Tham dự lễ ký kết có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai; Thứ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông; Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, cùng đông đảo các đại biểu, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, hội…
Ngoài ra, lễ ký kết còn có sự hiện diện của Ngài Olivier Brochet, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tại lễ ký kết. |
Phát biểu tại lễ ký kết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết, Ninh Bình là vùng đất cổ của vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng, với vị trí địa lý quan trọng, được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, đặc sắc với nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng; hệ thống núi, sông, hang động đa dạng; hệ thống giao thông thuận lợi; cùng với các di tích lịch sử, văn hóa kiến trúc nghệ thuật độc đáo; trong đó, tiêu biểu là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.
Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình không chỉ thu hút được lượng khách du lịch lớn mà còn được nhiều nhà làm phim trong nước và quốc tế lựa chọn làm bối cảnh cho các bộ phim như: Người Mỹ trầm lặng, Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc, Thiên mệnh anh hùng, Kong: Skull Island (Đảo đầu lâu), Khát vọng Thăng Long, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, 578 - Phát đạn của kẻ điên, Về nhà đi con, Trạng tí, Hương vị tình thân, Vui lên nào anh em ơi…
Thông qua các bộ phim đã được các đoàn làm phim quốc tế, các hãng phim trong nước, Đài Truyền hình Việt Nam lựa chọn quay ở Ninh Bình cho thấy, tỉnh Ninh Bình là một trong những tỉnh, thành phố tiêu biểu của cả nước hoàn toàn có khả năng trở thành phim trường của những bộ phim “bom tấn” của Hollywood cũng như các bộ phim điện ảnh Việt Nam để quảng bá về văn hóa, du lịch, con người Cố đô ngàn năm văn hiến tới bạn bè quốc tế.
Tiến sĩ Ngô Phương Lan phát biểu tại lễ ký kết. |
Phát biểu tại lễ ký kết, Tiến sĩ Ngô Phương Lan khẳng định, sự hợp tác giữa Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh và tỉnh Ninh Bình vào thời điểm này có thể xem như tụ hội được thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Quan trọng nhất là hai bên gặp nhau ở sự quyết tâm và tính hành động cao, sẵn sàng dành tâm sức cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa, công nghiệp điện ảnh tỉnh Ninh Bình nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Tiến sĩ Ngô Phương Lan cũng cho rằng, khi nói đến công nghiệp văn hóa, công nghiệp điện ảnh, chúng ta không bỏ qua việc khai thác tiềm năng, thế mạnh, khơi dậy trầm tích lịch sử, văn hóa, biến Ninh Bình thành trường quay nổi tiếng cho các bộ phim Việt Nam và quốc tế, đặc biệt là các phim cổ trang; thu hút các đoàn phim đến Ninh Bình; góp phần xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch Ninh Bình và các ngành kinh tế, dịch vụ...
“Hy vọng ngay sau Lễ ký kết hôm nay sẽ có các bộ phim của Pháp, Ấn Độ và Việt Nam đến quay tại Ninh Bình và chắc chắn đó sẽ là những bộ phim có tiếng vang lớn ở Việt Nam và quốc tế. Chúng tôi cũng tin rằng trong một thời gian không xa, từ biên bản ngày hôm nay, những trái ngọt đầu tiên sẽ thành hình và phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước”, Tiến sĩ Ngô Phương Lan khẳng định.
Tin liên quanTọa đàm trực tuyến: “Việt Nam - điểm đến mới của điện ảnh thế giới”
Theo công bố tại Biên bản ghi nhớ, mục tiêu của chương trình hợp tác là thu hút, xúc tiến làm phim và từng bước xây dựng công nghiệp điện ảnh tại Ninh Bình gắn với phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí của tỉnh Ninh Bình.
Đường vào Tam Cốc. (Ảnh: NGUYỄN SIN) |
Một số mục tiêu hợp tác cụ thể sẽ được triển khai bao gồm: Xây dựng và tổ chức thực thi Bộ chỉ số thu hút các đoàn làm phim và phát triển công nghiệp điện ảnh tại Ninh Bình; Thu hút, tổ chức các sự kiện điện ảnh trong nước và quốc tế tạo không gian kết nối, chia sẻ, thông tin, thúc đẩy hợp tác giữa Ninh Bình với các hãng phim, các đạo diễn, các nhà biên kịch, diễn viên, các nhà đầu tư phát triển công nghiệp điện ảnh; Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách địa phương của Ninh Bình cho phát triển hệ sinh thái công nghiệp điện ảnh, nhất là thu hút đầu tư, quảng bá tiềm năng, xây dựng phim trường, hỗ trợ cho xúc tiến và phát triển điện ảnh góp phần thúc đẩy đổi mới chính sách phát triển công nghiệp điện ảnh của đất nước.
Thời gian thực hiện hợp tác giữa hai bên kéo dài 12 năm, từ 2024 đến 2035, bao gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn khởi động (từ năm 2024 đến 2025), chuẩn bị và triển khai một số hoạt động ngắn hạn (các sự kiện quảng bá tại Ninh Bình qua điện ảnh, thu hút đoàn phim đến Ninh Bình, làm phim tài liệu ngắn, chuẩn bị kịch bản phim truyện về Ninh Bình). Giai đoạn triển khai diễn ra từ năm 2026 đến 2035.
Hai bên sẽ thống nhất kế hoạch chi tiết các hoạt động phối hợp thực hiện cụ thể hằng năm muộn nhất là tháng 9 của năm trước. Hằng năm, Hiệp hội và tỉnh Ninh Bình sẽ sơ kết, đánh giá kết quả và thống nhất việc tổ chức thực hiện trong các năm tiếp theo.