Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, TS Phan Thanh Hải cho biết: Tả Tùng Tự (nơi thờ tự các công thần quan trọng nhất của Triều Nguyễn) là một công trình kiến trúc có diện tích gần 210m², nằm trong khu vực Thế Miếu - Đại nội Huế. Trải qua thời gian và tác động chiến tranh, Tả Tùng Tự bị xuống cấp nghiêm trọng, chỉ còn lại hai bức tường hồi xây bằng gạch vồ nằm trơ trọi trong khu vực Thế Miếu.
Di tích Tả Tùng Tự đã được phục hồi nguyên bản từ phần nền móng, hệ khung, hệ mái, tường bao che chung quanh… và tôn tạo sân đường, hệ thống rãnh thoát nước, đường đi dạo chung quanh công trình, với tổng mức đầu tư 11,5 tỷ đồng.
Để bảo đảm tính truyền thống, phần mái được lợp ngói liệt men và vữa truyền thống; bờ nóc, bờ quyết xây bằng gạch vồ; các con giống và ô chữ Thọ trang trí trên bờ mái, bờ quyết được đắp bằng vữa vôi truyền thống, nền lát gạch Bát Tràng; các cấu kiện gỗ làm bằng gỗ kiền và được chống mối, sơn quang hoàn thiện.
Ngoài ra, Trung tâm triển khai Công nghệ xây dựng miền trung cũng đã thực hiện thêm các hạng mục khác nhằm hoàn chỉnh việc bảo tồn phục hồi chức năng lịch sử của công trình này, gồm: khám thờ; bàn đặt khám thờ, đồ thờ, bàn đựng lễ vật, án thờ, điện nội thất, đèn lồng, mành tre...
Việc hoàn thành dự án phục hồi di tích Tả Tùng Tự sẽ góp phần hoàn chỉnh nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích này nói riêng, quần thể di tích Cố đô Huế nói chung, qua đó gìn giữ cho di tích Huế các công trình tư liệu - lịch sử - văn hóa, từng bước khôi phục lại các cụm công trình di tích với quy mô và chức năng hoàn chỉnh, góp phần tái hiện khung cảnh tráng lệ và đời sống sinh hoạt cung đình xưa.