Xây dựng cơ chế thúc đẩy hợp tác quốc tế sản xuất phim

|

Những năm gần đây, mặc dù điện ảnh Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để hội nhập quốc tế và mở cửa chào đón các đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam nhưng hiệu quả thu được vẫn chưa cao. Vẻ đẹp thiên nhiên, bề dày văn hóa - lịch sử là lợi thế rất lớn nhưng chưa đủ để tạo ra những bước đột phá nếu thiếu cơ chế rõ ràng và hành lang pháp lý thuận lợi để khuyến khích, hỗ trợ hoạt động hợp tác sản xuất phim.

Xu hướng làm phim xuyên quốc gia

Với doanh thu phòng vé tăng từ 20 đến 25%/năm (theo Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam), Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng điện ảnh cao nhất thế giới. Bên cạnh đó, điện ảnh Việt Nam cũng ghi nhận dấu ấn hội nhập với việc tham gia nhiều liên hoan phim quốc tế có uy tín, ký kết các thỏa thuận hợp tác với nhiều nền điện ảnh tiên tiến… Tuy nhiên, thực trạng chung vẫn là khu vực điện ảnh nhà nước chưa thích nghi được tình hình mới, nhiều đơn vị thua lỗ hoặc sản xuất phim cầm chừng, cổ phần hóa không hiệu quả; về phía điện ảnh tư nhân bùng nổ về mặt số lượng nhưng tiềm lực chưa đủ mạnh, thiếu chuyên nghiệp, chạy theo lợi nhuận, cho nên chất lượng chưa cao…

Trong bối cảnh đó, hợp tác quốc tế trong làm phim là “cánh cửa” mở ra nhiều cơ hội. Thực tế phát triển của công nghiệp điện ảnh thế giới đã cho thấy, hợp tác sản xuất phim giữa các quốc gia hay vùng lãnh thổ không chỉ mang lại cho mỗi bên tham gia lợi ích về kinh tế, văn hóa, mà còn nâng cao tính đa dạng, chuyên nghiệp trong sản xuất và phát hành phim. Đây là xu hướng đang góp phần tạo nên thành công của nhiều nền điện ảnh mới nổi trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Thái-lan, Cam-pu-chia...

Trong quá khứ, từng có không ít bộ phim nước ngoài được quay tại Việt Nam và gây tiếng vang thế giới như: Đông Dương, Điện Biên Phủ, Người tình, Người Mỹ trầm lặng… Gần đây có thêm “bom tấn” hành động, kỳ ảo của Hô-li-út là Kong - Đảo đầu lâu và phim Bầu trời đỏ do điện ảnh Pháp sản xuất. Tuy nhiên, Cục trưởng Điện ảnh Ngô Phương Lan thừa nhận: “Việc hợp tác làm phim đã được tiến hành từ đầu những năm 1990. Đã có những bộ phim lớn được thực hiện nhưng chưa có bước phát triển đột phá, do chúng ta chưa quảng bá thường xuyên và hiệu quả về thế mạnh của bối cảnh, nguồn nhân lực của điện ảnh Việt Nam. Chưa có chính sách ưu đãi thuế đối với các đoàn phim nước ngoài vào Việt Nam và còn nhiều vướng mắc trong quy định tài chính”. Vì thế mà thời gian qua, chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt trong việc hợp tác làm phim điện ảnh với nước ngoài. Nhiều đạo diễn, nhà sản xuất từng chia sẻ rằng việc xin phép sử dụng bối cảnh ở Việt Nam để làm phim phải qua rất nhiều thủ tục và thời gian kéo dài. Nhất là quy trình xin visa (thị thực nhập cảnh) và thông quan nhập khẩu hàng hóa tổ chức sự kiện, bởi mỗi đoàn thường mang theo hàng trăm tấn đạo cụ, hàng trăm người đủ các quốc tịch đến Việt Nam bằng máy bay chuyên cơ, máy bay trực thăng để quay phim…

Các quy định của Việt Nam khá đầy đủ nhưng chưa chi tiết đến mức dành riêng cho những dự án đặc thù như hợp tác làm phim.

Kinh nghiệm từ các nước coi trọng phát triển điện ảnh đã cho thấy có rất nhiều hình thức ưu đãi thuế, hoàn thuế hấp dẫn cho các dự án phim nước ngoài. Chẳng hạn như ở Pháp, các chính sách miễn giảm thuế và chế độ nhập khẩu dành riêng cho đạo cụ phim trường có thể giúp các đoàn làm phim quốc tế giảm tới 50% chi phí sản xuất tại quốc gia này. Nhờ ưu đãi tài chính, thủ đô Bu-đa-pét của Hung-ga-ri cũng trở thành một trong những địa điểm quay phim phổ biến nhất châu Âu. Ở châu Á, Thái-lan và Hàn Quốc đang đi đầu trong việc thu hút và hỗ trợ các đoàn làm phim nước ngoài (Hàn Quốc tài trợ khoảng 20% chi phí làm phim cho các cảnh quay tại đây, chủ động cử các đoàn khảo sát tới các nước để giới thiệu và tìm kiếm cơ hội thu hút đoàn làm phim…). Không chỉ có đơn vị cấp quốc gia phụ trách chung, mà ở từng địa phương có tiềm năng cũng được thành lập các hội đồng hỗ trợ, đón tiếp.

