Cuối cùng sau nhiều năm chờ đợi, "Hồ sơ nghiên cứu mẫu nhà phù hợp với mục tiêu bảo tồn di tích làng cổ Đường Lâm" mà TP Hà Nội trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cơ bản được thông qua. Phần lớn người dân làng cổ thở phào khi nghe tin này.
Bao nhiêu năm qua, lúc nào người dân cũng nơm nớp lo lắng khi xây dựng, sửa chữa nhà cửa vì sợ bị đình chỉ xây dựng, hay phá dỡ. Ở thôn Mông Phụ, gia đình bà Hà Thị Khanh, khi xây dựng nhà đã bị phá dỡ một tầng vì không phù hợp với cảnh quan là bài học nhãn tiền.
Đã là di tích thì cần bảo tồn, mà cả Việt Nam cũng chỉ có vài làng giữ được những nét cổ xưa. Nhưng nhu cầu cuộc sống thì bức thiết, nhiều ngôi nhà xuống cấp, cũ nát; rồi con cái lập gia đình riêng cần có thêm chỗ ở; chưa kể nhiều gia đình làm nông nghiệp còn phải có diện tích chăn nuôi, phơi phóng... Cũng chính vì lý do này, mấy năm trước, một số người dân Đường Lâm viết đơn "trả" danh hiệu Di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia.
Với việc Hồ sơ nghiên cứu mẫu nhà được thông qua, "ngòi nổ" cho những bất đồng giữa người dân và các cơ quan quản lý di tích, di sản đang từng bước được tháo gỡ.
Trong văn bản mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá những mẫu nhà mà TP Hà Nội đề xuất phù hợp với Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm và chỉ yêu cầu chỉnh sửa những chi tiết nhỏ của các mẫu nhà như: kiểu ngói, màu vôi ve...
Trong thời gian tới, người dân ở làng cổ Đường Lâm sẽ có 20 mẫu nhà chính và một số mẫu nhà phụ để làm căn cứ khi xây dựng, cải tạo các ngôi nhà trong không gian làng cổ. Ngoài những mẫu nhà chính, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội còn đề xuất một số mẫu nhà phụ, mẫu tường bao, cổng cũng như các họa tiết trang trí công trình.
Theo hồ sơ này, các mẫu nhà thôn Mông Phụ - thuộc khu vực bảo vệ I được phép xây dựng chiều cao lên đỉnh mái không quá 7,5 m, mái dốc, lợp ngói kiểu truyền thống. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất nên lợp ngói vảy cá để phù hợp không gian chung; các ngôi nhà quét ve mầu vàng nhạt, không sử dụng sơn công nghiệp.
Tại khu vực bảo vệ cấp II, gồm các thôn: Đông Sàng, Cam Thịnh, Cam Lâm, Đoài Giáp, chủ yếu gồm các công trình xây dựng một hoặc hai tầng. Tại một số vị trí có thể cho phép xây ba tầng, mái lợp ngói, chiều cao từ mặt sân đến đỉnh mái không quá 10,65 m. Nhà được xây dựng bằng những vật liệu truyền thống. Tùy từng vị trí, đặc điểm thửa đất, diện tích xây dựng, các hộ dân sinh sống ở làng cổ Đường Lâm có thể lựa chọn một mẫu nhà để xây dựng nhà ở. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND thị xã Sơn Tây và ngành Văn hóa Hà Nội tổ chức xin ý kiến người dân xã Đường Lâm về các mẫu nhà trước khi triển khai các bước tiếp theo.
Cơ hội để bảo tồn làng cổ Đường Lâm đã mở ra. Nhưng nhìn vào sự "đủng đỉnh" của công tác bảo tồn, người dân cũng như nhiều chuyên gia vẫn hết sức lo ngại. Mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển đã xuất hiện ngay từ khi làng cổ Đường Lâm được công nhận là Di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia năm 2005. Người dân muốn xây, chính quyền muốn quản. Song, các cơ quan quản lý không hướng dẫn người dân phải xây thế nào cho hợp lý. Kết quả là nhiều ngôi nhà mái bằng mới toanh vẫn mọc lên. Vấn đề cần có những quy định cụ thể, với những thiết kế mẫu nhà phù hợp với cảnh quan, không gian làng cổ đã được đặt ra.
Làng cổ có hàng nghìn gia đình, nhưng chỉ một phần trong đó là những ngôi nhà có tuổi đời cao, kiến trúc đẹp; còn lại có nhiều ngôi nhà cũ nát, không có giá trị kiến trúc, mỹ thuật, người dân cần xây lại, hoặc sửa chữa. Nhiều cuộc họp với những tranh luận gay gắt, những đề xuất được coi là "cực kỳ bức thiết". Tưởng chừng những "bức thiết" sẽ sớm được xử lý thì phải mất ba năm sau, những mẫu nhà mới được thông qua. Lại phải mất một khoảng thời gian chỉnh sửa nữa, những mẫu nhà này mới đến được những người dân. Và khi xây dựng, chi phí xây những ngôi nhà theo kiểu mẫu được thông qua liệu có lớn hơn xây nhà thông thường không cũng là một bài toán đau đầu với người dân làng cổ...
Những mẫu nhà được thông qua là cơ hội để tìm ra sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển làng cổ. Vấn đề người dân mong chờ là sự khẩn trương thực hiện. Làng cổ Đường Lâm là một di tích sống. Cuộc sống vẫn vận động hàng ngày. Những chính sách về bảo tồn, về giải quyết mâu thuẫn chậm ngày nào, người dân còn khổ ngày ấy.