Heo hút đường ong
Người đi tìm mật ong phải có một đôi mắt sáng, có đôi chân linh hoạt và phải dũng cảm. Anh Thanh nói như thế trên một đoạn đường khi chúng tôi mới bắt đầu tiến vào khu rừng nguyên sinh mà “chỉ rừng có cây gỗ lớn mới thu hút ong mật làm tổ. Nhưng nếu để dò đường ong thì phải bắt đầu từ chỗ vùng đệm của rừng, ở đó cây thấp, ong đi lấy mật trở về. Tìm theo hướng đó mà đi, đến đoạn nào ong hội tụ nhiều, kiểu con bay lên tiếp nối con sà xuống thì đích thị có tổ ong”.
Như thế, từ chỗ mà anh Thanh và anh Bông tìm đường ong cho đến chỗ có tổ ong cũng phải mất gần hơn chục km. Anh Bông chia sẻ thêm: “Cũng có khi hơn hai chục cây, có khi đường ong phải đo bằng cả ngày trời. Hôm nay dò tới hòn núi này trời tối, chúng tôi ở lại hoặc trở về để hôm sau dò tiếp. Người dò ong phải tinh mắt và nhanh nhẹn, phải biết được quãng ong đi chứ con ong vừa nhỏ vừa bay nhanh mà con người cứ chậm chạp, không phán đoán được thì mấy ngày cũng trắng tay mà về”.
Dò đường ong, phải là bí quyết gia truyền, không phải ai cũng đi tìm ong là được mật, từ đời cha truyền cho đời con, nếu cứ thấy ong bay mà đi theo thì không xong. Phải nhìn ong đó làm gì, số lượng nhiều hay ít, đường đi về của nó có liên tục và dày đặc không thì mới ổn. Lượng ong đi về thưa là tổ bé, đi theo hướng ong không đem mật hoa là bị lạc hướng tìm kiếm, ong đi theo bầy dày đặc là chúng di tản đi làm tổ mới... Nhưng nói thế cũng không dễ tìm.
Trên núi rừng rộng lớn mênh mông, cây nối tiếp cây, có rất nhiều thứ chi phối nhưng người tìm ong vẫn không rời mắt khỏi những con ong bé tí, nhỏ như dấu chấm đậu trên cánh hoa rồi bay vi vu về những cánh rừng.
Những tổ ong lủng lẳng ở trên cành là “cơm áo” của người dân tìm kiếm mật ong ở vùng cao Quảng Trị.
Đi rừng không đếm cây số
Kể từ khi có con ong thì tổ tiên chúng tôi đã đi lấy mật ong, đến con gấu cũng thích mật mà, anh Bông nói với chúng tôi như thế. Đã có sự nối tiếp từ đời này sang đời khác của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô trong hành trình theo dõi con ong đến tổ ong. Trên những cánh rừng đó, gia đình anh Thanh đã có tới ba đời đi tìm mật ong. Cuối mùa ong đi lấy mật, những tổ ong ít mật hơn thường lệ và đường đến với những tổ ong cũng xa hơn, bởi những nơi gần đã được lùng sục từ mùa xuân sang mùa hạ.
Đi tìm mật ong không đếm bằng cây số mà đếm bằng ngày. Đa số người tìm kiếm mật ong đi trong một ngày nhưng anh Thanh và Bông lại đặt ra mục tiêu cho mình là ba ngày. Trên con đường lởm chởm đất đá và độ dốc cao, chiếc xe honda của chúng tôi thỉnh thoảng dừng lại cùng anh Thanh và anh Bông. Anh Thanh chỉ một đám cây bụi thấp: “Đó, thấy chưa, ong đi lấy phấn hoa, có ong nhiều, gần đây sẽ có tổ ong”. Và anh Thanh không ngần ngại cưỡi lên chiếc xe win chạy tiếp, đi chừng cây số thì anh dừng lại: “Nếu tìm đường ong trong khoảng hẹp thì cả tháng trời mới tìm thấy ong. Thấy chưa, bay rồi, về hướng đó, đi thôi”. Và xe chúng tôi tiếp tục trườn lên những con dốc. Cứ như thế, một ngày trôi qua cùng với sự chóng vánh nhưng rất nhọc nhằn, anh Bông chặt cây chốt trại: “Tối nay ngủ lại đây”.
Đêm trên núi rừng Trường Sơn đặc những tiếng kêu của thú rừng, và có cả tiếng kêu của lũ ong, chúng tìm đến khi thấy ánh đèn trong lán của chúng tôi. Nhưng nhiều nhất vẫn cứ là muỗi, chúng đánh thấy hơi người cứ đến, bay tứ tung. Anh Bông vừa nhóm bếp vừa trò chuyện với chúng tôi rất hồ hởi: “Mấy chú thấy chưa, đếm được cây số mới tài, lúc đi chỗ này lúc chạy lui chỗ nọ. Nghề ong chỉ đếm ngày, có đo công tơ mét xe thì cũng được nhưng công tơ mét đã đứt hơn chục năm nay”. Anh Thanh lý giải: “Xe đi rừng tan nát hết, những thứ phụ như các bộ phận bằng nhựa, vứt, đo tốc độ có hay không cũng không quan trọng, đường này tốc độ phải thấp, nếu không sẽ gặp nguy hiểm ngay tức thì. Mà tóm lại xe còn đi được thì đi, tiền mô ra mà sửa chú hi”.
