Đình Quang Húc là một kiến trúc đẹp, có tuổi đời khoảng 300 năm. Như một tất yếu, thời gian làm đình hư hại, và cần phải tu bổ. Tháng 3-2014, dư luận đã choáng váng khi phát hiện ra vô số sai phạm trong quá trình thi công của ngôi đình. Người ta tự tiện đưa thêm nhiều chi tiết, nhiều cấu kiện mới toanh, hoàn toàn không có trong thiết kế vào công trình. Không những thế, những hàng cột đình được dựng không đều, hở mộng... Mặc dù qua kiểm tra, các cơ quan chức năng kết luận rằng việc hở mộng ở các đoạn kết nối giữa cột với các cấu kiện khác là "chưa bảo đảm mỹ thuật", nhưng điều này không thuyết phục được người dân, người dân vẫn cho rằng chúng được làm không đúng số đo và đơn vị thi công tìm cách che đậy điều này bằng bôi trét keo cẩu thả.
Người dân xã Đông Quang đã cả mừng khi ngay sau đó, UBND huyện Ba Vì và các cơ quan chức năng chỉ đạo khẩn trương khắc phục những sai phạm. Nhưng người dân đã... mừng hụt. Có rất nhiều vấn đề mà đơn vị thi công đang làm sai nguyên tắc. Đơn vị thi công tự ý đưa ra đề xuất biện pháp thi công không giống ai, cũng chưa hề có tiền lệ trong việc trùng tu di tích ở Việt Nam.
Trước đây chân cột đình xiêu vẹo, mộng mạng không ăn khớp với nhau. Khi căn chỉnh lại chân cột cho khớp mộng mới phát hiện ra một số cột đình bị cắt chân quá ngắn, dẫn đến hiện tượng cột đình bị "treo chân", cá biệt có những cột bị ngắn những hơn 10cm.
Nhiều cây cột gỗ bị tiêu tâm nghiêm trọng.
Trong khi tìm biện pháp khắc phục tình trạng cột ngắn cột dài này, thì người dân đã phát hiện ra hầu hết các cột đình đều đã tiêu tâm (vậy mà suýt nữa nó được khánh thành, nếu không có việc người dân phát hiện ra những sai phạm kể trên). Cá biệt, có cột tiêu đến độ vừa một người chui vào trong. Gỗ trong cột đã mủn hết, bóp nhẹ là nát vụn. Vậy mà người dân địa phương cho biết, không hiểu các cơ quan chức năng đã đánh giá hiện trạng thế nào mà trong quá trình trùng tu (trước đây) chỉ duy nhất một chiếc cột được xử lý. Tuy nhiên, cách xử lý của đơn vị thi công đã thất bại hoàn toàn khi đến nay bản thân cột ấy vẫn đang xuống cấp, gõ thân vẫn kêu bồm bộp, nguy hại hơn cột này còn đang nứt dọc, có xu hướng toác ra.
Nói về quy trình này, ông Lê Thành Vinh – Viện trưởng viện Bảo tồn Di tích khẳng định: “Nhà thầu thi công không thể tự đưa ra phương án khắc phục. Cần phải thực hiện đúng quy trình: đơn vị tư vấn thiết kế sẽ phải căn cứ vào hiện trạng thực tế tại thời điểm này của ngôi đình để đưa ra phương án xử lý thích hợp. Nếu phương án đó khác nhiều so với thiết kế trước đây thì phải thẩm định, phê duyệt lại. Thực trạng của ngôi đình sẽ nói lên việc có cần thiết phải hạ giải để tu bổ hay không, chứ không phải theo chỉ đạo của các cấp quản lý. Đây không phải là việc thuộc vấn đề mệnh lệnh hành chính, mà là việc của khoa học với mục tiêu tối thượng là gìn giữ di sản. Nhiệm vụ của nhà thầu thi công là thực hiện theo thiết kế đã được thống nhất hoặc phê duyệt. Cần nói thêm rằng, phải có hồ sơ thiết kế thì đơn vị giám sát mới có cơ sở, căn cứ để giám sát việc thực hiện của nhà thầu thi công”.
Tuy nhiên, từ khi xảy ra chuyện ngôi đình bị trùng tu sai, dẫn đến thảm họa trùng tu như hiện nay, thì trên thực địa của di tích, chúng tôi chưa hề thấy bóng dáng của đơn vị tư vấn thiết kế, đánh giá hiện trạng đình và đưa ra giải pháp khắc phục. Mọi việc khắc phục hậu quả hiện nay đều do đơn vị thi công tự ý làm, và người dân tham gia giám sát.
Nhưng việc giám sát của người dân cũng rất hạn chế vì không ai trong số họ nắm được quy trình kỹ thuật cũng như được tập huấn giám sát. Mọi việc chỉ làm theo cảm quan, việc này rất nguy hiểm đối với một công trình có tầm cỡ quốc gia như vậy.
Về phía Ban Giám sát cộng đồng, có lẽ do cũng e ngại khi làm căng thẳng quá, nhà thầu sẽ “bỏ của chạy lấy người”. Do đó mới có chuyện đơn vị thi công đã đem ngôi đình này ra làm “thí nghiệm” trong việc xử lý tiêu tâm bằng cách thực hiện cắt khúc – đút lõi vào một số cột rỗng của đình này. Liệu những cây cột tiếp theo sẽ được xử lý thế nào?
Toàn bộ quy trình xử lý sai phạm do trùng tu ở đình Quang Húc đang có vấn đề. Vai trò của đơn vị tư vấn thiết kế gần như không có. Trong khi đó Phòng Văn hóa huyện Ba Vì lại làm thay cả vai trò của cán bộ giám sát kỹ thuật trùng tu để tiến hành đánh giá, nghiệm thu - một công việc thuộc chuyên môn Bảo tồn Di tích. Không hiểu họ có nắm được kỹ thuật trong việc đánh giá này, họ có đi học và được cấp chứng chỉ trùng tu cũng như họ có được giao nhiệm vụ đánh giá kỹ thuật này?
Về tác hại lâu dài của việc này, ông Lê Thành Vinh – Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho biết: “Tôi cho rằng biện pháp ấy không bảo đảm. Khi chúng tôi trùng tu đình Chu Quyến, các cột phải được hạ xuống, có cột phải bổ ra, từ đó mới thấy rõ thương tổn trong cột thế nào, đồng thời mới loại trừ hết được các phần gỗ đã hư hỏng, sau mới ghép lõi mới vào, giữa gỗ cũ và lõi mới phải được gắn kết với nhau thành một khối liền, đặc. Còn phương pháp mà nhà thầu đưa ra sẽ không làm sạch được thương tổn trong thân cột, khi đưa từng đoạn lõi mới từ dưới lên sẽ không khắc phục được việc có những khoảng hở bên trong, nó sẽ là tác nhân tạo ra khí ẩm bên trong và sẽ tiếp tục phá hỏng cột từ trong ra ngoài. Tóm lại nếu không hạ giải toàn bộ thì ít nhất cũng phải hạ giải cục bộ từng cột để xử lý triệt để, chứ không để nguyên cột như thế mà làm được”.