Cầu 110 xây dở rồi bỏ hoang

|

Dự án Cầu 110 nằm giữa địa giới hành chính hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai thuộc Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh từ Km1667+570 - Km1738+148 đoạn qua tỉnh Đắk Lắk, có kinh phí thực hiện khoảng 24 tỷ đồng. Tuy nhiên, do địa phương chậm giải phóng mặt bằng khiến dự án thực hiện được 80% rồi bỏ hoang 7 năm nay, gây lãng phí ngân sách Nhà nước và bức xúc trong nhân dân.

1/Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV về việc tiếp tục đầu tư, hoàn thiện Cầu 110 đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk.

Theo Bộ GTVT, Dự án Cầu 110 thuộc Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh từ Km1667+570 - Km1738+148 đoạn qua tỉnh Đắk Lắk, với tổng mức đầu tư 2.633 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ theo Nghị quyết số 65/2013/QH13 của Quốc hội. Trên cơ sở đề nghị của địa phương, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung hạng mục xây dựng Cầu 110 mới có quy mô bề rộng 9 m bên cạnh cầu hiện hữu, thời gian hoàn thành năm 2017, kinh phí thực hiện khoảng 24 tỷ đồng.

Dự án được triển khai năm 2013, hoàn thành năm 2015, trong đó cầu 110 cũ giữ nguyên hiện trạng, chỉ sửa chữa các hư hỏng bảo đảm khai thác. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, mặc dù Bộ GTVT và Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã có nhiều văn bản gửi UBND tỉnh Đắk Lắk và huyện Ea H’leo, chưa kể các cuộc làm việc trực tiếp với địa phương để đôn đốc thực hiện dự án. Thế nhưng, do tỉnh Đắk Lắk chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến hết thời gian thực hiện dự án, bao gồm cả thời gian gia hạn đến tháng 12/2018, dự án mới chỉ hoàn thành được khoảng 80% khối lượng, còn lại khoảng 20% là khối lượng đường đầu Cầu 110 chưa thể hoàn thành.

Từ các vướng mắc liên quan tiến độ, thủ tục phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng của địa phương chậm trễ dẫn đến nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự án được bố trí từ năm 2016 đã phải kéo dài sang các năm 2017, 2018 và không được cấp có thẩm quyền cho phép tiếp tục kéo dài. Vì vậy, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, triển khai thủ tục dừng dự án để thực hiện công tác quyết toán dự án theo quy định. Đồng thời, Chính phủ đã trình Quốc hội quyết toán nguồn vốn của dự án, thu hồi về ngân sách Nhà nước và không được đưa vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

2/Từ đó đến nay, Dự án Cầu 110 bị dừng thi công không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại, nguy cơ mất an toàn giao thông cao mà còn gây lãng phí ngân sách nhà nước. Do đó, việc xem xét bố trí vốn để Dự án được triển khai hoàn thành là rất cấp thiết. Mặc dù trong thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã nhiều lần đề nghị Bộ GTVT tiếp tục bố trí vốn thi công hoàn thiện Cầu 110 nhưng Bộ vẫn chưa thể cân đối nguồn lực và bố trí vốn để hoàn thành cầu 110. Tại Văn bản số 1283/BGTVT-KHĐT ngày 14/2/2023 của Bộ GTVT trả lời tỉnh Đắk Lắk ghi rõ, căn cứ nhu cầu và khả năng cân đối nguồn lực, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát, cân đối bố trí từ các nguồn vốn hợp pháp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.

Tuy nhiên, kể từ thời điểm tháng 2/2023 đến nay, Quốc hội chưa có chủ trương cho phép sử dụng nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đối với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương hàng năm, Chính phủ xác định tập trung cho việc thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, liên vùng và các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nên Bộ GTVT hiện tại chưa cân đối được nguồn vốn để tiếp tục thực hiện đầu tư hoàn thiện dự án.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Đắk Lắk nghiên cứu các phương án để đầu tư hoàn chỉnh cầu 110 nối liên giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai, bảo đảm việc lưu thông thuận lợi trên đường Hồ Chí Minh, khắc phục tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và tránh gây lãng phí ngân sách Nhà nước.