Du lịch văn hóa vùng Đông Bắc, khơi nguồn và phát triển

|

NDO - Chiều 3/11, trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI tại tỉnh Lạng Sơn năm 2024, Ban tổ chức Ngày hội tổ chức Hội thảo khoa học “Du lịch văn hóa vùng Đông Bắc - khơi nguồn và phát triển”.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; lãnh đạo Sở Du lịch Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên; các chuyên gia du lịch đến từ viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp kinh doanh du lịch dịch vụ.

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Đặng Ân nhấn mạnh: Các tỉnh trong vùng Đông Bắc sở hữu tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, nhất là sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hóa. Việc liên kết và hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh trong Vùng Đông Bắc có ý nghĩa quan trọng, nhằm phát huy được các lợi thế so sánh của mỗi địa phương về tiềm năng và các nguồn lực phát triển du lịch, đồng thời bổ sung khắc phục cho nhau những hạn chế trong phát triển…

Đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn cùng các tỉnh vùng Đông bắc tham dự hội thảo.

Thông qua việc liên kết, hợp tác sẽ làm phong phú và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, có chất lượng cao…, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh và những lợi thế trong phát triển du lịch không chỉ riêng của một tỉnh mà còn cho toàn vùng.

Tin liên quan
Phát huy giá trị văn hóa truyền thống qua mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO để bảo tồn văn hoá và phát triển kinh tế-xã hội

Đối với Vùng Đông Bắc, nơi mà các giá trị về tài nguyên tự nhiên, văn hóa và các điều kiện khác trong phát triển du lịch giữa các tỉnh là tương đối tương đồng, do vậy việc liên kết hợp tác này càng có ý nghĩa trong việc thực hiện tốt những mục tiêu phát triển chung của toàn vùng.

Hướng dẫn viên du lịch cộng đồng tỉnh Lạng Sơn giới thiệu ẩm thực truyền thống của địa phương cho du khách.

Các đại biểu dự hội thảo đã cùng bàn luận thống nhất, đề xuất định hướng và giải pháp liên kết, khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch để phát triển kinh tế địa phương vùng Đông Bắc trong thời gian tới. Theo đó, các tỉnh cùng cam kết phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng vùng Đông Bắc theo hướng chất lượng cao, hấp dẫn, mang thương hiệu đặc thù gắn với di tích văn hóa lịch sử cách mạng như: Pác Pó, ATK chợ Đồn, ATK Định Hóa, Tân Trào... Đồng thời khai thác, phát huy giá trị văn hóa dân tộc bản địa như: Thực hành hát Then, nghi lễ Nhảy lửa... để cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.