Và cũng tự an ủi trong bối cảnh tự coi là ngặt nghèo, giam hãm trăm bề của những kẻ… lấy văn phòng làm nơi trú ẩn! Rằng những chuyến đi ngắn, ở khoảng cách gần, trong phạm vi vừa phải, như lượn phố xá, như rẽ qua làng, hình như đôi khi lại hơn cả mong đợi, mở ra cho ta vài điều bất ngờ thú vị. Ngả rẽ nhỏ bên cạnh những con đường lớn lao, có khi lại cho ta gặp người, gặp chuyện nào đó khiến mình nhớ lâu!
Như cái lần nhân về làng Lim xem nghệ nhân Nguyễn Năng Địch dạy học sinh trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Bắc Ninh hát chèo Chải hê, tình cờ tôi đọc được tờ báo tỉnh hơi cũ có bài về ông xích lô hát quan họ tên là Cương ở trên thành phố, đã bỏ công bao năm sưu tầm được mấy trăm bài. Hay thế chứ, tôi tìm lên ngôi nhà trong phố vốn là làng xưa, người nhà nói ông vừa sang bên Đặng Xá tập hát, đấy là làng quan họ gốc nằm ở chỗ giáp thành phố với huyện Yên Phong, hồi đó còn là làng, “biên chế” ở huyện chứ chưa lên phường như bây giờ. Tìm đến một nhà, nhưng ông Cương không đến đấy, ông đi đâu chả biết nữa, thôi vậy! Người phụ nữ chủ nhà thân tình trò chuyện, bà gầy guộc và lịch thiệp, bà Kim Quýnh, chủ nhiệm CLB quan họ Đặng Xá. Câu chuyện thong thả kể về tháng năm ròng rã bà cùng với người chồng đã quá cố, vì tiếc xót quan họ làng Đặng rơi rụng mà lúc nghỉ công tác trong quân đội, hai vợ chồng đã có tuổi rong ruổi đạp xe với cái đài cát sét to tướng, lần các nẻo làng quan họ gốc học các cụ nghệ nhân. Để rồi vốn liếng bài bản có đủ thì gây dựng CLB này, “rủ” được nhiều bạn trẻ, nhiều cặp sau thời gian rèn tập ở đã giành huy chương vàng, bạc trong những dịp thi hát đối đáp đầu xuân của tỉnh.
Một chiếc cổng đá cũ tuyệt đẹp ở làng Long Châu, xã Phụng Châu, Chương Mỹ, Hà Nội
Quen nơi Đặng Xá ấy, tôi có một chốn đi về quan họ để lâu lâu thường vào dịp cuối năm dương lịch hay giáp Tết cổ truyền, lại được lắng những cảm tình của nghệ thuật ca hát và mối giao thiệp ngọt ngào trong những cuộc CLB hát đón bạn báo chí, bạn văn chương, bạn nghiên cứu… Từ ngôi nhà ở vị trí rất đẹp gần chân dốc Đặng của bà chủ nhiệm Quýnh, tôi đưa bạn bè đi thêm vài cây nữa, vào làng Diềm thăm đền thờ Vua bà thủy tổ quan họ, có những lần chơi chỗ này chỗ khác trong phố xá Bắc Ninh cũng từ làng mà lên, cũng là những chỗ níu kéo ân tình, cũng sẵn sàng rung lên câu hát có tuổi trăm năm, có tuổi một đời, nửa đời người, để bạn nghe ngỡ ngàng như lần đầu trải nghiệm.
Những tình cờ nhưng hình như có đưa đẩy của ngẫu nhiên như thế, cũng không quá ít đâu trong đời sống mỗi người đang cần có đổi khác, tươi mới này. Lẽ dĩ nhiên còn phụ thuộc vào người ta có nhận được hay không thấy gì đó cuốn hút, thú vị đối với mình. Tôi hay lang thang theo sông Nhuệ xuống mấy làng ở phía dưới Tả Thanh Oai quê ngoại, Thượng Phúc và Siêu Quần, đó là ba thôn của xã Tả Thanh Oai của huyện Thanh Trì, Hà Nội. Sông bao năm nay chẳng còn trong sạch nữa, nhà cổ, nhà cũ giao thoa kiến trúc Pháp cũng bay biến đi nhiều, nhưng đâu đó những hơi hướng đượm vẻ cổ xưa, những nghĩ suy còn nét lung linh văn hóa truyền thống vẫn chờ đợi và cởi mở. Lần nọ ngày mùng 2 Tết bỗng gặp ngôi đền ven sông làng Thượng Phúc, từng chùm rễ si rủ xuống gió ấm lạnh đầu năm, ông từ ngồi lặng lẽ. Niềm thành kính trầm lắng trong những con người ấy dung dị lan tỏa như khiến cho ai bước chân vào cũng tự thấy phải sửa mình. Nước trà đầu xuân thoảng mùi hoa hòe, ông từ thực ra cũng chưa già lắm, tóc mới lốm đốm thời gian, nhưng huyền tích dân gian vẫn luôn được thắp trong lòng như từ lâu lắm rồi và rất hân hạnh kể cùng mỗi khách lạ ghé thăm. Ông bảo, đây là một trong những điểm thờ vua Lê Hoàn, năm xưa ngài đã qua đây, cho quân lính dừng chân nghỉ ngơi, có thần báo mộng sẽ phù trợ đoàn quân đánh tan giặc dữ. Giấc mơ quả linh nghiệm!
