Đón sóng phục hồi
Trong 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả ba nhóm hàng. Đóng vai trò chủ đạo, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt gần 192 tỷ USD, chiếm 84,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, nhóm hàng nông sản kéo dài đà tăng trưởng từ năm 2023 đến nay. Tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 21,4 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản ước đạt 2,35 tỷ USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Đánh giá cao sự khởi sắc về hoạt động thương mại, nhiều chuyên gia nhận định xuất khẩu đang đón sóng phục hồi sau năm 2023 tăng trưởng ảm đạm. Ông Trần Nhật Trung, Giám đốc Phân tích Công ty TNHH chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng: Những tháng còn lại của năm 2024, xuất khẩu Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt so với mức thấp của năm 2023 khi các thị trường xuất khẩu chính đang tích cực nhập hàng hóa dự trữ mùa mua sắm cuối năm. Trong các ngành hàng, dự kiến dệt may, đồ gỗ và thủy sản sẽ đóng góp quan trọng vào hoạt động xuất nhập khẩu thời gian tới.
Thực tế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may đạt 19,8 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ gần 8,9 tỷ USD, tăng 23,4%. Xuất khẩu thủy sản 5,3 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ. Báo cáo của công ty chứng khoán PSI cũng đặt niềm tin vào ngành dệt may và thủy sản. PSI cho rằng, nhu cầu tại thị trường Mỹ phục hồi là động lực chính cho dệt may tiếp tục bảo đảm và gia tăng đơn hàng.
Ngoài ra, những diễn biến bất ổn về chính trị dẫn tới đứt gãy chuỗi sản xuất dệt may tại Bangladesh (một trong những đối thủ cạnh tranh chính của ngành dệt may) sẽ mang lại lợi thế ngắn hạn cho Việt Nam khi các nhãn hàng tập trung cung ứng cho cao điểm mùa đông sắp tới.
Với ngành thủy sản, sản lượng cá tra xuất khẩu cũng được dự báo phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm nhờ lượng hàng tồn kho tại các thị trường, đặc biệt là Mỹ đang suy giảm so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp thủy sản cũng có thể tận dụng mức thuế chống bán phá giá (POR 19) ở mức thấp để tăng cường biên lợi nhuận. Tương tự, xuất khẩu tôm cũng cải thiện trong nửa đầu năm và tiếp tục hồi phục trong nửa cuối năm nay. Đặc biệt, giá bán tôm tại thị trường Nhật Bản có thể tăng nhờ việc các mặt hàng tôm chế biến từ Việt Nam vẫn được ưa chuộng và chi phí vận chuyển thấp hơn.
Chủ động ứng phó
Ngoài tiềm năng, các chuyên gia cho rằng, biến động tỷ giá, việc phụ thuộc nguyên phụ liệu đầu vào, chi phí vận tải biển leo thang cùng những bất ổn chính trị thế giới và yêu cầu xanh hóa tại các nước phát triển… sẽ tiếp tục là những trở ngại cho sự phục hồi sản xuất và xuất khẩu.
Trên thực tế, hàng hóa Việt Nam vẫn chỉ nằm trong một số bước trong chuỗi giá trị toàn cầu, nên rất dễ bị ảnh hưởng cả đầu vào lẫn đầu ra. Theo đó, chính sách tiền tệ và tình hình kinh tế của các thị trường xuất khẩu là hai yếu tố vĩ mô ảnh hưởng chính đến cung cầu cũng như sức khỏe của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ngoài ra, chi phí logistics tăng cao thời gian qua đã tác động đáng kể đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Thách thức về chuyển đổi xanh cũng đang trở thành một bài toán lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu. Trong xu thế các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU yêu cầu về sản phẩm xanh, sản phẩm dán nhãn carbon, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp hãy nhanh chóng thực hiện "chuyển đổi kép", tức là song hành chuyển đổi số lẫn chuyển đổi xanh nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi giá trị. PGS, TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH) cho rằng: Xu hướng xanh hóa là bắt buộc trong thời gian tới, có thể là một số lĩnh vực chưa áp nhãn tín chỉ carbon nhưng thời gian tới về cơ bản sẽ áp hết tất những sản phẩm xuất sang EU và Mỹ. Hiện nay, Việt Nam cũng đã cam kết đến năm 2050 phát thải ròng bằng 0. Tuy nhiên, sự dịch chuyển và kế hoạch để đạt được mục tiêu đó dường như chưa rõ ràng.
Dẫn chứng câu chuyện ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng: Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 44 tỷ USD (tăng 9,2% so với năm 2023) như đã đề ra, bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng thì tiêu chí phát triển bền vững cần được các doanh nghiệp dệt may chú ý hơn. Các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… đang yêu cầu cao về chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường). Đơn cử như những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ các sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa.
Để thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa những tháng cuối năm, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung vào củng cố các thị trường lớn truyền thống; mở rộng các thị trường mới; hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện, đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường tiềm năng và điều tra chống bán phá giá đối với hàng Việt Nam… Cùng với các giải pháp nêu trên, Bộ Công thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến các thị trường, chính sách xuất nhập khẩu của các nước để kịp thời thông tin cho các hiệp hội, doanh nghiệp.
Trong 7 tháng năm 2024, Việt Nam có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong số này, có 9 mặt hàng xuất khẩu hơn 5 tỷ USD, chiếm 70,8%, gồm: Điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc thiết bị; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng; sắt thép; thủy sản.