Tạo chính sách đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo

|

Sáng 20/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và nhân dân theo dõi. Điều này thể hiện sự trân trọng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các thế hệ nhà giáo và ngành giáo dục - những người đã và sẽ đóng góp to lớn cho sự nghiệp trồng người vẻ vang và cao quý nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Cần có chính sách ưu đãi giáo viên mầm non

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bày tỏ lòng tri ân sâu sắc và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà giáo lão thành, các đại biểu QH đã và đang làm việc trong ngành giáo dục cùng gần 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền của Tổ quốc.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự án Luật Nhà giáo lần đầu được xây dựng là dự án luật điều chỉnh về đối tượng liên quan đến nhiều luật chuyên ngành. Phạm vi điều chỉnh của dự án luật khá rộng, liên quan đến số đông viên chức là nhà giáo tại các cơ sở giáo dục công lập, chiếm tới hai phần ba tổng biên chế sự nghiệp của cả nước và đội ngũ ngày càng đông đảo các nhà giáo tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri.

Thảo luận về dự án luật này, các đại biểu (ĐB) thống nhất với chủ trương là “cần phải xem giáo dục là quốc sách” trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước. Vì vậy, việc chăm lo về chế độ chính sách, tôn vinh đội ngũ làm công tác giáo dục cần được chú trọng. Tán thành các chính sách dành cho nhà giáo, ĐB Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) và nhiều ĐB đề nghị có chính sách thật sự ưu đãi cho giáo viên mầm non, vì giáo viên mầm non rất vất vả, đi sớm về muộn. ĐB cũng đề nghị QH xem xét một cách thấu đáo, cân đối các nguồn lực, cân đối giữa ngành này với ngành khác, giữa lĩnh vực này với lĩnh vực khác, bảo đảm sự hài hòa, hợp lý.

ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu, theo dự thảo, lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật. ĐB rất đồng tình với quy định này để bảo đảm nhà giáo yên tâm công tác, hạn chế đến mức thấp nhất việc vi phạm như trong thời gian qua, nhưng cũng phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo. Tuy nhiên, về phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp chỉ nên ưu tiên cho giáo viên mầm non, giáo viên ở vùng khó khăn, giáo viên chuyên biệt.

Dự thảo quy định nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. ĐB Dương Khắc Mai đề nghị cần cân nhắc, chỉ nên áp dụng với giáo viên mầm non, giáo viên ở vùng khó khăn, hải đảo, giáo viên chuyên biệt nhưng phải có cam kết thời gian phục vụ trong ngành giáo dục…

ĐB Huỳnh Thị Ánh Sương, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, đời sống của một bộ phận nhà giáo còn khó khăn, chưa thể sống bằng nghề, chưa được quan tâm và bảo vệ xứng đáng từ xã hội. ĐB đề nghị cần quy định rõ về quyền của nhà giáo liên quan đến việc làm, môi trường làm việc được bảo vệ an toàn, được tôn trọng. Đồng thời cần có chế độ bảo vệ, hỗ trợ phục hồi đối với nhà giáo bị ảnh hưởng từ các hành vi xâm hại, bạo lực; cần rà soát, điều chỉnh quy định về những việc không được làm của nhà giáo.

Đội ngũ giáo viên miệt mài với sự nghiệp trồng người.

Về tiền lương và chế độ đãi ngộ, ĐB Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị cần quan tâm đến đời sống, thu nhập của nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên trẻ. Bên cạnh đó, cần rà soát, điều chỉnh về bổ nhiệm, miễn nhiệm nhà giáo giữ chức vụ quản lý ở các cơ sở giáo dục.

ĐB Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) cũng đồng tình với quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng, theo quy định của pháp luật. Đây là chủ trương đã có từ 27 năm nay của Đảng ta nhưng chưa được thực hiện. ĐB cho biết, theo kết quả một nghiên cứu thực tế về đời sống nhà giáo vùng, Nam Bộ cho thấy, thu nhập nhà giáo chỉ đáp ứng trung bình 51,87% nhu cầu chi tiêu hằng tháng. Đây là nhóm không có nghề tay trái; còn nhóm có nghề tay trái cũng chỉ đạt 62,55%. Dĩ nhiên, cần tính toán để cân đối nguồn lực, bảo đảm tính khả thi, thật sự đi vào đời sống.

