Đầu tư cho thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long

|

Việc tái cơ cấu (TCC) đang dần mang lại những giá trị cao cho nông nghiệp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và trong đó có sự đóng góp rất lớn từ những hệ thống thủy lợi (HTTL). Đặc biệt, khi Chính phủ đề ra mục tiêu cho ĐBSCL là hướng tới phát triển bền vững (PTBV) thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH), những bài học thực tiễn trong việc đầu tư HTTL có thể là lời giải cho vấn đề này.

Kỳ 3: Hướng tới đầu tư phát triển bền vững

(Tiếp theo & hết)

Từ chuyện của con tôm “ôm” cây lúa

Tại Kiên Giang, HTTL được chia thành hai phân vùng là Tứ Giác Long Xuyên và Bán đảo Cà Mau (bao gồm cả khu vực Tây Sông Hậu và U Minh Thượng). Trong đó, các cụm công trình thủy lợi như vùng Tứ Giác Long Xuyên được đầu tư xây dựng các cống cơ bản khép kín tuyến đê biển từ Rạch Giá đến Kiên Lương; Còn cửa Kênh Nhánh thuộc TP Rạch Giá và kênh Rạch Giá - Hà Tiên tại xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương chưa được đầu tư cống, mặn còn xâm nhập vào nội đồng. Cụm Tây Sông Hậu, dự án Ô Môn - Xà No đã hoàn thành, khép kín…

Ngay từ những năm 2000, 2001, UBND tỉnh Kiên Giang đã mạnh dạn đưa ra chủ trương cho chuyển đổi một phần diện tích lúa hai vụ kém hiệu quả sang một vụ lúa - một vụ tôm (tôm-lúa) trên địa bàn hai huyện An Biên và An Minh. Đến năm 2006, tỉnh Kiên Giang đã thành lập đoàn kiển tra liên ngành rà soát lại toàn bộ quá trình thực hiện của các mô hình chuyển đổi có hiệu quả hay không và còn những vướng mắc gì cần tháo gỡ. Theo đó, mô hình tôm-lúa đã mang lại hiệu quả rõ rệt và đặc biệt có thể thích ứng BĐKH.

Kể từ đó, tỉnh Kiên Giang tăng cường công tác tuyên truyền, công nghệ, hoàn thiện HTTL nhằm phục vụ việc chuyển đổi mục đích tôm-lúa. Đến nay mô hình tôm-lúa được phát triển mạnh tại địa bàn bốn huyện vùng U Minh Thượng và một phần ven biển của các huyện Hòn Đất, Kiên Lương với tổng diện tích hơn 80.000 ha, sản lượng bình quân hằng năm đạt khoảng 40.000 tấn. Trong đó, hai huyện An Minh và An Biên chiếm đến hơn 60.000 ha.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn, mô hình tôm - lúa không những mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so hai vụ lúa ở vũng đã chuyển đổi mà đây là một mô hình phát triển nông nghiệp bền vững hàng chục năm trở lại đây. Nhờ có mô hình tôm - lúa mà hàng chục nghìn hộ dân đã thoát được cảnh thiệt hại nặng trong đợt hạn, mặn năm 2016.

Phân tích về mô hình tôm-lúa, ông Lê Văn Khanh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện An Minh cho biết: “Việc sử dụng phân, thuốc trong trồng lúa giờ đã trở thành nhận thức của người dân và hầu hết người dân hạn chế tối đa, nhiều mô hình được đưa vào thí điểm thì việc sử dụng các loại chất hóa học trong trồng lúa, nuôi tôm gần như bằng không. Trên địa bàn đang hình thành những vùng lúa sạch, tôm sạch sinh thái hoàn toàn và đem lại hiệu quả kinh tế cao”.

