Đọc lịch sử trà qua “Chuyện trà”

|

NDO - Trần Quang Đức là cái tên quen thuộc với độc giả qua tác phẩm khảo cứu “Ngàn năm mũ áo”. Mùa xuân năm nay, anh trở lại với một bộ sách dày công nghiên cứu khác là “Chuyện trà-Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt”, được xây dựng từ những tư liệu phong phú, không chỉ của khu vực châu Á, của Việt Nam, mà còn từ những nguồn tư liệu châu Âu…

“Chuyện trà-Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt” qua con mắt của Trần Quang Đức, là đầy đủ cả một hành trình từ lịch sử đến hiện đại, từ phương Tây sang phương Đông, từ thuở sơ khai dân dã cho đến hình thái tinh xảo dụng công. Trà, hơn bất kỳ một thứ ẩm thực nào, có một bề dày lịch sử và bề rộng phát triển. Vượt qua tất cả các giới hạn về không gian và thời gian, trà ngày nay vẫn kết nối con người trong một thế giới tinh thần dung dị, khiến những dao động trong lòng ta dần chậm lại, nhịp nhàng hơn, tiến tới một sự cân bằng thật đẹp.

Trần Quang Đức cho biết, anh chọn cái tên giản dị và gần gũi nhất có thể cho cuốn sách. Nhưng cầm cuốn sách khổ lớn trên tay, với độ dày lên tới 341 trang, dày đặc các tư liệu khảo cứu từ cổ chí kim, từ đông sang tây, mới thấy độ kỳ công của tác giả đến thế nào. 

“Chuyện trà-Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt” là cuốn cẩm nang về trà được viết dựa trên sự khảo chứng, đối chiếu với sử liệu Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây. Không chỉ mang tính khảo cứu, cuốn sách là sự hài hòa giữa sử liệu và những suy ngẫm của tác giả về chuyện xưa, chuyện nay cùng những thế thái nhân tình qua lá trà. 

Cuốn sách dẫn dắt độc giả đi từ Trà nguồn cội-giống cây, tên gọi, thú vui uống trà, lần lượt qua Trà mộc mạc, Trà hương sắc-từ lối uống cổ truyền dân dã đến những hình thái tinh xảo của trà, chậm rãi bước đến Trà thưởng thức-về cách pha hãm và dụng cụ trà, và kết lại ở Trà tinh thần-những kết nối quanh chén trà. 

Sách còn có phần phụ lục “Thưởng trà giai phẩm tuyển” gồm những áng văn thơ hay viết về trà của người Việt là một tư liệu quý, thỏa mãn độc giả yêu trà và mong muốn tôn vinh trà Việt. Kết hợp tinh thần khách quan, cái nhìn phóng khoáng và giọng kể thâm trầm, “Chuyện trà” đưa người đọc vào với thế giới trà một cách tự nhiên và khiến ta quyến luyến mãi trong thế giới dung dị đó.

Trần Quang Đức cho biết, văn hóa trà Việt Nam có sức sống mạnh mẽ, không chỉ hiện nay mà còn nhiều năm về sau. Trước đây, gần như chỉ có duy nhất một loại trà Thái Nguyên, nhưng bây giờ trà Việt đã có rất nhiều loại, nhiều dòng trà mới đang được nghiên cứu và phát triển.

“Chuyện trà” còn cung cấp thêm nhiều thông tin về lịch sử của trà ở Việt Nam thông qua những sử liệu chi tiết mà tác giả thu thập được, và làm rõ thêm bằng những kiến giải, so sánh với lịch sử trà ở Trung Hoa. Những câu chuyện thú vị về kỹ thuật pha chế cùng cách thưởng trà của cha ông ta cũng được Trần Quang Đức kể lại thật hấp dẫn. 

Không chỉ dừng ở việc cung cấp kiến thức, tác giả còn tuyển chọn những câu chuyện của người xưa thưởng trà, có thể kể đến như Nguyễn Trãi, Lê Hữu Trác, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Đình Hổ, Cao Bá Quát… Câu chuyện của những nhân vật đặc biệt này khiến “Chuyện trà” thêm phần đặc sắc, như một tách trà ngọt dịu, chát nhẹ, thanh mát và thật tròn vị.

Tác giả chia sẻ, phần tư liệu được anh sưu tầm, tìm đọc từ nhiều năm nay. Tại nhiều thư viện, có nhiều tư liệu được số hóa, tiện lợi cho người đọc. Nhưng cũng có những tài liệu anh tìm kiếm rất công phu. “Việt Nam không có nhiều tư liệu cổ, không chỉ trà mà còn cả cổ sử nói chung, không có những trước tác viết về trà. Mãi đến thời Pháp mới lác đác có sách viết riêng về trà”.

Trần Quang Đức sinh năm 1985 tại Hải Phòng. Năm 2013, Nhã Nam xuất bản công trình đầu tiên của anh là bộ sách, cung cấp những nét phác họa chi tiết hơn về lịch sử trang phục Việt Nam, đồng thời thổi một luồng gió mới, góp phần thúc đẩy phong trào cổ phục cũng như cổ phong trên cả nước. Từ đó đến nay, anh vẫn luôn giảng dạy Hán Nôm và tư tưởng phương Đông, truyền đam mê lịch sử và văn hóa truyền thống cho người học nhiều lứa tuổi.

Trần Quang Đức cũng là dịch giả của các tác phẩm “Trà kinh” (2008), “Chuyện tình giai nhân” (2011) và “Trường An loạn” (2012).  

Tác giả cho biết, “Chuyện trà” được anh khởi thảo vào đầu năm 2020, trong đợt giãn cách xã hội đầu tiên diễn ra trong cả nước. Sau nửa năm, cuốn sách tạm gác bởi dịch Covid-19 trong nước được khống chế, việc dạy, việc nhà choán hết thời gian. Tới tháng 5/2021, khi dịch bùng phát trở lại, anh đã lên Đà Lạt một thời gian để tập trung hoàn thành cuốn sách.

Với Trần Quang Đức, trà là một thế giới đầy hương sắc và không ngừng biến động.