Cầu Ngói chợ Thượng có từ thời hậu Lê (thế kỷ 18), với kết cấu độc đáo: Trên là nhà, dưới là cầu (thượng gia, hạ kiều), liên kết với nhau bằng các phần cầu dưới, phần kết cấu khung gỗ và hệ mái bên trên. Năm 2012, cầu Ngói chợ Thượng được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Năm ngoái, di tích này được Bộ VH,TT và DL hỗ trợ 200 triệu đồng để tu sửa phần mái đã xuống cấp. Tuy nhiên sau đó, người dân thôn Thượng Nông đã huy động các nguồn xã hội hóa và tự ý bóc các đường phào, chỉ giả cửa ở hai bên đầu cầu để trát lại rồi sơn giả đá, đồng thời thay thế các bậc lên xuống đã cũ, không báo cáo UBND xã và Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Nam Định theo quy định.
Hồi đầu tháng 2, Hội đồng Kỷ luật huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) đã quyết định xử lý kỷ luật cảnh cáo ba cán bộ xã Thanh Yên liên quan vụ việc để chủ đầu tư xây chùa Linh Sâm xâm lấn đất bảo vệ di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đền Hữu (xã Thanh Yên). Trước đó, vào tháng 8-2019, một số người, tổ chức khởi công xây dựng chùa Linh Sâm trên diện tích khoảng 6.000 m2. Dự án có mức đầu tư dự kiến khoảng 30 tỷ đồng. Trong khuôn viên đền Hữu, công trình chùa Linh Sâm xây dựng xâm lấn trái phép vi phạm Luật Đất đai, Luật Di sản văn hóa, nhưng chính quyền địa phương dường như làm ngơ. Phải gần ba tháng sau thời điểm khởi công, khi báo chí lên tiếng về sai phạm, chính quyền xã mới ra văn bản đình chỉ thi công...
Đây không phải là hai vụ việc đơn lẻ trong tình trạng tu bổ, trùng tu di tích một cách ẩu tả, tự phát khiến di sản bị xâm hại thời gian qua. Tháng 8-2018, việc tu bổ đình Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cũng trở thành đề tài “nóng” trong dư luận. Đình Lương Xá là công trình được xây dựng từ thế kỷ 17 với những mảng chạm trổ tuyệt đẹp được xem như đỉnh cao về nghệ thuật kiến trúc thời bấy giờ đã bị phá đi, thay vào đó là kiến trúc bê-tông hóa. Tương tự, di tích quốc gia chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) cũng bị xâm hại trong quá trình trùng tu. Trụ trì chùa Bối Khê đã cho đập hai cổng ngách hai bên gác chuông của chùa để xây dựng mới, bất tuân pháp luật. Đáng nói là trụ sở UBND xã nằm đối diện ngôi chùa, và chính Ban Quản lý dự án của huyện Thanh Oai thực hiện lát gạch không phép nền sân đất của chùa, di chuyển cây xanh trong sân chùa và dựng lên những cột đèn chiếu sáng như ở công viên! Hay trước đó, dư luận từng bàng hoàng trước việc hàng loạt di tích mấy trăm năm tuổi bị xâm hại, như chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội) gần nghìn năm tuổi bị nhà chùa tự ý dỡ nhà tổ và gác khánh để xây mới khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép... Thực tế gây bức xúc là hầu như tất cả các vụ việc trùng tu, tu bổ di tích là đình, chùa kiểu tự phát này chỉ được chính quyền sở tại phát hiện khi đình, chùa cổ đã bị hạ giải, các kiến trúc cổ đã bị phá hủy. Khi chủ đầu tư bị “tuýt còi”, công trình bị đình chỉ thi công thì đình, chùa cổ kính chỉ còn là công trình dở dang, ngổn ngang. Mặc dù, từ nhiều năm nay, các quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cũng như điều kiện hành nghề tu bổ, phục hồi di tích đã được Chính phủ và Bộ VH,TT và DL quy định chặt chẽ hơn, nhằm nâng cao chất lượng tu bổ di tích, tăng nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng về di tích, ngăn chặn nguy cơ xâm hại di sản… thế nhưng thực tế lại chưa được thực hiện nghiêm.
Các chuyên gia văn hóa di sản tiếp tục cảnh báo về “thảm họa tu bổ, trùng tu di tích” khi mà nhận thức về di sản của không ít người có trách nhiệm ở cấp cơ sở chưa “đến nơi đến chốn”. Bởi vì tu bổ khác hẳn tu sửa. Tu sửa chỉ lo phần vỏ vật chất bên ngoài, không chú tâm vào giá trị tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử của công trình. Điều đó dẫn đến việc các chủ đầu tư coi các kiến trúc cổ là “mỏ vàng” để kiếm lợi cho nên thản nhiên bán lại dự án cho “sân sau”- đơn vị thi công tôn tạo, di tích nào đó. Và đơn vị thi công coi việc tu bổ di tích đơn giản là tu sửa để ngang nhiên hạ giải và sửa chữa di tích một cách bừa bãi, không tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa. Tình trạng trùng tu sai, trùng tu ẩu diễn ra muôn hình vạn trạng, luôn trở thành “sự đã rồi”, rốt cuộc chỉ có di sản mất đi mà không mấy ai phải chịu trách nhiệm.
Do vậy, các địa phương, cộng đồng dân cư khi tu bổ di tích cần phải báo cáo, xin phép các cơ quan có thẩm quyền; thuê chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực di sản văn hóa tham vấn để không làm mất đi các giá trị ban đầu của di tích. Nhưng trước hết, chính quyền cơ sở và cán bộ chuyên ngành văn hóa cấp xã, phường, nơi gần nhất với di tích, di sản, cần sớm nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ di sản, pháp luật về di sản thì mới mong có thể ngăn chặn hiệu quả tình trạng tu bổ thành… xâm hại di sản.