Xe vi phạm giao thông cả trăm, ngàn lần: Do thiếu quy định?

|

Bất chấp các quy định pháp luật cùng các cơ quan thực thi nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông (cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông đến chính quyền địa phương), nhiều phương tiện, nhất là các xe khách ngang nhiên chạy bạt mạng trên các tuyến đường. Sau mỗi vụ tai nạn là những nỗi đau xé lòng của nhiều gia đình.

Xe bị tước phù hiệu, 2 ngày sau được cấp mới

Số liệu do Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cung cấp cho thấy tình trạng vi phạm tốc độ của nhiều hãng xe khách như là chuyện... bình thường. Trong đó, có nhiều trường hợp vi phạm tốc độ hàng trăm lần trong một tháng, như xe mang biển kiểm soát 49F-007.53 vi phạm 297 lần, xe 49B-014.20 vi phạm 208 lần, xe 49F-005.63 vi phạm 201 lần (Công ty TNHH Hà Anh Tuyên vi phạm); xe 51B-294.12 vi phạm 228 lần (Công ty TNHH Thành Bưởi); xe 49H-004.38 vi phạm 173 lần (HTX Vận tải Di Linh); xe 49B-018.43 vi phạm 254 lần, xe 49B-013.70 vi phạm 186 lần, xe 49B-018.44 vi phạm 291 lần, xe 49B-013.70 vi phạm 199 lần (Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Nhật Đoan)…

Xe tải 49H-022.32 lấn sang làn ngược chiều để vượt lên ở đoạn đường có vạch kẻ liền trên quốc lộ 20, đoạn qua xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Đối tượng vi phạm thường là các xe khách đường dài, xe tải chở hàng liên tỉnh. Trong số này có xe 49B-010.98 của Công ty TNHH Điền Linh, trong tháng 5-2023 vi phạm tốc độ 509 lần sau chặng đường 18.891km, sang tháng 6-2023 tiếp tục vi phạm 192 lần sau khi di chuyển chặng đường 8.500km. Phương tiện này bị thu hồi phù hiệu trong 2 tháng liên tiếp.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, thời gian qua dư luận xôn xao vì vi phạm của các hãng xe khách về tốc độ bị thiết bị giám sát hành trình do Cục Đường bộ Việt Nam phát hiện. Trong tháng 1-2023, 12 xe khách của hãng xe Việt Thắng vi phạm tốc độ đến 6.131 trên tổng quãng đường 12.348km. Từ tháng 4-2023, hàng loạt xe khách của nhà xe này bị Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi tước phù hiệu. Nhưng sau đó, các xe khách của nhà xe này tiếp tục hoạt động và tái diễn các vi phạm về tốc độ.

Không chỉ nhà xe Việt Thắng, trích xuất dữ liệu giám sát hành trình đầu năm 2023 còn phát hiện nhiều phương tiện của hãng xe khách khác cũng vi phạm tốc độ như: Công ty TNHH Xe khách miền Trung có 12 xe khách vi phạm tốc độ 1.539 lần; Hợp tác xã Dịch vụ vận tải miền Trung có 23 phương tiện vi phạm 3.800 lần; Công ty CP Bến xe Quảng Ngãi có 8 phương tiện vi phạm 2.360 lần…

Ông Võ Quang Vũ, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, cho biết, các trường hợp chỉ cần tăng tốc vượt quá tốc độ cho phép thì ngay lập tức thiết bị giám sát hành trình trên xe sẽ tự động ghi lại. Sau khi khắc phục xong các lỗi, các chủ phương tiện đăng ký phù hiệu mới cho phương tiện mới được khai thác kinh doanh vận tải trở lại.

Tuy nhiên, hiện quy định về thủ tục cấp mới phù hiệu xe vận tải khá đơn giản nên các chủ phương tiện chỉ cần đăng ký trên hệ thống trực tuyến, tối đa trong 2 ngày là có thể có được phù hiệu mới.

Ông Nguyễn Phong, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết thêm, việc xử lý xe khách vi phạm tốc độ hiện thực hiện theo Nghị định 10/2020 của Chính phủ. Theo đó, các phương tiện có 5 lần vi phạm tốc độ/1.000km sẽ bị tước phù hiệu không thời hạn.

“Tuy nhiên, mâu thuẫn nằm ở quy định tước phù hiệu không thời hạn. Chúng ta không có quy định rõ tước phù hiệu thời gian bao lâu, trong khi các nhà xe lâu nay họ thực hiện việc xin cấp phù hiệu trực tuyến liên tục. Sau khi bị tước phù hiệu thì vài hôm họ xin cấp lại phù hiệu, nếu cơ quan quản lý không cấp thì sai quy định, bị họ kiện rất khó xử”, ông Phong nêu nghịch lý.

