Khổ nhưng vẫn đẻ nhiều
Căn nhà nhỏ lọt thỏm dưới đồi. Vượt qua mấy cái nhà trong bản, Huệ cùng năm đứa nhỏ về đến nhà. Căn nhà tranh tuềnh toàng chưa đầy trăm mét vuông là nơi ở của vợ chồng Huệ cùng bảy đứa con. Trong góc nhà, chồng ghế nhựa cùng cái bàn nhỏ phủ đầy bụi. Hai chiếc giường lớn chiếm hơn nửa căn nhà. Phía sau bếp thêm chiếc giường nhỏ cùng vài cái chiếu dựng trong góc. Bữa trưa sau khi đón con đi học về của Huệ là canh măng rừng, chuối chấm ớt sim núi.
Nhắc đến chuyện đẻ nhiều, Huệ cười e ngại. Đàn bà tuổi 40, Huệ có đàn con bảy đứa, năm trai hai gái. Khuôn mặt già nua vẫn thường trực nụ cười thẹn thùng, xấu hổ như con gái bản mới về nhà chồng khi ai đó nhắc đến chuyện sinh con đẻ cái.
Mười tám tuổi, vợ chồng Hồ Văn Khiêu và Hồ Thị Huệ sinh con đầu lòng. Đến năm 2003, thêm sáu đứa ra đời, mỗi đứa cách nhau vài năm. Nhà có chút rẫy không đủ nuôi đàn con nhỏ, hai vợ chồng đi làm thuê cho người làng. Làm rẫy, chăn bò, vác keo, ai kêu gì làm nấy. Hơn 40 tuổi, vợ chồng Huệ chẳng có gì. Tài sản nhiều nhất là đàn con và ba cái giường cùng đôi chiếu.
“Vợ chồng mình ngủ phía sau. Bảy đứa thì ngủ trên hai giường lớn với mấy cái chiếu trải nền nhà”, Khiêu thốt tiếng thở dài. “Có gì thì ăn nấy. Ăn rau muối bậy bạ thôi. Bữa nào có việc thì hai vợ chồng đi làm. Con thì ở nhà tự lo, đứa lớn lo cho đứa nhỏ. Không nuôi nổi nên hai đứa lớn nghỉ học đi làm rẫy luôn rồi”, Huệ tiếp lời chồng.
Cách nhà Huệ một quãng là nhà ông Hồ Văn Dé và bà Hồ Thị Phương. 54 tuổi, vợ chồng ông giữ hai kỷ lục của làng là nhà đông con và nghèo nhất thôn Trà Ong. Ông bà sinh được mười người con, đứa lớn nhất 21 tuổi, nhỏ nhất 6 tuổi. Bệnh tật cùng cái nghèo khiến hai con ông mất vì bệnh. Căn nhà hơn năm mươi mét vuông là nơi sinh sống của mười người trong gia đình, luôn khép kín cửa, tối om. Hai cái giường nhỏ cùng vài chiếc chiếu trên nền nhà chưa kịp dọn sau một đêm dài.
Nhà đông con và nghèo nhất thôn nên ông thường xuyên tiếp khách là cán bộ xã, dân số đến nhà thăm hỏi, giúp đỡ. Mỗi lần như thế, vợ chồng ông phải mất thời gian để nhớ hết tên, năm sinh đàn con của mình. Để đỡ phiền, ông Dé ghi tên con trên chảo parabol cho dễ nhớ khi có ai hỏi đến.
“Con nhiều quá làm sao nhớ hết tên, năm sinh được. Ghi lên cái chảo này cho dễ nhớ”, nụ cười méo mó hằn trên khuôn mặt cháy nắng nhăn nheo khi tuổi già cận kề. Năm mươi tư tuổi, vợ chồng ông vẫn đi rẫy, làm thuê. Thiếu cái ăn, cái mặc, con cái tự nghỉ học, đi làm kiếm sống. Rất hiếm khi ông tập hợp đủ con cái trong nhà. “Nhà nhỏ không đủ chỗ ngủ đâu. Cả ngày đi làm, đi học. Tối thì ngủ đâu cũng được. Tụi nó ngủ bậy ngủ bạ. Nó ngủ nhà bạn, nhà người quen, không về nhà là thường”, vừa nói ông Dé vừa chỉ nền nhà chưa đầy năm mươi mét vuông.
Chung quanh nhà ông, nhà nào cũng năm đến tám con. Đẻ nhiều như là chuyện chung của làng, bản. Thế nên, ông Dé cũng như nhiều người, không xấu hổ với làng bởi ai cũng vậy. Chỉ có cán bộ hay khách lạ ghé thăm thì người lớn ở trốn tránh, con cái tản mát cho đỡ ngại.