Cơm tối xong, chúng tôi nghe hai anh kể chuyện. Về bản thân họ, về gia đình, về những nhọc nhằn của nghề ong. Các anh là điểm tựa cho gia đình kể cả khi mạnh khỏe hay khi ốm đau. Mà như anh Bông nói đùa, làm nghề này không được phép đau ốm, vùng này ngoài trồng sắn và cà-phê, thu nhập thêm từ nghề lấy mật ong cũng đáng kể. Nhưng cũng cực khổ đủ bề, có người đi tìm ong gặp tai nạn mới cực thêm.
Kiếm cơm ở trên cây
Đối với một số người đi kiếm mật ong thuộc các huyện miền núi như Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh thì nghề tìm mật ong cũng mang lại cho họ thu nhập đáng kể để phụ trợ thêm cho gia đình. Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có khoảng hơn 100 người đi tìm kiếm mật ong. Ngoài công việc đồng áng, họ tuân thủ vào thời gian rỗi để đi tìm mật ong.
Theo chân những người đi tìm kiếm mật ong ở xã Tà Long, Pa Nang (huyện Đakrông), Pa Tầng, Hướng Lập (huyện Hướng Hóa) chúng tôi mới thấy hết cái nhọc nhằn của họ. Vào sáng sớm tinh mơ, anh Hồ Trung và anh Hồ Văn (xã Tà Long, huyện Đakrông) trở dậy chuẩn bị dụng cụ để lên đường đi tìm kiếm mật ong: “Chúng tôi thường hay đùa nhau đây là nghề của gấu. Bởi vì gấu cũng đi tìm mật ong. Nghề này toàn nhìn trời, nhìn con ong bay lên, nhìn cái tổ ong trên cây. Thấy cái tổ ong là mừng lắm, càng lớn càng mừng, càng nhiều mật có nhiều tiền mua gạo, mua thức ăn và sách vở cho con, năm học mới đến rồi, đi kiếm tổ ong về lấy tiền may quần áo cho mấy đứa”.
Dọc sông Đakrông, chúng tôi lội từ con sông lớn đến những nhánh sông nhỏ, đi cắt ngang qua rất nhiều sông suối để đến khu rừng già, nơi mà anh Trung nói chắc chắn rằng có tổ ong ở đó. Và tổ ong cũng đã hiện diện trên một cành cây cao. “Có ăn rồi”, anh Trung tươi cười đưa tay quẹt mồ hôi lấm tấm trên trán. “Cái tổ ong này cũng được tầm bảy chai mật, mỗi chai bán được hơn 200 nghìn đồng, hai ngày trời được 1,4 triệu đồng”, anh Trung hồ hởi khi cột cái bó tràm và mang áo quần bảo hộ để bắt đầu. Nhìn anh Trung trèo lên ngọn cây cao để cắt tổ ong, không có bất cứ dụng cụ bảo hộ nào, chúng tôi thót tim. Lúc anh Trung trở xuống mặt đất, như không hề biết đến sự lo lắng của chúng tôi, anh Trung đưa dao cắt một miếng sáp ong vàng óng: “Cái này ăn ngon, thử đi, anh bán chỗ này cho con buôn 1,4 triệu đồng, họ bán khéo lại được 2,8 triệu, cũng ngon”.
Cái gian nan của người đi tìm kiếm mật ong rừng thì đã rõ. Họ còn phải đối diện với những hiểm nguy khi bị ong đốt, có khi đốt ngay trên cây phải chấp nhận đớn đau chứ nếu buông tay sẽ bị ngã. Không ít người trong số họ phải đối diện với rắn độc ở trên cây. Anh Hồ Văn chia sẻ: “Tôi bị ong đốt hai lần. Đoạn đó cắn răng mà chịu đựng chứ buông tay là chết chắc, từ cái cây cao vút ngã xuống vách đá còn sống được mới lạ. Đi rừng cũng gặp nhiều nguy hiểm, nhất là rắn độc ở khu rừng già thường nhiều. Có khi leo lên cây thì gặp rắn, lúc đó không thể thối lui mà phải “thanh toán” chúng, nghề này quá nhiều gian nan nguy hiểm”.
Lặn sâu trong những dãy núi rừng mờ sương, những bước chân của người lấy mật ong dường như đã mỏi, họ trở về nhà với thứ mật ong vàng óng ánh. Vừa đi anh Trung và anh Văn vừa trò chuyện râm ran suốt dặm đường dài. Có lẽ, cái nhọc nhằn đã bị xua tan bởi mật ngọt và hơn hết, ở nhà những đứa con thơ đang đợi cha về, “từ chỗ này mật ong có thể mua gạo, mua thức ăn, mua sách vở, may quần áo cho con đi học”.