ĐB Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) cho rằng, chế độ tiền lương và các chính sách khác như nhà ở công vụ… đều rất quan trọng để bảo đảm cho nhà giáo yên tâm cống hiến. Hiện nay, còn thiếu hơn 11.000 nhà ở công vụ cho giáo viên. Do đó, việc đầu tư xây dựng nhà ở công vụ, nhà ở tập thể cho nhà giáo, nhất là ở vùng khó khăn là rất quan trọng. ĐB đề nghị nhà giáo được hỗ trợ tiền thuê nhà ở khi đến công tác ở vùng khó khăn, vùng miền núi.

Cần có cơ chế quản lý đối với việc dạy thêm - học thêm

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Nhà giáo, ĐB Đỗ Huy Khánh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đồng thuận với những nội dung đưa ra trong dự án Luật nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Đề cập về việc học thêm - dạy thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cần phối hợp với các cơ quan để đưa ra quy định cụ thể cũng như cơ chế quản lý đối với về vấn đề này... Theo ĐB Đỗ Huy Khánh, thực chất việc học thêm là một nhu cầu cần thiết của xã hội. Tuy nhiên, dư luận xã hội hiện nay đang có hai luồng dư luận: Một là cấm, hai là quản lý. Nhiều công nhân tăng ca buổi chiều không đón con được nên rất muốn gửi con của họ cho thầy, cô giáo quản lý và đến tận tối mới đón con về. Do đó, trong dự án Luật cần có cơ chế quản lý về việc dạy thêm - học thêm.

ĐB Chamaléa Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cũng cho rằng, cần nhìn nhận một cách thấu đáo về vấn đề dạy thêm - học thêm để quy định sao cho thật cụ thể và phù hợp. Bởi trong thực tế việc dạy thêm - học thêm là nhu cầu có thật của giáo viên và của học sinh, nhất là ở các đô thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển, các cháu càng được gia đình đầu tư cho học tập nhằm nâng cao hơn ngoài kiến thức cơ bản. Và nhu cầu tìm đến các thầy, cô giáo giỏi để được học thêm là có thật. Do đó, ĐB nhận thấy, nếu như cho rằng, việc tăng lương và các chế độ chính sách cho giáo viên để giải quyết vấn đề học thêm thì vẫn còn chủ quan và chưa phù hợp thực tế cuộc sống.

Liên quan đến ý kiến của nhiều ĐBQH về việc dạy thêm của nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đang chủ trương không cấm dạy thêm - học thêm nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo cũng như vi phạm những nguyên tắc về chuyên môn. Bộ trưởng cho biết, sẽ nghiên cứu đầy đủ các ý kiến của ĐBQH thảo luận về vấn đề này tại tổ và hội trường để tiếp thu.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề các ĐB quan tâm, thảo luận, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, ngành giáo dục cũng sẽ nhìn nhận, xem xét cân đối với các ngành khác chứ không phải chỉ mong muốn ngành giáo dục nhận được đặc quyền, đặc lợi, ưu ái riêng. Tuy nhiên, Bộ trưởng GD&ĐT chia sẻ, thực tế trong số 1,6 triệu giáo viên, có những nhà giáo mức lương chưa đủ sống, do đó họ không thể toàn tâm toàn ý cho việc dạy học. Vì vậy, nếu xét “giáo dục là đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu” thì dứt khoát phải có một vài sự ưu tiên, còn lại quy định cụ thể về chế độ tiền lương để bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho nhà giáo.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Thanh cho biết, hầu hết các ý kiến góp ý đều mong muốn tạo ra chính sách đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29. Ngay sau phiên họp này, Phó Chủ tịch QH cho biết, UBTVQH sẽ chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của các ĐBQH, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật để trình QH xem xét tại Kỳ họp thứ 9.