Sức lan tỏa trong cộng đồng
Then vừa là một sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh vừa là một loại hình âm nhạc dân gian rất đặc sắc của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Qua lễ hát Then cổ truyền có thể thấy rõ nhân sinh quan, thế giới quan và bản sắc văn hóa của đồng bào Tày, Nùng, Thái. Từ những quan niệm Mường Trời, nơi cư ngụ của các thần linh; Mường Đất, nơi cư ngụ của con người; Mường nước, nơi cư ngụ của Long Vương, Then đã đưa con người tìm một chỗ dựa về tinh thần để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Trước đây, trong các nghi lễ tâm linh, Then chỉ được diễn xướng bởi một người là ông Then hoặc bà Then, những người đồng thời cũng là thày cúng. Họ cùng một lúc phải làm mọi việc: tay đệm đàn, miệng hát, chân xóc nhạc lại còn phải múa, diễn trò minh họa cho bài hát như cưỡi ngựa, phất quạt, động tác chèo thuyền vượt biển... Họ là những nghệ nhân của tổng hợp các loại hình diễn xướng dân gian điêu luyện và sáng tạo.
PGS,TS Nguyễn Bình Định nhận xét: “Sinh hoạt Then được đồng bào Tày, Nùng, Thái quý trọng, trao truyền qua nhiều thế hệ. Giá trị của Then tích hợp nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có ngôn ngữ, văn học, thơ ca dân gian, phong tục tập quán, y phục, tín ngưỡng, nghệ thuật trình diễn âm nhạc, múa dân gian... Chính vì thế di sản văn hóa này rất xứng đáng và rất cần được tôn vinh, bảo vệ”. Có thể nói, hát Then là loại hình nghệ thuật tổng hợp. Lời của Then thường lấy từ các thể thơ dân tộc mang nhiều chất văn học được trau chuốt qua thời gian. Âm nhạc là yếu tố xuyên suốt một cuộc Then với những làn điệu dân ca, dân nhạc cổ phong phú của các dân tộc. Then ở mỗi địa phương có màu sắc âm nhạc khác nhau, tiết tấu âm nhạc cũng đa dạng. Nhạc cụ chủ yếu là tính tẩu (đàn tính), hộp đàn bằng nửa quả bầu khô, dây đàn se bằng tơ tằm vuốt sáp ong cùng với chùm nhạc xóc bảo đảm nhịp hát và múa. GS,TSKH Tô Ngọc Thanh nhận định: “Then là một không gian văn hóa dân tộc, một tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian đa dạng, vừa phản ánh, miêu tả, vừa gửi gắm, nhắn nhủ những ngọt bùi, đắng cay của cuộc sống ông cha”.
Then đã gắn bó rất lâu đời với đồng bào Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía bắc: Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Bắc Giang đến nay đã lan tỏa đến tận Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh theo quá trình giao lưu, định cư của đồng bào. Điều này cho thấy sức sống của Then trong cuộc sống hôm nay. Do yêu thích âm nhạc Then, người ta đã sử dụng một số làn điệu phổ biến rồi đưa lời ca, nội dung các ca khúc để mọi người đều có thể hát ở mọi lúc mọi nơi, vượt ra khỏi yếu tố sinh hoạt tín ngưỡng. Đã xuất hiện và tồn tại từ lâu nay nghệ thuật hát Then - đàn Tính, một loại hình văn nghệ quần chúng rất phổ biến được nhiều người yêu thích, trong đó có lớp trẻ. Các cuộc liên hoan hát Then - đàn Tính toàn quốc đã thu hút nhiều đội văn nghệ quần chúng tham gia với đa dạng giai điệu: Then Cao Bằng dìu dặt, da diết, Then Lạng Sơn tươi vui, rộn ràng, Then Tuyên Quang thúc giục lòng người, Then Hà Giang nhấn nhá, thẩn thơ...Then tiếp tục “sống” với nội dung phản ánh những vấn đề trong cuộc sống hằng ngày.
Nỗ lực bảo tồn và phát huy
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái đang trở nên cấp thiết với việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo triển khai lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. TS Lê Thị Bích Hồng khi nghiên cứu về loại hình diễn xướng này đã cho rằng: “Then cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mai một về nghệ nhân, rơi rớt về các làn điệu, mất mát về phong tục tập quán, dần dà thui chột bản sắc văn hóa độc đáo do thiếu người kế cận. Việc sưu tầm, lưu giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau “báu vật” hát Then là việc làm cấp thiết. Vấn đề là bảo tồn hát Then như thế nào để không mất đi bản sắc mà vẫn phù hợp xã hội hiện đại, bảo tồn và phát huy được không gian diễn xướng hát Then... đang là vấn đề đặt ra từng ngày từng giờ”.
Để gìn giữ những giá trị của nghệ thuật Then như “tài sản quốc gia”, trước hết các địa phương có nguồn Then cần gấp rút và liên tục sưu tầm bằng được nguyên vẹn và đầy đủ các nghi lễ, nghi thức hát Then. Tiến tới phục dựng toàn bộ và dùng các chương trình giảng dạy trong các trường nghệ thuật chuyên nghiệp ở Việt Bắc, Tây Bắc. Việc xây dựng hồ sơ nhằm khẳng định, tôn vinh giá trị của di sản Then tới bạn bè quốc tế là dịp để cộng đồng các địa phương nâng cao ý thức trách nhiệm tham gia bảo vệ và phát huy di sản. Các địa phương cần thu thập tài liệu, tổ chức ghi hình, thu thanh, dịch thuật, tập hợp tài liệu in băng đĩa, xuất bản sách... Đây không phải là công việc trước mắt, đột xuất mà là công việc lâu dài và thường xuyên.
Điều quan trọng là cần có cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi, tôn vinh nghệ nhân, người có công lưu giữ, truyền dạy Then. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang Hoàng Văn Kiên kiến nghị cần dành một phần kinh phí thỏa đáng, hỗ trợ hoạt động của các nghệ nhân để họ truyền dạy làn điệu Then cho thế hệ trẻ và đào tạo người kế nghiệp. Đồng thời, hằng năm cần tổ chức hội nghị tôn vinh các nghệ nhân, những người có tinh thần nhiệt huyết gìn giữ Then cổ.
Cách bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then trước hết và tốt nhất là việc tự giữ gìn, phát huy trong cộng đồng mỗi dân tộc. Nhiều địa phương đã thành lập câu lạc bộ hát Then. Cùng với các loại hình nghệ thuật truyền thống, hát Then nên được đưa vào các chương trình phục vụ du lịch để khai thác, hỗ trợ bảo tồn, đồng thời tạo điều kiện để Then “được sống” trong không gian cộng đồng.