Để kiểm định chất lượng đại học đi vào thực chất

|

Theo Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tính đến cuối tháng 4/2024, có 201 cơ sở giáo dục đại học (ĐH) đã được kiểm định chu kỳ 1, một số cơ sở giáo dục ĐH được kiểm định chu kỳ 2, trong đó có 10 cơ sở giáo dục ĐH được kiểm định, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài.

Tiếp cận giáo dục toàn cầu

Ngày 14/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 78/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 - 2030”. Đây là căn cứ để Bộ GD&ĐT tổ chức thực hiện đến các cơ sở giáo dục ĐH, các trung tâm kiểm định.

Hiện, có 7 tổ chức kiểm định trong nước, nhưng các tổ chức này chỉ tập trung kiểm định đại trà, chưa có trung tâm kiểm định chuyên sâu về một số lĩnh vực. Có 11 trung tâm kiểm định quốc tế, trong đó có 6 trung tâm đã được công nhận, 5 trung tâm đang làm hồ sơ để được công nhận tại Việt Nam. 11 trung tâm này chuyên sâu về công nghệ, du lịch hay kinh tế.

Việc các cơ sở giáo dục ĐH được kiểm định và công nhận đạt theo tiêu chuẩn nước ngoài chứng tỏ, các cơ sở giáo dục ĐH được tiếp cận với môi trường đào tạo tiên tiến, đẳng cấp toàn cầu; người học được tiếp cận với các chương trình tiên tiến, liên thông với chương trình uy tín trên thế giới, từ đó tự tin với kiến thức của mình khi tham gia vào thị trường lao động cạnh tranh. Chi phí cho học ĐH trong các chương trình kiểm định có thể cao hơn, nhưng vẫn rẻ so với du học nước ngoài...

PGS, TS Trần Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý chất lượng, ĐH Bách khoa Hà Nội nhìn nhận, khó khăn, thách thức khi tham gia kiểm định quốc tế là phải tìm hiểu và tuân thủ “luật chơi” của họ. Chính vì vậy, bên cạnh thực hiện những quy định, quy chế của các bộ, ngành…, cơ sở giáo dục ĐH cần từng bước cải tiến, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.

ĐH Bách khoa Hà Nội vừa hoàn thành và nhận chứng nhận kiểm định cơ sở giáo dục ĐH chu kỳ 2 của tổ chức HCERES (Pháp). Chia sẻ điều này, PGS, TS Trần Trung Kiên đồng thời cho biết: Thông qua những khuyến nghị trong các lần đánh giá, ĐH Bách khoa Hà Nội đã tiến hành điều chỉnh mục tiêu chiến lược, tối ưu hóa cơ cấu tổ chức hướng đến tinh gọn, hiệu quả. Cùng với đó, nâng cao chất lượng phục vụ sinh viên, học viên và các bên liên quan; cải tiến chương trình đào tạo cũng như các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Qua đó đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp tục thực hiện thành công chiến lược phát triển trong giai đoạn tới.

PGS, TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa, khó khăn của cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam khi tham gia kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài là yếu tố tài chính; tỷ lệ sinh viên/giảng viên và môi trường quốc tế. Các trường ĐH nước ngoài, cả công lập và tư thục đều có sự hỗ trợ tài chính lớn; số lượng sinh viên trên giảng viên cũng không cao như Việt Nam. Thêm vào đó, một trong những tiêu chí quan trọng là môi trường quốc tế hóa, nhưng hiện nay số lượng sinh viên quốc tế tại các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam chưa nhiều.

Hoạt động tư vấn tuyển sinh năm 2024 của Trường đại học Kinh tế quốc dân.

Gánh nặng học phí

PGS, TS Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, đề nghị Bộ GD&ĐT cần đưa ra lộ trình kiểm định chương trình đào tạo. Ông Sơn tính toán, để kiểm định một chương trình, cơ sở đào tạo tốn trung bình 300-400 triệu đồng; trường ĐH có khoảng 20 - 25 chương trình đào tạo trở lên, mỗi năm kiểm định 5 chương trình, như vậy vừa vặn 5 năm hoàn thành để chuyển sang chu kỳ tiếp theo. Ông Sơn cho rằng, với lộ trình đó, cơ sở đào tạo có riêng một trung tâm quanh năm chỉ làm nhiệm vụ phục vụ kiểm định. Đó còn chưa kể đến chi phí tiêu tốn cho công việc này.

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cho hay, bảo đảm chất lượng gồm hai phần bên trong và bên ngoài. Thực tế hiện nay cơ sở đào tạo đang tập trung nguồn lực bảo đảm chất lượng bên ngoài, điển hình là kiểm định. Do đó, ông Chính đề xuất các trường cần quan tâm hơn tới việc bảo đảm chất lượng từ bên trong bằng cách tăng trách nhiệm giải trình của từng cơ sở giáo dục và Bộ GD&ĐT.

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, các trường nên công khai số liệu thật cụ thể, như tỷ lệ đầu vào, các nguồn lực đào tạo, nghiên cứu, đầu ra bài báo khoa học… Bộ GD&ĐT đang yêu cầu các trường thực hiện ba công khai nhưng cần đặt ra các chỉ số cốt lõi nhất trường ĐH phải công khai với xã hội, thông qua đó xã hội sẽ giám sát.

Các trường ĐH hiện đang có cuộc “chạy đua” để kiểm định chương trình đào tạo. Theo quy định của nghị định về thu chi học phí (hiện tại là Nghị định 81), đối với chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH công lập đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ GD&ĐT quy định hoặc đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn nước ngoài hoặc tương đương, cơ sở giáo dục ĐH được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học và xã hội.

Với quy định này, các chương trình đạt kiểm định sẽ được thu học phí không phụ thuộc vào mức trần của Chính phủ. Ghi nhận cho thấy, những ngành được cơ sở đào tạo ưu tiên kiểm định sớm là những ngành “hot”, đang thu hút sự quan tâm của người học. Không chỉ chương trình chất lượng cao, những chương trình được kiểm định cũng đang tạo ra bất bình đẳng trong cung cấp dịch vụ giáo dục cho sinh viên. Bởi những chương trình này học phí cao kèm theo đó dễ xin việc. Vòng tròn luẩn quẩn sinh viên nghèo - học ngành học phí thấp - ra trường khó xin việc sẽ thành hiện thực nếu Nhà nước cũng như các trường không có chính sách giải quyết. Thực tế, tại nhiều trường, những ngành học “hot” đã không tuyển sinh hệ đại trà, chỉ tuyển hệ chất lượng cao để thu học phí cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi hệ đại trà.

Vụ trưởng Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy cho biết, những năm qua, nguồn lực dành cho giáo dục ĐH còn rất hạn chế, ngân sách chi cho giáo dục ĐH chỉ trên dưới 17.000 tỷ đồng, chiếm 0,27% GDP nhưng con số thực chi chưa đến 12.000 tỷ đồng. Tính theo số thực chi thì chưa đạt 0,18% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Các trường ĐH của Việt Nam hiện vẫn dựa vào học phí là chủ yếu.

Như vậy, chi phí để kiểm định thực chất vẫn từ nguồn học phí của sinh viên. Trong khi đó, không phải sinh viên nào cũng đủ điều kiện để được học ở các chương trình đã được kiểm định.