Nhiều người tóm tắt cảnh cướp lộc trong lễ hội ở đền Sóc (huyện Sóc Sơn – Hà Nội) bằng hai chữ “kinh hoàng”. Thông lệ, khi giò hoa tre và trầu cau được rước từ đền Thượng xuống đến Hạ và có “lệnh” mới được “cướp”. Nhưng nhiều năm, lễ vật đã tan tành ngay trên đường rước. Năm nay, phải huy động đến 400 người, cả công an lẫn tình nguyện viên, những lễ vật mới không bị cướp giữa đường, mặc cho “nhà thánh” có mong muốn điều ấy hay không. Từ “cướp” trở thành một từ cực “hot” ở nơi mà đáng ra người ta phải dành tất cả sự tôn kính, linh thiêng.
Bao giờ lễ hội trở lại như xưa là điều hầu như không có câu trả lời. Lễ hội và hoạt động ở các di tích đầu năm đã thực sự đổi thay. Nhiều nhà nghiên cứu nói, kinh tế thị trường len lỏi đến các di tích, khi người đi lễ có sự mặc cả rõ ràng với thần thánh, đem tham sân si đến cửa thánh, cửa thiền. Đúng, nhưng mới chỉ được một nửa.
Lễ hội cấu thành bởi người hành hương, và bởi hoạt động của nhà tổ chức. Nhiều năm nay, các di sản đã trở thành công cụ làm kinh tế. Điều này thể hiện rõ ở chủ trương, chính sách. Nếu trước đây, chỉ có khái niệm du lịch văn hóa, du lịch di sản thì nay, du lịch tâm linh, du lịch lễ hội trở thành mũi nhọn kinh tế. Năm 2016, chùa Hương đón 1,5 triệu lượt khách. Với mức vé 49 nghìn đồng/người, có thể thấy, doanh thu của lễ hội chùa Hương ảnh hưởng lớn thế nào đến kinh tế địa phương. Số lễ hội công bố lượng khách sáu con số không phải là ít. Và mỗi khi công bố tỷ lệ tăng trưởng, đi kèm đó là niềm tự hào của lãnh đạo địa phương. Khi coi lễ hội, di tích là chiếc “máy in tiền” thì khách hành hương cũng trở thành khách hàng để phục vụ mục đích tăng doanh thu.
Điều này cho thấy, bản chất của rất nhiều lễ hội hiện nay đã hoàn toàn khác xưa. Ngày xưa, các địa phương tổ chức lễ hội để tri ân thánh thần, tri ân người có công, đem lại niềm vui cho người dân địa phương. Bây giờ, ngoài những mục đích ấy, lễ hội còn phải “làm kinh tế”.
Hành hương đầu năm là một phong tục của người Việt. Khi đi lễ, tỷ lệ người có nhu cầu tìm hiểu, thưởng lãm vẻ đẹp của các di tích, lễ hội là rất ít. Phần lớn người Việt đi lễ hội, đến các di tích đầu năm với mục đích rõ ràng là cầu xin điều gì đó. Vấn đề là cầu xin cái gì? Trải qua một quá trình “đứt gãy” văn hóa, văn hóa hành hương gần như bắt đầu lại từ con số không những năm gần đây. Và nó gặp đúng lúc lễ hội đi “làm kinh tế”…
Lễ hội làm kinh tế cũng đồng nghĩa với việc thay đổi trong tổ chức, và nhất là quảng bá. Nhiều phong tục, tập quán, lễ nghi, tục hèm ở các lễ hội đã bị hiểu sai hẳn so với nguyên gốc. Trớ trêu, nó đánh trúng vào tâm lý mong cầu may rủi của một bộ phận không nhỏ người dân. Thí dụ như trường hợp phát ấn đền Trần. Gốc gác đâu có phải là cầu quan, cầu chức? Nhưng giờ nó thành một niềm tin phổ biến: Cướp ấn, cướp lộc đền Trần là để thăng quan, tiến chức, để lộc lắm, tài nhiều. Nhiều trường hợp, sự hiểu sai đó không phải do tình cờ. Nhưng nó đem lại “cái được” là khách hàng đến với lễ hội ngày một nhiều hơn. Lễ hội nào càng “thiêng”, người ta càng đổ xô đến.
Không gian tổ chức những lễ hội là hầu như không thay đổi. Nhưng lượng người đến quá đông, bất cập nảy sinh là điều hiển nhiên. Càng nguy hiểm hơn khi lượng người hành hương ấy không được trang bị kiến thức, nhất là văn hóa hành hương. Nhiều người trách vị sư ở chùa Hương “ném lộc” một cách phản cảm mà quên mất, vị sư ấy chẳng còn cách nào khác khi áp lực của đám người đang chầu chực để tranh cướp lộc gia tăng.
Những biện pháp tăng cường an ninh, ngay cả khi đem lại hiệu quả, cũng đã làm mất đi cái không khí vốn có của lễ hội ngày xuân. Dẫu vậy, đành chấp nhận một sự đã rồi. Nhưng, cùng với thay đổi cách tổ chức sao cho hiệu quả, an toàn hơn, với các biện pháp truyền thông xen lẫn hành chính để nâng cao văn hóa hành hương thì có lẽ, cũng cần xem lại câu chuyện lễ hội “làm kinh tế”.
Di sản lễ hội là một món quà của cha ông. Nó cũng được coi là tài nguyên du lịch. Nhưng nói đến di sản, trước hết phải nói đến bảo tồn. Coi trọng chuyện lễ hội “làm kinh tế” chẳng khác nào việc khai thác ồ ạt các nguồn tài nguyên để bán đi, mà không tính đến giải pháp lâu dài…