làm khổ… Bởi cái nhẽ đó, số trẻ em được ăn học tại trung tâm xã đếm không hết hai bàn tay, nhất là số trẻ em nữ được đi học chữ cực kỳ hiếm, chưa đến tuổi lấy chồng đã bị bắt về làm vợ.

Một buổi tuyên truyền, vận động đồng bào vùng cao bản Háng Đồng C, xã Háng đồng không tái trồng cây thuốc phiện.

Trở lại Háng Đồng dịp này, con đường gian nan năm xưa giờ đã được trải nhựa đến tận trung tâm xã. Thậm chí đường từ trung tâm xã đến các bản của xã đã được bê tông hóa, ô-tô vào tận nơi. Hai bên đường, những hàng cột điện nối đuôi nhau đưa lưới điện quốc gia vào tận các bản của xã Háng Đồng. Cùng với đó là hình ảnh những em học sinh người H’Mông tíu tít từ các bản xuống núi học chữ.

Chả thế mà trước khi trở lại xã Háng Đồng, các đồng chí lãnh đạo huyện Bắc Yên đã thông tin: Các bản của Háng Đồng giờ đây đã không còn tình trạng tái trồng cây thuốc phiện, một số bản đã biết trồng lúa nước và nuôi bò, nuôi gà... Cho dù cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn nhưng quan trọng nhất là đồng bào đã biết được tác hại của việc trồng thuốc phiện, sự ảnh hưởng của những hủ tục lạc hậu… và họ muốn thay đổi cuộc sống của mình cũng như cuộc đời con cái họ bằng việc cho chúng đi học. Hành trình học chữ của con em họ cũng là bước đột phá như việc quyết tâm dứt bỏ được cây anh túc mà bao thế hệ đồng bào vùng cao trước đó chưa làm được...

Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi của các bản vùng cao ở Sơn La được huy động đến trường đạt 100%.

Háng Đồng hôm nay, trẻ em đều được bố mẹ cho xuống núi đến học tại trung tâm xã. Nhiều bản từng có tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi không đi học chiếm tỷ lệ cao thì mấy năm gần đây luôn duy trì sỹ số 100%, trong đó cả trẻ em nữ cũng được đi học. Đồng chí Đinh Ngọc Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Háng Đồng, cho biết: 10 năm trở lại đây, cùng với bậc tiểu học, mầm non, nhờ tuyên truyền vận động được đồng bào một số bản vùng cao từ bỏ được cây thuốc phiện, xã đã huy động được 100% số trẻ trong độ tuổi đến trường. Kết quả đó chính là nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cùng những chủ trương, chính sách hợp lòng dân của tỉnh, huyện trong việc giúp đồng bào vùng cao chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư kết cấu hạ tầng tại các bản vùng cao, khó khăn dành cho đồng bào dân tộc.

Còn nhớ hôm chia tay đồng bào H’Mông các bản vùng cao của xã Háng Đồng, Suối Tọ trong cái lạnh đặc trưng, khi những làn sương trắng bạc vẫn giăng đầy khắp các bản, chúng tôi tiếp tục bắt gặp những hình ảnh từng nhóm học sinh tỏa ra từ các bản trên con đường nhựa dẫn tới trường học. Đâu đó vang vang tiếng khèn cùng lời bài hát “Người mèo ơn Đảng”: “Đây rừng núi lưng đèo người Mèo ca hát; Sao còn sáng trên trời người Mèo ơn Đảng; Nay cuộc sống dân Mèo từ đây sáng rồi; Từ đây dân Mèo sống chung; bản Mèo vui trong tiếng khèn; người Mèo ơn Đảng suốt đời…”.