Vợ chồng Hồ Thị Huệ cùng bảy con luôn sống trong thiếu thốn, khó khăn.
Nơi chưa “bình yên”
Cách trung tâm huyện Tây Trà 20 km, xã Trà Quân nằm trên đỉnh núi cao chót vót, phía dưới là đường bê-tông lượn quanh ôm sườn núi. Không vắt ngang lưng chừng núi như bản làng người Ca Dong (Xơ Đăng), H’rê, những thôn bản đồng bào Cor ở Trà Quân nằm trên đỉnh núi cao, cách biệt. Vạt nắng chiều như điểm nối Trà Ong với mây trời. Cảm giác thư thái giữa thinh không có thể giúp cho bất cứ ai thoát khỏi chộn rộn phố thị.
Nhưng nơi đây thật sự không “bình yên” như thế. Trà Quân có ba xã là Trà Ong, Trà Bao và Trà Xuông. Xã có 444 hộ thì có đến phân nửa cặp vợ chồng sinh đẻ từ sáu đến mười con. Từ trung tâm xã về bản, cứ mỗi sáng sớm hoặc chiều muộn từng đàn trẻ em đen đúa, ốm yếu đi sau những người đàn bà khiến ai nhìn cũng nao lòng. Con đông, nghèo khổ, quanh năm người dân nơi đây đối mặt với đói ăn, thiếu mặc cùng đàn con nheo nhóc. Bản làng biệt lập, những đứa trẻ sống nép bên bìa rừng phần lớn còi cọc, suy dinh dưỡng.
Vợ chồng ông Hồ Văn Tiên và bà Hồ Thị Tranh có chín người con, đứa nhỏ nhất chỉ vừa bốn tuổi. Không đủ cái ăn, cái mặc, con cái ông bà ốm yếu, suy dinh dưỡng. “Đẻ năm đứa, rồi sáu đứa mình sợ lắm! Cũng đi đặt vòng rồi nhưng về đau, bệnh miết thôi. Mình phải đi làm nuôi con nữa nên không đặt vòng gì hết. Không có vòng thì lại đẻ nữa thôi”, bà Tranh ngại ngùng phân bua.
Dưới mái nhà tranh của vợ chồng Hồ Văn Sơn là tám đứa con nheo nhóc. Dù nhân viên dân số xã đã giải thích nhiều lần, Sơn vẫn ngại đi đình sản. Vừa xấu hổ, vừa sợ ảnh hưởng sức khỏe, vì thế con cái ngày càng nhiều, cùng với đó là những khó khăn. “Mình sợ bị ảnh hưởng thần kinh, ảnh hưởng sức khỏe. Phải có sức khỏe mới lo cho con được. Càng giữ sức khỏe lo cho con thì càng đông con”, Sơn tỏ vẻ bất lực.
Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình huyện Tây Trà tổ chức lồng ghép nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiền hôn nhân, các biện pháp tránh thai trên tận bản làng heo hút. Dù thế, vẫn không giúp cho bà con thoát được tâm lý e ngại với bản làng, tâm thức lo sợ ở góc cùng xứ núi.
Chị Hồ Thị Hải, cán bộ chuyên trách dân số xã Trà Quân cười chua chát: “Tháng 10 chúng tôi gọi là mùa đẻ. Mùa này mưa suốt, họ ít đi rẫy, quẩn quanh ở nhà. Thế là có bầu rồi đẻ”. Những năm trước, hơn 60% số gia đình sinh từ sáu đến 10 con trai lẫn gái. Để giảm tỷ lệ sinh, các hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ vùng cao được ưu tiên. Hai năm qua, tỷ lệ sinh con thứ ba giảm còn 24%.
“Vẫn còn tâm lý muốn đẻ nhiều con, phong tục tập quán, sức khỏe của bà con không bảo đảm để thực hiện các biện pháp tránh thai. Khổ nhất là người càng đẻ nhiều càng tránh gặp cán bộ y tế, không tham gia các chương trình chăm sóc sức khỏe. Vì thế, nhà nghèo, trẻ suy dinh dưỡng vẫn còn cao”, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Tây Trà chia sẻ.
Bóng dáng còm cõi của những bà mẹ trẻ cõng con qua lưng đồi, khuất xa phía rừng già. Sống ở thượng nguồn, cái nương, cái rẫy, cái ăn cùng đàn con bám víu như đang níu những cặp vợ chồng trên đỉnh Trà Quân gần hơn với cái nghèo, cái khổ.