Trong khi đó, Việt Nam dù có chủ trương đúng đắn nhưng lại chưa có những chính sách ưu đãi cụ thể và đồng bộ. Ngày càng nhiều dự án phim Việt Nam hợp tác sản xuất với nước ngoài được ra mắt, tuy nhiên phần lớn vẫn chỉ là cho thuê phim trường, cung cấp nhân lực và dịch vụ tại chỗ; hoặc mời đạo diễn, diễn viên, chuyên gia kỹ xảo, âm thanh, ánh sáng… là người nước ngoài tham gia một số công đoạn sản xuất. Chuyện góp vốn ngang bằng và chia lợi nhuận vẫn nằm ngoài tầm tay.

Cần thêm động lực mới

Theo đạo diễn Đặng Tất Bình, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Phim truyện 1, hiện nay có bốn hình thức chủ yếu trong hợp tác sản xuất phim là: ê-kíp Việt Nam cung cấp dịch vụ cho các đoàn làm phim nước ngoài; phim Việt Nam tự sản xuất nhưng nhận kinh phí tài trợ từ điện ảnh nước ngoài; phim Việt Nam 100% vốn trong nước nhưng có thành viên nước ngoài tham gia sản xuất, diễn xuất; Việt Nam và nước ngoài phối hợp bỏ vốn làm phim và chia lợi nhuận. Tuy chưa mạnh mẽ, nhưng điện ảnh Việt Nam đã và đang có những bước chuyển mình. Nếu như trước đây, tìm đến Việt Nam chủ yếu là các đoàn làm phim của Mỹ, Pháp, Anh… nhằm khai thác yếu tố lịch sử, thì nay phong phú hơn nhiều; các nền điện ảnh Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái-lan, Ba Lan, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Chi-lê… cũng quan tâm và mong muốn hợp tác làm phim ở tất cả các thể loại, đề tài.

Mới nhất, Thị Mai - bộ phim Tây Ban Nha đầu tiên được quay tại Việt Nam, khi công chiếu cuối tháng 10 vừa qua cũng đã gây ấn tượng tốt với khán giả trong nước và ngoài nước. Việt Nam trong phim không phải chỉ là bối cảnh thiên nhiên đẹp có thể quay ở bất cứ đâu, mà là một đất nước hiện đại, xinh đẹp, tràn đầy cảm xúc với những nét đặc trưng. Nhà sản xuất La-ri Lơ-vin (phim Thị Mai) đã khẳng định Việt Nam có đội ngũ làm phim sáng tạo, lành nghề không thua kém bất cứ nền điện ảnh nào, nhưng để tạo thêm cơ hội hợp tác thì cần những thay đổi về thủ tục hành chính, pháp lý. Bởi sự phát triển của điện ảnh còn có thể là cú huých cho rất nhiều ngành nghề khác, tạo cơ hội việc làm, thu hút đầu tư cho du lịch, dịch vụ.

Phó Cục trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Nhất Hoàng cho rằng, hiện nay, chính sách và kỹ năng hợp tác với các hãng phim nước ngoài là điều Việt Nam cần tập trung phát triển. Ngoài việc nghiên cứu, tạo điều kiện cho các dự án hợp tác phim như giảm thuế, hoàn thuế, ưu tiên thủ tục hải quan, nhập cảnh..., nên khuyến khích các doanh nghiệp xã hội tham gia tích cực trong việc hợp tác với các hãng phim lớn, có sự hỗ trợ của Nhà nước khi cần. Thêm vào đó, cũng cần nâng cao nhận thức và sự chủ động của các địa phương khi phối hợp với các đoàn làm phim.

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 sẽ diễn ra từ ngày 24-11 tại TP Đà Nẵng với sự tham gia của nền điện ảnh các nước ASEAN, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội học hỏi kinh nghiệm và hợp tác ngay trong khu vực. Tuy nhiên, để cơ hội, tiềm năng được cụ thể hóa thành các dự án phim thì các cơ quan tham mưu, quản lý ngành điện ảnh cần sớm đề xuất và triển khai những chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nhà làm phim trong nước và ngoài nước; tạo điều kiện sản xuất các tác phẩm điện ảnh chất lượng cao phục vụ công chúng, cũng như góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.