Cần tối ưu hóa giữ cây xanh Hà Nội

|

Mong rằng, thành phố Hà Nội sẽ lấy ý kiến rộng rãi người dân, cũng như tranh thủ những phân tích khoa học độc lập của các nhà nghiên cứu, nhằm xây dựng những phương án tốt nhất cho việc giữ lại tối đa cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng, kết hợp vận chuyển cây xanh đến phục vụ các không gian khác của Hà Nội.

Cần giữ chứ không phải chặt cây xanh

Vừa qua, tại buổi họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội đã thông tin về việc dịch chuyển, giải tỏa cây xanh phục vụ thi công mở rộng đường Phạm Văn Đồng thuộc vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long.
Theo quy hoạch và hồ sơ thiết kế mở rộng đường Phạm Văn Đồng, hàng cây xanh cần phải di chuyển, giải tỏa nằm trong phạm vi mở rộng đường, các đường dẫn lên xuống đường trên cao. Ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: ngoài các công trình nhà, công trình hạ tầng dọc tuyến, thì một số lượng cây xanh đáng kể cũng cần phải tính toán, xử lý, phục vụ công tác triển khai làm đường.
Theo phương án do Tổng Công ty tư vấn giao thông vận tải TEDI (Bộ GTVT) lập, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội đã thống nhất phương án dịch chuyển, giải tỏa và cắt tỉa cây xanh trên tuyến với tổng số 1.315 cây. Trong đó, giữ nguyên vị trí 142 cây gồm xà cừ, phượng..., dịch chuyển 158 cây gồm xà cừ, sấu, hoa sữa...

Tuy nhiên, con số cây phải giải tỏa, chặt hạ mà đơn vị này đưa ra lại chiếm chủ yếu: 1.015 cây gồm xà cừ, bàng, cau vua... (!?)

Được biết, Sở Xây dựng đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố hoàn thiện hồ sơ, phương án dịch chuyển, giải tỏa cây xanh trên tuyến đường này, đồng thời, xác định các tiêu chí về giải tỏa, chuyển cây xanh... Theo ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng, quan điểm của thành phố về vấn đề xử lý cây xanh phục vụ dự án là: ưu tiên tối đa cho việc giữ lại, dịch chuyển cây; trồng thay thế gấp nhiều lần số cây phải giải tỏa.

Có thể tái sử dụng tốt!

Thời gian qua, được biết, một số chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các hiệp hội, sở ngành liên quan…, đã được Sở Xây dựng lấy ý kiến về phương án đánh chuyển, cắt tỉa, giải tỏa cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục rà soát đánh giá, phân tích phương án nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường. Cùng với đó, phải làm tốt vấn đề tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội khi thực hiện phương án giải tỏa và di chuyển cây xanh…

Cũng liên quan đến việc lấy ý kiến trên là quá trình hoàn thiện hồ sơ, phương án dịch chuyển, giải tỏa cây xanh trên tuyến đường này, đồng thời, xác định các tiêu chí về giải tỏa, chuyển cây xanh... Đáng chú ý, theo ông Trần Khánh Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Beepro (đơn vị chịu trách nhiệm di chuyển các cây trên phố Kim Mã): Chúng ta hoàn toàn có thể chọn di chuyển cây xanh thay vì phải chặt hạ. Ông Toàn cho biết: số cây xà cừ, bằng lăng, hoa sữa… trước kia di chuyển từ phố Kim Mã được đưa về vườn ươm xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội có tỷ lệ phục hồi sinh trưởng trên 95%.

Ông Toàn còn đưa ra một ý tưởng rất đáng lưu tâm: phía công ty có thể trình thành phố phương án xã hội hóa di chuyển cây xanh để không phải chi tiền ngân sách. Số cây xanh này hoàn toàn có thể tái sử dụng tại các công viên cây xanh, dải cây xanh cách ly ở các đường vành đai…

Câu chuyện chặt hạ, di dời 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng, dù mới ở dạng kế hoạch, đề xuất, nhưng ngay lập tức đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ của người dân cũng như các chuyên gia. Nhất là khi đa phần các cây này đều có tuổi đời hàng chục năm, đường kính lên tới hơn một mét, đã cho tán xanh tốt, giúp che nắng, tạo cảnh quan rất hiệu quả trên tuyến đường Phạm Văn Đồng trong những năm qua.