Một tấm lòng với quê hương Việt Nam

|

Họa sĩ Mai Trung Thứ (nghệ danh Mai-Thu), sinh ngày 10/11/1906 tại Hải Phòng, mất ngày 10/10/1980 tại Pháp. Là một họa sĩ nổi danh từ những năm 30 của thế kỷ trước ở các nước châu Âu, ông còn là một nhà quay phim, làm phim tài liệu lưu giữ được nhiều thước phim quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Pháp.

Theo tài liệu Hội người Việt Nam tại Pháp, Mai Trung Thứ sang Pháp từ năm 1937  và tham gia Hội từ khoảng năm 1940. Ông là hội viên trong Nhóm trí thức Việt kiều tại Pháp, trong  đó có 105 người nổi tiếng, tiêu biểu như nhà hóa học Bửu Hội, luật sư Phan Nhuận, kỹ sư Phạm Quang Lễ, họa sĩ Vũ Cao Đàm, họa sĩ Lê Phổ…, đã cùng nhau ký tên trong bản Tuyên ngôn về vấn đề Nam Bộ ngày 11/5/1946 gửi Quốc hội Pháp và gửi về trong nước để: “Phản đối mọi âm mưu để chia xé lãnh thổ, vi phạm chủ quyền của nước Việt Nam” và khẳng định: “Nhiệt liệt tín nhiệm và ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh và thành tâm tán thành công cuộc phục hưng và kiến thiết quốc gia do chính phủ Hồ Chí Minh lãnh đạo”. 

Tham gia Hội Ái hữu Việt Nam, họa sĩ Mai Trung Thứ, khi đó còn là Giám đốc Xưởng phim Tân Việt do chính ông sáng lập ở Paris, đã cùng với một nhóm nghệ sĩ và nhà chuyên môn Việt Nam tại Pháp sản xuất một số phim tài liệu về Việt Nam trong đó có bộ phim “Sức sống của 25.000 dân Việt Nam trên đất Pháp” và “Hồ Chủ tịch và đại biểu Chính phủ Việt Nam sang Pháp” cùng hàng trăm bức ảnh về hành trình thăm Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 do chính Mai Trung Thứ chụp, làm hậu kỳ rồi chuyển giao để các phái đoàn đem về nước công bố rộng rãi gần như cùng lúc cả ở Việt Nam và trong cộng đồng người Việt Nam ở Pháp. Đến nay, có thể nói đó là những tác phẩm điện ảnh đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Là thành viên tham gia phái đoàn Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Cộng hòa Pháp, Mai Trung Thứ đã theo suốt hành trình chín mươi chín ngày trên đất Pháp của Người (từ ngày 12/6/1946 đến 18/9/1946), thực hiện việc ghi hình và sản xuất bộ phim tài liệu mà ông gọi là “phóng sự đặc biệt” về chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Fontainebleau (Phông-ten-nơ-blô). Những hình ảnh trong phim đã kể lại một cách trung thực tiến trình đối thoại, thương lượng nhằm bảo vệ nền độc lập thống nhất của Việt Nam bằng biện pháp hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng ngôn ngữ phim tài liệu, một cách làm còn rất mới mẻ, xa lạ với trong nước khi đó. 

