Cân nhắc áp thuế VAT đơn hàng giá trị nhỏ

|

Mỗi ngày có tới 4 - 5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ nhập khẩu về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử. Trong khi đó, quy định hiện hành của Việt Nam không đánh thuế với các mặt hàng này.

Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8 trong năm nay (tháng 10/2024) bổ sung quy định không thu thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng giá trị nhỏ nhập trong định mức miễn thuế nhập khẩu và miễn thuế giá trị gia tăng (VAT).

Lo thất thu thuế

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, hầu hết các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) không đồng tình với nội dung này, bởi hiện nay số lượng đơn hàng có giá trị nhỏ vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam rất lớn, gây thất thu ngân sách nhà nước. Cụ thể, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị nghiên cứu bỏ việc miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống hiện đang được thực hiện theo Quyết định số 78/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Bởi với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, xu hướng chung của các quốc gia cho thấy lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua.

Dẫn số liệu của Tổng công ty cổ phần Bưu chính viễn thông, tại thời điểm tháng 3/2023 đã có trung bình 4 - 5 triệu đơn hàng một ngày được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam với giá trị mỗi đơn hàng chia nhỏ từ 100.000 - 300.000 đồng. Với quy định như dự thảo thì ngân sách nhà nước sẽ thất thu một khoản thu khá lớn, hơn nữa, tạo điều kiện cho hàng giá rẻ tràn vào thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, theo đại biểu Thúy, quy định này cũng sẽ không bảo đảm sự công bằng giữa hàng hóa trong nước với hàng hóa nhập khẩu. Bởi lẽ, hàng hóa trong nước khi sản xuất ra về nguyên tắc vẫn bị điều tiết bởi thuế giá trị gia tăng, trong khi hàng hóa nhập khẩu lại không chịu loại thuế này trong giá bán. “Quy định này cũng không phù hợp với xu hướng của thế giới. Hiện nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng xuất khẩu”, đại biểu nhấn mạnh.

Cũng về nội dung này, đại biểu Phạm Đức Ấn, ĐBQH thành phố Hà Nội đề cập quy định về định mức miễn thuế nhập khẩu theo pháp luật về thuế nhập khẩu cũng là đối tượng được miễn thuế giá trị gia tăng. Theo ông Ấn, hằng ngày trung bình có khoảng 45 - 63 triệu USD, một tháng có khoảng 1,3 - 1,9 tỷ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok thì đó là con số không nhỏ. Nếu miễn thuế nhập khẩu và giá trị gia tăng (VAT), chỉ nên miễn trong trường hợp hàng hóa giá trị nhỏ được mang theo người khi nhập cảnh qua cửa khẩu.

Làm rõ một số ý kiến về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc miễn thuế các hàng nhập khẩu giá trị nhỏ là do thực hiện theo Công ước quốc tế về hài hòa và đơn giản thủ tục hải quan (Công ước Kyoto) năm 1973 mà Việt Nam ký kết, trong đó quy định giá trị nhỏ tối thiểu sẽ không thu thuế hải quan và các thuế khác. Luật không quy định nhưng Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.

Xem xét, xây dựng mức thuế phù hợp

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, hiện một số quốc gia đã bỏ quy định này, như Liên minh châu Âu bỏ miễn thuế giá trị gia tăng với lô hàng dưới 22 euro, Anh bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng nhập khẩu có giá trị từ 135 bảng Anh trở xuống từ ngày 1/1/2021 hay Thailand thu thuế giá trị gia tăng 7% với tất cả hàng nhập khẩu, không phân biệt giá trị. Còn ở dự thảo luật này, Bộ trưởng Tài chính cho biết sẽ xem xét, xây dựng mức thuế VAT phù hợp với hàng hóa giá trị nhỏ.

Theo Sách trắng thương mại điện tử năm 2023, số lượng người tiêu dùng Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến tăng lên đến 61 triệu người, tăng hơn 7% so với cùng kỳ. Ước tính giá trị mua sắm trực tuyến của mỗi người đạt mức 336 USD/năm, tăng hơn 16%. Còn theo Bộ Công thương, trích dẫn từ báo cáo Metric (nền tảng số liệu về thương mại điện tử), trong ba tháng đầu năm nay, doanh số của 5 "ông lớn" thương mại điện tử tại Việt Nam đạt 71.200 tỷ đồng, tăng gần 79% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này vượt xa kỳ vọng, bởi theo nhiều dự báo, doanh số thị trường thương mại điện tử năm nay chỉ tăng khoảng 35% so với năm 2023.

Để tránh thất thu thuế trong khi chờ dự thảo luật được thông qua, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính có nhiều chỉ đạo, cơ quan thuế cũng tăng cường các giải pháp quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử, cả thị trường trong nước và xuyên biên giới. Cụ thể, quy định tại Nghị định 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022, tất cả sàn thương mại điện tử đều phải gửi các thông tin về cho cơ quan thuế định kỳ.

Căn cứ các thông tin này, cùng với công tác thanh tra, kiểm tra và chủ động kê khai của người nộp thuế, cơ quan thuế tập hợp được cơ sở dữ liệu về người nộp thuế kinh doanh qua sàn. Sau đó, Tổng cục Thuế đối chiếu, tự động phân cho các chi cục thuế tại 63 tỉnh, thành phố quản lý. Tổng cục Thuế cũng thường xuyên tập huấn tại các chi cục thuế và đẩy mạnh tuyên truyền các quy định, chính sách. "Theo quy định, dù kinh doanh truyền thông hay thương mại điện tử đều phải đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế sẽ xử lý nếu không đăng ký theo quy định pháp luật, không thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước", lãnh đạo Tổng cục Thuế nêu rõ.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong lĩnh vực thương mại điện tử thông qua việc ký kết các văn bản thỏa thuận phối hợp công tác, tham mưu trình Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu để phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ. Theo đó, số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Trong đó, năm 2022 doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng (tương đương 130,57 tỷ USD), với số thuế đã nộp là 83 nghìn tỷ đồng và năm 2023 doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỷ đồng (tương đương 146,28 tỷ USD), số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng.