Xếp hàng trà sữa

|

NDO - NDĐT- Trà sữa Đài Loan, hoa anh đào Nhật Bản hay âm nhạc, điện ảnh Hàn Quốc tuy khác nhau rất xa, nhưng ngoài điểm chung là tạo nên những cơn sốt, những trào lưu trong giới trẻ Việt Nam, thì nó còn có điểm chung khác, là cùng nằm trong một phạm trù lớn hơn – văn hóa, lối sống. Chỉ khi có sức mạnh nội sinh, chúng ta mới không rơi vào trạng thái thụ động, không bị cuốn đi bởi các trào lưu.

Một ngày như bao ngày. Mở trang báo, lại thấy tin có quán trà sữa mới mở. Bọn trẻ xếp hàng cả giờ để mua được một cốc trà sữa hạ giá. Tưởng tin cũ, hóa ra tin mới, cửa hàng mới, nhưng vẫn trên con phố vừa có “sự kiện” xếp hàng dài cho những cốc trà sữa vài hôm trước. Bây giờ, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều có những con phố “100 mét 10 hàng trà sữa”. Trào lưu trà sữa kiểu Đài Loan, Nhật Bản, Singapore… đang lan dần ra các đô thị lớn khác.

Tuổi trẻ thường rất “nhạy” với những gì mới lạ, bất kể lĩnh vực nào. Khi cà phê Star buck mới vào Việt Nam, lập tức có một “cơn sốt”. Giới trẻ xếp những hàng dài dằng dặc chờ đến lượt mình được thưởng thức một cốc cà phê và đồ ăn nhanh theo “phong cách Mỹ”. Rồi chuyện đua nhau thử “mì cay bảy cấp độ” đến từ xứ Hàn. Và cả những “cơn sốt” khác, không nằm trong phạm vi ẩm thực. Đó là chuyện chen chân dự ngày hội hoa anh đào của Nhật. Đó là cảnh vượt rào để ngắm các thần tượng âm nhạc, điện ảnh của Hàn Quốc…

Trà sữa thực chất là việc “làm mới một câu chuyện cũ”. Trà sữa đến Việt Nam dễ đã được hơn chục năm. Nhưng lúc đó là những cốc trà bình dân. Giá thành không đắt hơn cốc nước mía là bao. Khi tưởng đã lụi hẳn thì nó bỗng trở thành trào lưu. Cốc trà sữa từ bình dân thoắt trở thành đồ uống “sang chảnh” chủ yếu là nhờ cách trang trí quán cực kỳ bắt mắt, sang trọng, các quán trà có thương hiệu rõ ràng. Ngồi quán trà sữa, cũng là cách thể hiện “đẳng cấp” của lứa tuổi “teen”. Nhất là khi tung lên mạng xã hội. Nói đi thì cũng phải nói lại. Nếu ghé vào những quán trà sữa, người ta không thể không phục những người nghĩ ra món ẩm thực này. Trên cái nền trà – sữa, người ta nghĩ ra cách phối vị vô cùng biến ảo, với hàng chục phong cách khác nhau, nhất là phối hợp với các loại hoa quả. Chẳng trách quán nào cũng đông, cũng nhộn nhịp, nhất là buổi tan trường, cho dù giá không hề rẻ. Có loại trà lên đến 50-60 nghìn đồng/cốc. Nghe qua thì đơn giản. Nhưng làm một phép so sánh mới thấy giật mình. Một cốc trà sữa bằng gần nửa yến gạo quê, bằng gần nửa ngày công lao động của không ít công nhân khu công nghiệp. Có người kêu học sinh sinh viên Việt lấy đâu ra nhiều tiền thế không phải không có lý. Một nhóm bạn ngồi cà kê trà sữa có thể mất đến đôi ba trăm nghìn.

Trà sữa Đài Loan, hoa anh đào Nhật Bản hay âm nhạc, điện ảnh Hàn Quốc tuy khác nhau rất xa, nhưng ngoài điểm chung là tạo nên những cơn sốt, những trào lưu ở đất Việt, thì nó còn có điểm chung khác, là cùng nằm trong một phạm trù lớn hơn – văn hóa. Những cơn sốt hay trào lưu ấy, là hệ quả của quá trình giao lưu văn hóa.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc, người sớm đưa ra quan điểm về “xuất – nhập khẩu văn hóa” từ lâu đã cho rằng, giao lưu văn hóa ngày nay gặp nhiều thách thức hơn xưa. Bởi giao lưu hiện nay là giao lưu đa chiều, đa quốc gia, giữa nhiều nền văn hóa, văn minh. Trong một thế giới ngày càng phẳng hơn, giao lưu văn hóa, lối sống ngày một mạnh hơn. Giới trẻ thời nào cũng luôn rất “nhạy” với những gì “mới, lạ, độc”. Nhưng việc hình thành các trào lưu, cơn sốt về văn hóa, lối sống “nhập khẩu” đang ngày càng dễ dãi hơn. Những khuôn mặt hớn hở của những bạn trẻ không ngại bỏ ra cả tiếng đồng hồ xếp hàng ở quán trà sữa kiểu Đài Loan, hay những “chủ nhân tương lai của đất nước” chen chân, khó lóc, quỳ lạy thần tượng âm nhạc, điện ảnh xứ Hàn, ta không thể không nghĩ đến việc hành trang văn hóa dân tộc các bạn mang theo là gì, khi giao lưu với văn hóa thế giới? Việc “xuất khẩu văn hóa Việt” hẳn vẫn là điều cao xa quá. Chưa từng thấy hình thành một “trào lưu Việt” nào đó ở nước ngoài. Vấn đề là, trong khi chưa xuất khẩu được, dường như chúng ta cũng chưa có biện pháp hữu hiệu để “chống thất thủ”.

Giao lưu văn hóa không phải cái gì xa lạ. Trong suốt nghìn năm lịch sử, do ở vị trí “ngã ba đường”, nên đặc trưng của văn hóa Việt là giao lưu với những nền văn minh lớn. Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh giao lưu có thể làm giàu văn hóa. Ngược lại, giao lưu cũng có thể làm văn hóa bản địa nghèo đi. Rồi trào lưu trà sữa “sang chảnh” cũng sẽ qua đi, như những trào lưu khác. Mì cay bảy cấp độ “sốt xình xịch” giờ đã nguội dần. Song đừng vội mừng. Vì khi ấy, sẽ có những trào lưu khác, để giới trẻ thỏa sức… chạy theo. Để không mãi là kẻ chạy theo, khi trào lưu này, lối sống nọ, câu trả lời dễ mà khó. Đó là sức mạnh nội sinh, là bản lĩnh văn hóa.