Năm 1974, nhà báo Hồng Hà (sau này là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân) nhận nhiệm vụ sang Paris làm bộ phim “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh” từng kể lại: Hội người Việt Nam tại Pháp đã  giới thiệu và cho chúng tôi biết ông Mai Trung Thứ là một nhà điện ảnh lâu năm. Chúng tôi tìm đến nhà số 16, đường Công viên, thị xã Văng-vơ. Họa sĩ Mai Trung Thứ cho biết, ông là người đã quay toàn bộ những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm chính thức nước Pháp năm 1946. Máy quay của ông đã ghi rất nhiều hình ảnh của Bác Hồ trên đất Pháp: những hoạt động ngoại giao chính thức, tiếp các chính khách nước ngoài; gặp gỡ Việt kiều và bạn bè quốc tế và cảnh sinh hoạt ngày thường của Người trên đất Pháp... Họa sĩ Mai Trung Thứ nói: “Tôi xin tặng trong nước toàn bộ những cuộn phim 35 li quay chuyến đi thăm Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với 11 chiếc đĩa ghi tiếng nói của Người ở các buổi nói chuyện với Việt kiều”. Rồi ông viết giấy giới thiệu chúng tôi đến nhà người bạn của ông là bác sĩ Ngô Thuần Phương giao cho chúng tôi nhận gần một tạ phim và 11 chiếc đĩa ghi tiếng nói Bác Hồ ở Pháp.

Năm 1974, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, họa sĩ Mai Trung Thứ về Việt Nam theo lời mời của Chính phủ ta. Những người cùng đi trong đoàn Việt kiều về nước năm đó kể rằng: Lúc đặt chân lên sân bay Gia Lâm, họa sĩ Mai Trung Thứ đã khóc. Gần nửa thế kỷ sống xa quê hương với tài năng, tấm lòng yêu nước cùng với con tim luôn hướng về Tổ quốc, họa sĩ Mai Trung Thứ, một nghệ sĩ đa tài, một thành viên Hội người Việt Nam tại Pháp đã âm thầm gìn giữ, sáng tạo ra những giá trị đỉnh cao của tinh hoa văn hóa Việt hòa nhập và sánh vai cùng năm châu. Cùng đó, với sự cẩn trọng và khiêm nhường của một trí thức yêu nước, thấu hiểu tinh hoa văn hóa Việt, cũng là người Việt duy nhất ở Paris khi đó biết kỹ thuật và tự mua máy quay  phim, họa sĩ Mai Trung Thứ đã góp phần giữ lại cho lịch sử Việt Nam những thước phim tư liệu với những hình ảnh quý giá về lịch sử Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh với biết bao gian khó của những tháng năm đầu lập nước.

Tháng 2/2019, theo ước nguyện của họa sĩ lúc sinh thời, hài cốt của danh họa Mai Trung Thứ đã được đưa về Việt Nam và được an vị tại khu lăng mộ của dòng tộc Mai Trung ở xã Tân Tiến, An Dương, thành phố Hải Phòng. Ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của ông, thành phố Hoa phượng đỏ đã lấy tên của họa sĩ Mai Trung Thứ đặt tên cho một con đường. Ở Pháp, những ngày này đang diễn ra một cuộc triển lãm tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ tại Bảo tàng Ursulines de Mâcon, thành phố Mâcon, miền trung nước Pháp, nơi họa sĩ Mai Trung Thứ đã từng có thời gian sống và sáng tác. Cùng một lúc, 140 tác phẩm của ông đã được trưng bày trong triển lãm có tên gọi “Mai Thứ - Tiếng vọng từ một Việt Nam trong mơ” (Mai Thu- Écho d’un Vietnam rêvé), thời gian từ ngày 7/7/2021 đến ngày 2/1/2022. Cùng với đó tại bảo tàng còn có một số hoạt động nhằm quảng bá tôn vinh văn hóa Việt Nam, quê hương của danh họa Mai Trung Thứ. Trước đó, từ ngày 21/6/2021, như để “đánh thức” sự quan tâm của công chúng, một cuộc triển lãm “bên lề” đã giới thiệu 30 bức tranh sao từ bản gốc của tranh Mai Trung Thứ  trưng bày ở tiền sảnh nhà ga Lyon, một đầu mối giao thông quan trọng, và là cửa ngõ chính đi đến thành phố Mâcon từ Paris. Với các hoạt động đó, một lần nữa tài năng và những giá trị của tranh Mai Trung Thứ có cơ hội được khẳng định và tỏa sáng đúng vào dịp danh họa Mai Trung Thứ tròn 115 tuổi.