Nhà văn Vũ Bình Lục và các công trình giải mã văn học trung đại

|

NDO - Ngày 19/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc và Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học “Nhà văn Vũ Bình Lục và các công trình giải mã văn học trung đại”, thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà thơ, nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, nhà báo Nguyễn Thế Khoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam khẳng định: Nhà thơ, nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục đã đi đúng hướng trong việc nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam khi kết hợp văn và sử để đọc, dịch, tìm hiểu, giải mã nhiều tác giả, tác phẩm lớn.

Ông sinh năm 1948 tại Thái Bình, lên đường nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Mỹ năm 1967, từng đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và bị thương nhiều lần. Năm 1972, do bị thương quá nặng, Vũ Bình Lục được đưa ra bắc điều trị, học lại phổ thông rồi xin thi và trúng tuyển vào khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội.

Ngay từ những năm tháng đó, do kính yêu nhà bác học đồng hương Thái Bình - Lê Quý Đôn và say mê văn học cổ nước ta, Vũ Bình Lục xin theo học chương trình Hán Nôm nâng cao thí điểm của trường và tốt nghiệp đại học với “lưng vốn” Hán Nôm kha khá. Từ đó, người thương binh cấp 4 với mảnh đạn thù trong đầu vừa làm thầy giáo vừa không ngừng học hỏi, sáng tác và nghiên cứu văn học, nhất là văn học trung đại.

Nhà báo Nguyễn Thế Khoa phát biểu.

Nhà báo Nguyễn Thế Khoa cho biết sau khi nghỉ hưu, 16 năm qua, Vũ Bình Lục tập trung vào sáng tác và nghiên cứu văn học với sức làm việc đáng kinh ngạc. Đến nay, ông đã xuất bản hơn 30 đầu sách, trong đó có 9 tập thơ xuất bản trước năm 2008, 6 tập giai phẩm, thơ hay và lời bình, 1 tập tiểu luận “Văn học trong nhà trường: Nghĩ thêm và bình luận”, 1 tập bút ký “Đi qua chiến tranh”, 2 tập “Trầm tích Đông Triều” và “Vũ Bình Lục tùy bút”.

Ngoài ra, ông còn có 2 cuốn “Hồng Hạc cõi trời Nam” (1600 trang), “Giải mã thơ chữ Hán và bình thơ Nôm của Nguyễn Trãi”, “Giải mã thơ Lý - Trần” (5 tập, 2800 trang), “Hồn thiền trong thơ Lý - Trần” (700 trang), “Thánh thơ Cao Bá Quát” (hơn 700 trang), “Giải mã thơ chữ Hán Việt Nam từ thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 19” (2 quyển 1600 trang), “Giải mã thơ chữ Hán Lê Quý Đôn” (756 trang) và “Vừa đi vừa nghĩ” (1050 trang)…

Như vậy, ngoài 19 tác phẩm sáng tác văn học, nhà văn, nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục còn có đến 14 tác phẩm nghiên cứu văn học trung đại được in khổ lớn với hơn 10 ngàn trang in. Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, đó là những công trình biên khảo, lý luận, phê bình văn học, văn hóa và lịch sử, được gọi chung là giải mã kho báu văn chương thời kỳ trung đại Việt Nam, trải dài hàng ngàn năm lịch sử bi tráng của dân tộc. Đó chính là di sản tinh thần vô giá của cha ông ta để lại, cần phải được định lượng, định tính và tôn vinh đầy đủ...

Ngoài những công trình chuyên đề về một số tác gia lớn như Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm, nhà Văn Vũ Bình Lục đã giải mã gần như toàn bộ những áng thơ ca tiêu biểu của cả ngàn năm cha ông ta sáng tác bằng chữ Hán, chữ Nôm. Ông đã dày công nghiên cứu, tuyển dịch và bình giải hơn 2.000 bài thơ được viết bằng chữ Hán, chủ yếu là thơ Đường luật, của hầu hết các tác giả tiêu biểu ở thời kỳ văn học trung đại Việt Nam. Đặc biệt, trong quá trình đó, ông đã phát hiện, chỉnh lý, hiệu đính nhiều sai sót của những sách đã xuất bản trước, trên tinh thần phản biện khoa học nghiêm túc và đầy sức thuyết phục.

Tại tọa đàm, các học giả, nhà nghiên cứu đã làm rõ hơn những cống hiến của nhà văn Vũ Bình Lục, một tấm gương lao động khoa học và văn học hiếm có trong giải mã văn học trung đại Việt Nam, đồng thời trao đổi nhiều vấn đề mang tính học thuật liên quan những nội dung nghiên cứu của nhà văn Vũ Bình Lục.

Trao Giải thưởng Đào Tấn cho nhà văn Vũ Bình Lục (bên trái).

Nhà thơ, dịch giả, Tiến sĩ Trần Đăng Thao nhận định: Văn học trung đại Việt Nam vắt qua thời gian 10 thế kỷ, vô cùng đồ sộ, lớn đến mức nếu ví như bơi trên biển, không điều chỉnh được sẽ dễ chìm. Vũ Bình Lục là học giả đầu tiên đã hệ thống lại văn học trung đại Việt Nam theo một dòng chảy. Nhìn vào công trình cả vạn trang nghiên cứu, mới thấy mồ hôi nước mắt của người thương binh này lớn thế nào. Không dừng lại ở dịch, chú thích, Vũ Bình Lục còn thực hiện tham vọng cao hơn là giải mã văn học trung đại, liên tục lục xới những vấn đề, nội dung tinh tế, cốt lõi, cung cấp những tư liệu mới, giá trị đóng góp cho văn chương và công tác giảng dạy văn học, lịch sử.

Đồng quan điểm, nhà văn Hoàng Quốc Hải cho rằng, nhà văn Vũ Bình Lục đã đi vào công việc muôn khó là giải mã văn học trung đại trải dài nhiều thế kỷ văn chương, với những cá nhân sừng sững trong lịch sử văn đàn như Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Lê Quý Đôn… - những bậc thượng thừa văn chương của đất nước chúng ta. Trước hết, đó là “gan” của một người lính, và sức lao động của một người rất giàu tri thức.

Viết Lời giới thiệu cho cuốn sách “Vừa đi vừa nghĩ” của nhà văn Vũ Bình Lục ra mắt tháng 2/2024, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều gọi ông là “người giải mã văn chương trung đại thông tuệ”.

Trên tinh thần khoa học và tư duy phản biện sắc sảo, tác giả đã không ngại ngần nêu ra và giải quyết rốt ráo một số vấn đề khá gai góc và nhạy cảm, trong lịch sử văn hóa, văn chương nước nhà. Điều ấy khiến người đọc ngày nay vốn quen với lối tư duy máy móc, thụ động trong nhận thức những vấn đề tưởng như đã mặc định, phải bất ngờ sửng sốt và vui vẻ đồng cảm, bởi tính khách quan khoa học của nó.

“Có thể nói không ngoa rằng, với bộ óc thông tuệ, nhãn quan, cảm quan nghệ thuật tinh tế, thành quả lao động của nhà văn Vũ Bình Lục không hề thua kém một viện nghiên cứu vài ba chục người. Ông nổi bật lên như một hiện tượng hiếm lạ ở nước ta… Ông hoàn toàn xứng đáng là chuyên gia hàng đầu về văn học Trung đại Việt Nam” - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh.

Với những cống hiến giá trị cho văn học nghệ thuật và văn hóa dân tộc, tại sự kiện, nhà văn Vũ Bình Lục đã vinh dự được nhận Giải thưởng Đào Tấn.