Nhà văn, nhà viết kịch Học Phi, tên khai sinh là Chu Văn Tập, sinh ngày 18-2-1913 tại làng Tam Nông, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ông nội ông, cụ Chu Phúc Tuần là một nghĩa quân Bãi Sậy đi theo cụ Tán Thuật đánh giặc suốt 10 năm. Thừa hưởng truyền thống tốt đẹp của quê hương, của gia đình, nên mới 13 tuổi cậu thiếu niên Chu Văn Tập đã tham gia các phong trào yêu nước, được giác ngộ cách mạng và sau đó đứng trong hàng ngũ Ðảng Cộng sản Việt Nam.
Lúc bấy giờ, do phong trào cách mạng của Ðảng gặp nhiều khó khăn, ông phải lặn lội đi tìm tổ chức cách mạng ở nhiều nơi, nhiều ngày mới gặp. Trong quá trình hoạt động, do có nhiều thành tích xuất sắc, ông đã được kết nạp Ðảng tháng 2-1932. Ðầu năm 1934, ông bị địch bắt và bị giam ở nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Trong nhà tù thực dân, ông được các tù chính trị tổ chức cho học tập chính trị và văn hóa. Thấy ông ham học, lại có năng khiếu về văn nghệ, có lần đồng chí Trường Chinh, cũng đang ở tù cùng ông, đã dặn dò: "Nay mai cậu ra tù nên học viết văn, vì văn nghệ cũng là vũ khí đấu tranh sắc bén của Ðảng".
Năm 1936, sau khi Mặt trận Bình dân ở Pháp lên cầm quyền, đã tạo điều kiện cho cách mạng Việt Nam phát triển. Nhiều tù chính trị được thả, trong đó có ông. Một bộ phận của Ðảng ra công khai. Ông được bố trí tham gia tại một số tờ báo cách mạng hoạt động công khai để chỉ đạo, hướng dẫn dư luận, động viên quần chúng đoàn kết chống giặc ngoại xâm.
Năm 1939, Mặt trận Bình dân ở Pháp tan rã. Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Ở các nước thuộc địa, thực dân Pháp trở tay đàn áp phong trào cách mạng. Tại Việt Nam, nhiều chiến sĩ cách mạng bị bắt, bị tống giam vào các trại tập trung. Ông bị chính quyền thuộc địa thực dân Pháp quản thúc và bị đưa về "an trí" tại Hưng Yên. Nhưng cũng chính nơi đây, ông đã tham gia Ban cán sự Ðảng bộ tỉnh và chỉ đạo cơ quan truyền thông của tỉnh ra báo Bãi Sậy, một tháng hai kỳ. Trong thời gian này, Trung ương lại điều động, và giao trách nhiệm cho ông cùng đồng chí Vũ Quốc Uy đứng ra thành lập Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam. Tổ chức ra đời lần đầu tiên được nhóm họp ở phố Hàng Ðường, Hà Nội, gồm có các ông: Vũ Quốc Uy, Ngô Lê Ðộng, Như Phong, Học Phi cùng Tô Hoài và Nguyễn Ðình Thi...
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban lâm thời Cách mạng tỉnh Hưng Yên. Sau đó, ông được điều động lên Hà Nội làm Ðổng lý văn phòng Bộ Thông tin - Tuyên truyền, do đồng chí Trần Huy Liệu làm Bộ trưởng. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông về phụ trách Hội Văn hóa Khu II (sau là Liên khu III). Năm 1949, Ðảng lại cử ông lên công tác ở Ban Tuyên huấn T.Ư và đến năm 1952, khi thành lập Ðoàn văn công nhân dân T.Ư ở Chiến khu Việt Bắc, ông được bổ nhiệm làm chính trị viên của Ðoàn. Hòa bình lập lại năm 1954, Ðoàn văn công nhân dân T.Ư chia thành các đội bộ môn như: tuồng, chèo, kịch nói, cải lương... Học Phi về phụ trách Ðội Kịch và làm Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam.
