Chúng ta lại mất đi một nhà văn lớn, một cây đại thụ không chỉ của thành phố Hồ Chí Minh, của vùng đất Nam Bộ mà còn của cả nước. Sự ra đi đột ngột của ông vào lúc 21 giờ 15 phút đêm 21-8-2014 đã để lại trong chúng ta cảm giác bàng hoàng và niềm tiếc thương sâu sắc.
Nhà văn Anh Ðức tên thật là Bùi Ðức Ái, sinh ngày 5-5-1935 tại xã Bình Hòa, Châu Thành, An Giang, nơi như văn ông miêu tả "hầu như đêm ngày được ru trong tiếng gió và sóng Cửu Long Giang, trong tiếng chim hót từ các khu vườn, trong tiếng xào xạc của ruộng lúa". Tuổi thơ ông được nghe "tiếng hát ru, tiếng võng đưa kẽo kẹt giữa trưa yên tĩnh, và trong mỗi buổi chiều tà in hình từng đàn cò trắng lả cánh bay về". Quê hương thân yêu trở thành nguồn sữa vô tận cho những trang viết say đắm của ông sau này.
Anh Ðức tham gia cách mạng từ sớm. Mới 13 tuổi, được sự dìu dắt của các anh, chị trong gia đình, ông tham gia kháng chiến, và trở thành cán bộ biên tập Báo Nhân dân miền Nam, Báo Cứu quốc Nam Bộ. Với tình yêu văn chương và tài năng của người viết trẻ, ông bắt đầu viết phóng sự và truyện ngắn, từ khi 17, 18 tuổi; đến năm 1952, tập truyện đầu tay của ông, mang tên Biển động ra đời đã được tặng Giải thưởng văn nghệ Cửu Long. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, tập kết ra bắc, ông công tác tại Ðài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, rồi chuyển sang Hội Nhà văn làm biên tập viên Báo Văn nghệ. Ðây cũng là thời gian tài năng của ông bắt đầu vào độ chín và thu nhận được nhiều bài học làm nghề. Với truyện ngắn Con cá song, ông được trao giải nhất cuộc thi của Tạp chí Văn nghệ của Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Tiếp theo là truyện dài Một chuyện chép ở bệnh viện ra đời, được chuyển thành phim, mang tên là Chị Tư Hậu, và sự cộng hưởng của hai thể loại, tác phẩm gây được tiếng vang lớn trong đời sống xã hội. Ông trở thành một tên tuổi nổi bật trong các văn nghệ sĩ đương thời.
Là nhà văn - người con của quê hương Nam Bộ, sống trong cảnh đất nước cắt chia, ông khao khát được trở lại chiến trường miền nam trực tiếp công tác, sáng tác nơi tuyến đầu lửa đạn. Và cuối năm 1961, ông là một trong những nhà văn lớp đầu tiên vượt Trường Sơn về nam để đến với bà con cô bác, đồng bào, đồng chí đang đêm ngày đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, và xây dựng nền văn nghệ giải phóng non trẻ.
Anh Ðức là con người của những suy nghĩ lớn. Những trang viết của ông gắn bó và phản ánh sâu sắc những vấn đề trọng yếu của kháng chiến. Ông luôn luôn có ý thức dùng ngòi bút của mình phục vụ sự nghiệp cách mạng của đất nước, dân tộc. Thông qua cuộc đời những con người thật, những vẻ đẹp thật, ông đã xây dựng, khái quát nên những điển hình về người chiến sĩ hay quần chúng cách mạng, thành nguồn sáng, thành sức mạnh, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu trong những năm tháng gian nan và xây đắp niềm tin vào thắng lợi của cách mạng.
Ông luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ. Những trang bút ký, truyện ngắn trong Bức thư Cà Mau và Giấc mơ ông lão vườn chim; trong tiểu thuyết Hòn đất và Ðứa con của đất đều bắt nguồn từ những chuyến thâm nhập thực tế ác liệt, nhưng đó cũng là những tác phẩm đặc sắc, có tầm tư tưởng cao, phản ánh chân thực và sinh động cuộc chiến đấu gian khổ và hào hùng của miền nam tuyến đầu chống Mỹ.
Ông thường quan niệm cái đẹp có giá trị hướng người ta vươn tới những hành động cao cả. Bởi vậy trong sáng tác, dù đang trong những ngày kháng chiến hay sau khi đất nước đã hòa bình, ngòi bút của ông vẫn chủ yếu hướng về cái tốt đẹp, bình thường và chân chất, nhưng được ông chăm chút, nâng niu, cùng với chất trữ tình thắm thiết của tâm hồn làm cho những trang văn lấp lánh cái đẹp có sức lay động và chinh phục lòng người. Truyện ngắn của ông như thế, mà tiểu thuyết của ông cũng thế.
Ông được Ðảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách. Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông là Trưởng ngành văn của Hội Văn nghệ giải phóng, kiêm Tổng Biên tập Văn nghệ giải phóng. Sau ngày đất nước thống nhất, ông là đại biểu Quốc hội khóa VII, là Phó Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa V và khóa VI, Ủy viên Ðoàn Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam khóa VI. Ông là Bí thư Ðảng đoàn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban Thư ký Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Tổng Biên tập Tạp chí Văn và Kiến thức ngày nay. Những trọng trách nặng nề ấy chi phối nhiều tâm sức, nhưng ông luôn làm tốt trách nhiệm của người lãnh đạo, đồng thời vẫn giữ được lửa bền bỉ cho ngòi bút sáng tạo với nhiều tập truyện ngắn, bút ký, tiểu thuyết. Ông có nhiều trang hồi ức chân thực và cảm động, nhắc nhớ về những ngày kháng chiến, khẳng định giá trị cao đẹp của văn học cách mạng trong dòng chảy văn học dân tộc, đồng thời gợi mở những suy nghĩ về nghề cầm bút và trách nhiệm của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ, trong đó nhiều kiến giải sâu sắc về lao động sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực văn chương.
Anh Ðức là một tấm gương lao động đáng khâm phục. Cùng với tài năng thiên bẩm, ông luôn tích cực hòa mình trong đời sống của nhân dân, lấy đó làm sức sống lâu bền cho ngòi bút của mình. Trưởng thành trong môi trường kháng chiến nhiều khó khăn, ông nêu cao tinh thần tự học, chan hòa cùng quần chúng, khiêm tốn lắng nghe, để nâng cao trình độ nghề nghiệp.
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp chung, đồng chí Bùi Ðức Ái - nhà văn Anh Ðức đã được Ðảng và Nhà nước trao tặng Huy hiệu 55 năm tuổi Ðảng, Huân chương Ðộc lập hạng nhì, Giải thưởng văn học Nguyễn Ðình Chiểu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1965; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000 và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Nhà văn Anh Ðức ra đi khi bước vào tuổi 80, và mặc dù ít năm gần đây tuổi già và bệnh tật không cho ngòi bút ông sáng tạo thêm nữa, song nhìn lại con đường mà ông đã đi, sự nghiệp mà ông gặt hái được qua một đời hoạt động và lao động, bản thân ông và chúng ta có quyền tự hào về tấm gương của một nhà văn - chiến sĩ kiên trung, giàu nhiệt tình sáng tạo, một trí tuệ sản sinh ra những tác phẩm có giá trị lâu bền đóng góp vào sự nghiệp văn học cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. Sự nghiệp ấy, các giá trị ấy còn mãi cùng chúng ta cũng như các thế hệ bạn đọc hôm nay và mai sau.