… Đến chuyện “gồng mình” chống sạt lở

Điểm “nóng” nhất của vùng ĐBSCL là bán đảo Cà Mau, nơi có ba bề giáp biển, với tổng chiều dài đường bờ biển hơn 250 km. Thời gian gần đây, dưới tác động của BĐKH, sạt lở ngày càng trầm trọng, gây áp lực lớn đối với cư dân ven biển. Toàn tuyến bờ biển Tây và bờ biển Đông của tỉnh Cà Mau hiện có hơn 100 km chiều dài bị sạt lở. Qua hàng chục lần khảo sát thực tế, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau thống kê, từ năm 2007 đến nay, tuyến ven biển của tỉnh đã mất hơn 8.800 ha rừng phòng hộ, gây áp lực lên đê biển và đe dọa đến tính mạng, tài sản của hàng trăm nghìn hộ dân vùng ngọt hóa phía bắc của tỉnh Cà Mau.

Tương tự, tình trạng sạt lở ven sông, rạch… ở Cà Mau hiện cũng đã trở thành căn bệnh trầm kha. Trong 11 tháng của năm 2018, sạt lở ven sông kết hợp triều cường xảy ra 118 vụ, tổng chiều dài sạt lở hơn 4.000 m. Qua các vụ việc trên đã làm thiệt hại 140 căn nhà dân, bốn trại tôm giống, hai điểm trường, ba bến phà, một kho chứa vật tư, và bể bờ bao vuông tôm của hàng chục hộ dân… Thống kê từ Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh Cà Mau cũng cho thấy, toàn tỉnh hiện có tới 27 vị trí sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài khoảng 38 km. Trong đó, có tám vị trí xung yếu, nguy cơ sạt lở rất cao, phương hại đến đời sống, sản xuất của hơn 1.000 hộ dân.

Cuộc chiến chống sạt lở đang phủ khắp các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt tập trung ở những tỉnh có chiều dài tuyến đê biển, sông ven biển như Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre… Trong đó, theo thống kê trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 100 địa điểm sạt lở gồm: 92 điểm sạt lở bờ sông với chiều dài 118 km và tám điểm sạt lở bờ biển với chiều dài 18 km.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cho rằng: “Tình trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh diễn ra ngày càng nhanh, với cường độ cao ở các vùng ven biển, ven sông lớn và diễn ra ở hầu hết các huyện, thành phố”.

Trước tình hình sạt lở sông, biển ngày càng trầm trọng tại ĐBSCL ngay từ tháng 5-2018 Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng NS T.Ư năm 2018 cho các địa phương trong vùng để xử lý các khu vực sạt lở cấp bách ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, công trình thiết yếu.

Tương tự, ở Kiên Giang, từ đầu năm đến nay việc sạt lở tập trung nhiều tại khu vực bờ biển chưa có được HTTL khép kín như: An Minh, An Biên với khoảng 26 km bờ biển và buộc phải di dời hơn 200 hộ dân ra khỏi vùng sạt lở. Thực tế, cùng trên một địa bàn tỉnh khu vực Tứ Giác Long Xuyên, nơi có các HTTL đã được hình thành tương đối hoàn chỉnh như kênh thoát lũ ra biển Tây, nối từ kênh Vĩnh Tế, Sông Hậu qua vùng Tứ Giác Long Xuyên, kênh đầu mối, đê biển… thì có mức độ thiệt hại thấp hơn hẳn.

Chủ động thích ứng nhờ các dự án trọng điểm

Thực tế, những năm gần đây hiện tượng cực đoan của thủy triều tại Kiên Giang đã dẫn đến việc mặn, ngọt của các mùa nước nó không còn theo quy luật tự nhiên. Khi cần ngọt nhưng nước vẫn mặn hoặc mặn thì mặn quá. Phân tích về sản xuất nông nghiệp tại Bán đảo Cà Mau, theo ông Nguyễn Hoàng Thăng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Kiên Giang: “Đang phải phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Mô hình tôm-lúa bước đầu có hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều bấp bênh, không ổn định và việc đầu tư vào một số dự án thủy lợi sẽ chủ động được việc kiểm soát nguồn nước, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp”.