Phóng viên truy vấn: “Đối với trách nhiệm doanh nghiệp quản lý các phương tiện vi phạm, tại sao không xử lý mạnh tay như rút giấy phép kinh doanh?”. Ông Phong nói: “Không thể xử lý rút giấy phép được, bởi chưa có quy định, chế tài”.

Sai phạm đến đâu sẽ được xử lý đến đó

Về trách nhiệm của các bên liên quan trong việc để xảy ra các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải, dẫn đến các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, ông Uông Việt Dũng, Người phát ngôn Bộ GTVT, cho biết, hiện công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải đã phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Bộ có trách nhiệm xây dựng cơ chế chính sách, đôn đốc, nhắc nhở các địa phương tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực; tiến hành thanh tra, kiểm tra trong các trường hợp cần thiết.

Về trường hợp nhà xe một nơi, xảy ra tai nạn một nơi, trách nhiệm của các địa phương ra sao? Ông Uông Việt Dũng nói, việc xử lý trách nhiệm sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân tai nạn. Có những lỗi vi phạm trực tiếp xảy ra tại địa bàn nào thì cơ quan chức năng trên địa bàn đó xử lý. Với những lỗi vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải thì sau khi có kết luận của cơ quan điều tra, trách nhiệm sẽ thuộc về địa phương quản lý, cấp phép kinh doanh vận tải cho doanh nghiệp. Sai phạm đến đâu sẽ được xử lý đến đó, rõ ràng, minh bạch.

Tại công điện mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn phụ trách. Tất cả các vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra phải được xem xét, cá thể hóa, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT, Cục Cảnh sát giao thông, cho biết, hiện nay cảnh sát giao thông đang đẩy mạnh kiểm soát phương tiện theo kế hoạch của Bộ Công an. Trong quá trình kiểm soát, thống kê, theo dõi, Bộ Công an nhận thấy tình hình TNGT tuy có giảm nhưng còn diễn biến phức tạp, vẫn xảy ra nhiều vụ gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, thống kê cho thấy khoảng 30%-40% tổng số vụ TNGT xuất phát từ các phương tiện kinh doanh vận tải.

“Bộ Công an đang thực hiện kế hoạch tổng kiểm soát các phương tiện kinh doanh vận tải, trong đó tập trung vào xe khách và xe vận tải container. Hiện nay, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc triển khai điều tra, nắm bắt được các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn, trên các tuyến vận tải, loại hình vận tải, từ đó bố trí lực lượng, phương tiện để kiểm soát, xử lý phương tiện”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật thông tin.

Xe Thành Bưởi bị tước phù hiệu 246 lần, nhưng vẫn hoạt động

Ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ GTVT, cho biết, với nhà xe Thành Bưởi, Bộ GTVT giao cho Cục Đường bộ Việt Nam tiến hành thanh tra, kiểm tra nhưng trách nhiệm trực tiếp vẫn là của địa phương. Sở GTVT TPHCM là đơn vị cấp phép kinh doanh vận tải cho nhà xe này và có trách nhiệm quản lý, theo dõi, xử lý các vi phạm.

Trong quá trình kiểm tra, xử lý có vấn đề gì vướng mắc về cơ chế, chính sách thì báo cáo Bộ GTVT giải quyết. Về việc xe khách của nhà xe Thành Bưởi bị tước phù hiệu lên tới 246 lần vẫn hoạt động bình thường, đó là do có bất cập trong quy định.

Tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định, vi phạm tốc độ thì thu hồi phù hiệu nhưng không nói thu hồi bao lâu, do đó doanh nghiệp có thể được cấp mới ngay. Vấn đề này đang được xem xét, khắc phục trong quá trình sửa đổi nghị định và các thông tư liên quan, theo hướng có chế tài mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, từ việc thu hồi giấy phép cho đến cấm vĩnh viễn kinh doanh trong lĩnh vực vận tải.

BÍCH QUYÊN

Kiến nghị lắp đặt dải phân cách ở giữa toàn tuyến quốc lộ 20

Trên quốc lộ 20 có nhiều điểm đen về TNGT. Mới đây, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp bảo đảm ATGT. Theo đó, tỉnh kiến nghị lắp đặt dải phân cách giữa trên toàn tuyến quốc lộ 20, bổ sung hệ thống chiếu sáng bên hướng tuyến còn lại, nhằm hạn chế TNGT do xe đối đầu nhau vì các phương tiện vượt không đúng quy định.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị tăng cường sửa chữa hư hỏng mặt đường, khôi phục các vạch sơn mòn mờ để tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho người tham gia giao thông. Đồng thời, ngành chức năng sớm triển khai Đề án lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính theo theo quy định trên tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong đó ưu tiên quốc lộ 20 và quốc lộ 51.

HOÀNG BẮC

Lâm Đồng: Thi tuyên truyền lưu động về an toàn giao thông

Đảm bảo an toàn giao thông đường bộ và đường thủy ở TPHCM