Chuyện xưa hư ảo, ông từ kể lại lời truyền đời bao lớp người làng có thể đã nghìn năm mưa nắng, khuôn mặt tươi tắn, rạng rỡ như chính mình chen trong đám đông nô nức đi đón vua hôm qua. Trong ngôi đình Hoa Xá làng Tả Thanh Oai quê ngoại tôi cũng thế, ngày hội làng đúng Nguyên tiêu, tôi đứng một bên xem các cụ kính cẩn từng bước đi, từng lượt quỳ gối, từng nhịp vái dâng hương, dâng trà, dâng rượu… trong tiếng hô trịnh trọng của ông chủ tế. Đình thờ vua Lê Hoàn, cách đó không xa còn có di tích dựng lên chỗ năm xưa ngài dừng chân xem diễn trò, gọi là Minh ngự lâu. Hồi bé tôi hay theo các anh chạy chơi qua, khi nơi này gần như hoang phế, chỉ thấy dưới những xà cột chạm trổ bám đầy mạng nhện là những dãy bàn ghế bằng xi măng được đắp lên để làm lớp học. Bây giờ thì ở đấy lại trở về hương khói, người ta đã sửa sang, tô vẽ khang trang. Từ đường làng, đầu ngõ dẫn vào đó có tấm biển “Minh ngự lâu”, đầu năm về quê, tôi đi chùa Thắm ở trong ngõ và nghĩ về những cuộc đổi rời.
Cũng một chốn quê, nơi không ràng buộc, không gốc gác, nhưng lại như đợi mình đến. Bạn Xuân Cao, chuyên viên bảo tàng Nam Định đưa tôi đi tìm nhà nghệ nhân – nghệ sĩ rối nước Phan Văn Mẽ làng Rạch, xã Hồng Quang, quanh co men sông nhỏ, một bên là đồng rộng và vườn tược Nam Trực, xa xa nối nhau dựng lên những tháp chuông. Ông Mẽ mê mải bên những quân rối xếp ngoài sân, ông phải bỏ rối ra khỏi hòm để như thế cho nó “hả”. Tôi thích cái cách ông trưởng đoàn rối Thành Nam này, hình như là đoàn rối tư nhân đầu tiên của Nam Định, nói về sự tìm đường cho rối nước cổ truyền, cũng là tìm kế mưu sinh cho chính mình, truyền nhân đời thứ sáu của một “dòng họ rối” mà ông nội, ông thân sinh và chính ông Mẽ từng là trưởng phường rối nước dân gian làng Rạch. Nhưng tập thể khó làm việc, mình phải tự làm, tự lo, tự chịu thì mới khá được. Ông lập đoàn rối riêng, trò rối cổ và chế tác rối vốn đã thạo từ bé, lại sáng tác thêm vài trò mới, thiết kế thêm cái thủy đình mini và lắp bể nước di động, trong họ đã có những người em, người cháu quen nghề rối… Thế là đủ “quân”, ông đi “chào hàng” tại các trường, các cơ quan, địa bàn thôn, xã và bảo tàng tỉnh. “Chào” ở Nam Định, ông còn “chào” sang Thái Bình. Ông mở website, ông lập facebook. Nhờ hăng hái thế, đoàn rối đi diễn được mấy chục buổi một năm, gần giảm, xa tăng chi phí hợp đồng, thuê xe chở đồ, chở người, cả nhóm ăn uống nghỉ ngơi đàng hoàng, thù lao khá, cầm đồng tiền mà thấy… tự tin! Hay thế đấy, ở góc quê nhưng ông làm đươc một kiểu dịch vụ biểu diễn, một cách lan tỏa và “hàng hóa hóa” nghệ thuật cổ truyền. Có lẽ, phường rối dân gian sở tại, và cả những phường rối các nơi khác nữa, sẽ nghĩ về ông Mẽ nhiều hơn, về cách để giúp những nét quê mùa qua bao trăm năm có cơ hội sống tốt hơn, tồn tại lâu bền hơn cùng hiện đại.
Một làng, hai làng, nhưng xóm, những thôn, cuối rặng tre này lại “mọc” ra một ao sen hay mái đình khác, đứng bên rặng nhãn đã thấy thấp thoáng bên kia cánh đồng một tháp chuông hắt nắng lấp lánh. Những làng quê quanh ta cứ mở ra như thế, vô cùng. Chúng ta đi những con đường đã nghìn năm được vun bồi phù sa, những vùng đất đã mơ hồ đan dày trăm nghìn dấu chân thế hệ, để càng thấy mình gần hơn cội rễ. Những đường dẫn thẳng vào dưới cổng làng lở lói. Những đường ngõ gạch xiên xiên còn sót lại dẫn qua góc bếp um khói. Những đường mương nối nối phi lao trọn đời nghiêng trong gió. Những ngả rẽ từng ô từng thửa xa xa nhấp nhô gò đống. Những đường mới băng băng ruộng hoa, ruộng rau mướt mát… Những đường quen, những đường lạ nhưng gặp rồi như đã thấy thuở nào, đường đưa ta rong ruổi cho mình thấy hãy đi để đến nhiều hơn.