Đối với Kiên Giang, nhờ có được HTTL được tập trung đầu tư từ rất sớm đã có được những bước chuyển biến mạnh mẽ từ TCC nông nghiệp. Tuy nhiên, người dân và chính quyền tại các huyện: An Biên, An Minh, U Minh Thượng… vẫn chưa thể yên tâm với HTTL như hiện nay. Thực tế, rút kinh nghiệm từ vụ hạn, mặn cuối năm 2015, 2016 nước mặn từ biển Tây đã xâm nhập chủ yếu vào một số hệ thống cống cửa biển như cống Sông Kiên, hệ thống cống trên kênh Cái Lớn, Cái Bé, Âu thuyền Vàm Bà Lịch đã gây thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Ngay sau đó, tỉnh Kiên Giang sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ T.Ư đầu tư cống Sông Kiên và cuối năm 2017 hoàn thành, đưa vào sử dụng đã kiểm soát toàn bộ nguồn nước biển xâm nhập vào khu vực TP Rạch Giá. Âu thuyền Vàm Bà Lịch cũng đang được tỉnh Kiên Giang thu xếp nguồn vốn để đầu tư. Duy nhất HTTL Cái Lớn, Cái Bé đang phải vướng vào nhiều ý kiến trái triều của nhiều nhà nghiên cứu nên chưa được khởi công đầu tư cho dù tháng 4-2017 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư là 3.309,5 tỷ đồng, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020 là 3.300 tỷ đồng.

Về vấn đề này, ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng: “Việc đầu tư HTTL Cái Lớn, Cái Bé và đưa vào sử dụng kín tuyến đê biển Tây, chủ động điều tiết nước, tạo điều kiện thuận lợi cho vùng U Minh Thượng sản xuất theo mô hình tôm-lúa. Đây đang là “nút thắt” tác động trực tiếp đến việc thực hiện TCC nông nghiệp tại khu Bán đảo Cà Mau”.

Phân tích sự tác động của HTTL Cái Lớn, Cái Bé, ông Lê Văn Khanh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện An Minh cho rằng: “Nếu được đầu tư, mùa hạn mặn xâm nhập thì chỉ cần đóng cống thì hoàn toàn có thể điều tiết nước ngọt từ Hậu Giang về và như thế không bao giờ sợ thiếu nước ngọt”.

Trên thực tế, HTTL Cái Lớn, Cái Bé đang có những tác động rất lớn đến việc TCC nông nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp cho nhiều địa phương trong vùng Bán đảo Cà Mau. Cũng có không ít ý kiến chuyên gia lại phản bác chuyện đầu tư DA Cái Lớn, Cái Bé. Do đó, mặc dù được Chính phủ phê duyệt nguồn vốn nhưng đến nay vẫn chưa thể khởi công xây dựng.

GS, TS Đào Xuân Học với tư cách là tổ trưởng tổ Quy hoạch tổng thể ĐBSCL của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, trong Quy hoạch này sẽ có công trình cống Cái Lớn, Cái Bé. Quan điểm “thuận thiên” theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP không có nghĩa là không tác động gì vào thiên nhiên mà chủ động sống chung với lũ, mặn, lợ; tìm hiểu các quy luật của tự nhiên để tìm cách tác động để thiên nhiên phục vụ con người, kiểm soát các tác động bất lợi của lũ, hạn, mặn phục vụ dân sinh, kinh tế. Tư tưởng chủ đạo thực hiện DA, thứ nhất là lấy nguồn nước và hệ sinh thái làm nền tảng đề xuất định hướng sản xuất. Thứ hai là giải pháp công trình chỉ nhằm hỗ trợ việc chủ động sản xuất của vùng trong bối cảnh hiện tại, tương lai có xét đến biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng như tác động từ thượng nguồn, đồng thời chủ động trong phòng, chống thiên tai. Tư tưởng chủ đạo này hoàn toàn phù hợp đề án TCC ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.