Đầu Xuân bàn chuyện "quốc phục"

|

Trang phục truyền thống Việt Nam là sản phẩm văn hóa vừa có tính vật thể, vừa có tính phi vật thể và phải thích ứng với cách thức lao động sản xuất nông nghiệp của người Việt trong nhiều thế hệ.

Những trang phục ấy phần lớn có thuộc tính đơn giản, mềm mại, thanh lịch, dễ sử dụng và mang sắc thái thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, hiện tại đang có nhiều ý kiến khác nhau về “trang phục truyền thống”, “trang phục dân tộc” trong cuộc tranh luận về “quốc phục” khi đề cập tà áo dài nữ, áo tứ thân hay áo the, khăn xếp của nam giới...

Nếu tạm thời loại bỏ tính cục bộ về không gian và thời gian có lẽ câu chuyện đi tìm quốc phục sẽ có được kết quả mà công chúng có thể chấp nhận. Để gọi là quốc phục, trước hết, đó phải là sản phẩm trang phục tập trung thể hiện ở những tiêu chí: Được sử dụng rộng rãi trong xã hội nước ta qua các thời kỳ và ở khắp mọi miền đất nước; không giống về hình dáng, chất liệu trang phục nước khác; được nhân dân tôn vinh và sử dụng trong nghi thức lễ hội, sự kiện quan trọng; dùng chất liệu lụa tơ tằm truyền thống hoặc chất liệu mới tương tự. Bên cạnh đó, trang phục truyền thống được chọn là quốc phục phải có mầu sắc, kiểu dáng, cấu trúc mỹ thuật tạo hình hợp lý, phù hợp thuần phong mỹ tục dân tộc, mầu sắc trang nhã, họa tiết lịch sự văn minh.

Với các tiêu chí nêu trên cùng định hướng quốc phục nam và nữ đi vào cuộc sống, có lẽ chỉ trang phục truyền thống áo the nam hai vạt và áo dài nữ được dùng phổ biến từ lâu nay trong cả nước là đáp ứng đủ tiêu chí để trở thành “quốc phục”. Như đã phân tích, nam giới có thể sử dụng áo the, chất liệu lụa truyền thống, mầu đen hoặc thâm đen, xanh thẳm,... tùy theo người sử dụng cùng trang trí họa tiết, hoa văn cách điệu, hình tròn, hình vuông, trong có chữ “Thọ”, “Tâm”, “Đức”,… Đối với phụ nữ, nên sử dụng áo dài truyền thống có nhiều mầu khác nhau theo sở thích và bằng chất liệu tơ tằm hoặc chất liệu bền đẹp khác, có họa tiết hoa văn mềm mại, bay lượn như hoa hồng, hoa cúc, hoa sen cách điệu. Cũng bởi áo dài phụ nữ mang tính quốc phục, đẹp và quyến rũ, thể hiện được vẻ thanh lịch, nữ tính, nhưng cũng không kém phần kín đáo. Trong nhiều tác phẩm hội họa của các danh họa: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn,… đều phản ánh một cách sinh động đầy tính thẩm mỹ vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam trong bộ áo dài truyền thống.

Về mặt cấu trúc tạo hình, trang phục bao giờ cũng thích ứng với một nền văn hóa hình thái kinh tế chung mà ở Việt Nam là văn hóa lúa nước. Do đó, cấu trúc hình dáng trang phục gọn nhẹ, đơn giản, dễ sử dụng, nhưng nghệ thuật tạo hình lại rất khoa học và mang sắc thái văn hóa dân tộc. Bằng những chất liệu lụa tơ tằm, bản thân trang phục áo the và áo dài phụ nữ, vốn đã có hơi thở máu thịt của nền nông nghiệp Việt Nam và được các nghệ nhân làng nghề khoác cho nó nhiều mầu sắc dung dị, uyển chuyển. Cách thức tạo hình của áo dài cho nữ, áo the cho nam, không những thể hiện sắc thái riêng cho người mặc mà còn mang lại đặc trưng của văn hóa trang phục Việt không giống các nước. Việt Nam có một cộng đồng 54 dân tộc anh em sinh sống và mỗi dân tộc đều có trang phục truyền thống của mình, cho nên việc lựa chọn trang phục có ý nghĩa tiêu biểu để làm quốc phục là rất cần thiết.

Có nhiều ý kiến khác nhau của các nhà nghiên cứu xã hội, sử học, văn hóa, mỹ thuật, âm nhạc, dân tộc học và cả những nhà tạo mẫu quần áo đều đưa ra những khái niệm không đồng nhất về trang phục lễ hội, trang phục dân tộc, trang phục truyền thống và một vài người trong số đó cho rằng hiện nay chưa có loại trang phục nào tiêu biểu để chọn làm quốc phục. Lại có ý kiến có thể tạo ra một trang phục mới trên cơ sở trang phục truyền thống để làm quốc phục, song điều này cũng không thể bởi những bộ quốc phục mới sẽ phải nhiều năm trải nghiệm để được nhân dân cả nước chấp nhận, trong khi chưa chắc đã được các thế hệ sau chọn làm quốc phục.

Trong thực tế, áo dài truyền thống của phụ nữ và áo the của nam giới Việt Nam hoàn toàn không đồng dạng và khác hẳn so với áo dài nữ của các nước trong khu vực, từ cổ áo, nách áo, kích thước, cúc áo, thân áo, chất liệu vải,… và sự khác nhau ấy cũng là một căn cứ so sánh để chọn làm quốc phục. Xét về mặt mỹ thuật tạo hình, trang phục truyền thống của nam, nữ nước ta không những đẹp, cân đối phù hợp cách thức sinh hoạt cá nhân mà còn phù hợp với sinh hoạt trong cộng đồng.

Áo dài phụ nữ truyền thống và áo the nam giới của Việt Nam đã có thời gian hàng thập kỷ trải nghiệm nghi thức giao tiếp đối với khách nước ngoài và trong các đại lễ cũng như các nghi thức tâm linh của dân tộc. Người Việt Nam, dù ở bất cứ nơi đâu, trong nước hay ngoài nước, nơi đất khách quê người, họ vẫn mặc bộ quần áo ấy trong những ngày lễ, Tết và các sự kiện trọng đại. Sự xuất hiện của những trang phục ấy cũng đồng nghĩa với sự xuất hiện đại diện của con người Việt Nam. Trong tâm thức sâu thẳm của mỗi người, đó là niềm tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc.

Những năm qua, đã có nhiều cuộc hội thảo bàn về quốc phục, nhưng vẫn chưa có được tiếng nói chung và cho đến nay, quốc phục của Việt Nam, một đất nước có bề dày lịch sử hàng nghìn năm vẫn là vấn đề đang bỏ ngỏ. Cũng nên hiểu, chọn được quốc phục, không có nghĩa phải dùng hằng ngày, trong mọi sự kiện như nhiều người vẫn hiểu, mà tùy theo tình hình cụ thể để ứng dụng cho hợp lý. Tất nhiên, bộ trang phục quốc gia ấy phải có những đổi mới, cách tân, song cơ bản vẫn phải giữ được những nét đặc trưng truyền thống từ bao đời.