Ðại hội Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam lần thứ nhất năm 1957 đã bầu NSND Thế Lữ làm Chủ tịch Hội. Học Phi được bầu là Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho đến lúc về hưu.
Học phi bắt đầu viết văn từ năm 1936, sau khi ra khỏi nhà tù thực dân với cuốn tiểu thuyết đầu tay: Hai làn sóng ngược, sau đổi là Xung đột và các tiểu thuyết tiếp theo như: Ðắm tàu, Dòng dõi, Yêu và Thù... Trong các tác phẩm văn học ông viết thì tiểu thuyết Xung Ðột được dư luận đánh giá cao.
Năm 1943, ông bắt đầu chuyển sang viết kịch. Nguyên do hồi ấy ông đang hoạt động trong Ban cán sự Ðảng bộ ở Hưng Yên, một hôm có hai cô trong tổ học sinh Cứu quốc ở Trường Ðồng Khánh (lúc ấy đang sơ tán về Hưng Yên để tránh bom đạn đồng minh đánh quân Nhật), đến nhờ ông viết cho một vở kịch để diễn trong trường. Tuy chưa biết viết kịch thế nào, nhưng với lòng trân trọng ông không thể chối từ. Một hôm, ông đến đền thờ một đào hát tên là Ðào Thị Huệ được nhân dân trong vùng thờ phụng (gọi là Ðào Nương) và truyền tụng nhau câu chuyện khi giặc ngoại xâm chiếm nước ta, bà đã dùng tiếng hát của mình để làm nao lòng lũ giặc, khiến đạo quân xâm lược tan rã, tướng giặc hoang mang cho rằng đây là vùng đất nghịch, phải lập tức cho lui quân. Dựa vào tích truyện vừa nêu, ông đã sáng tác thành kịch bản một màn, lấy tên là Ðào Nương. Kịch bản ra đời, các cô nữ sinh chép lời, phân vai, tập luyện. Nhưng có kẻ xấu bụng báo với đốc học người Pháp. Hắn liền cho khám xét, tịch thu kịch bản đem đi đốt và đuổi học các nữ sinh. Thế là vở kịch đầu tay của ông đã không được dàn dựng. Sau này, từ cốt truyện này, đến năm 1980, nhân kỷ niệm 600 năm Ngày sinh Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, ông đã viết lại thành kịch thơ năm màn có tên Người kỹ nữ thành Ðông Quan.
Ðầu năm 1945, ông viết vở Cà sa giết giặc để tuyên truyền tinh thần yêu nước cho các nhà sư. Nhưng mới được một màn thì phải bỏ dở để lao vào công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945. Mùa hè năm 1946, khi trở lại hoạt động công tác Phật giáo, ông lại tranh thủ viết thêm để hoàn tất kịch bản. Vở Cà sa giết giặc đã được ông Chu Ngọc đạo diễn dàn dựng và cho công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhân kỷ niệm lần đầu ngày Quốc khánh 2-9 và được dư luận công chúng hết sức hoan nghênh. Báo Sự Thật, tiền thân của Báo Nhân Dân ngày nay đã khen ngợi và đánh giá đây là vở kịch tuyên truyền hay có ý nghĩa chính trị cao.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã bị thế giới sân khấu lôi cuốn và đã dành tất cả tình cảm, tâm huyết, tài năng của mình để sáng tác nên những kịch bản hay cho sân khấu cách mạng. Song cũng phải đến năm 1953, với kịch bản Chị Hòa, viết về đề tài cải cách ruộng đất, ông mới khẳng định được chỗ đứng chắc chắn trong làng kịch nghệ nước nhà. Tiếp sau sự thành công của tác phẩm Chị Hòa, Học Phi đã sáng tác một loạt kịch bản có chất lượng như: Một đảng viên, Hoàng Lan, Ni cô Ðàm Vân và Cô hàng rau... Ðây là những kịch bản có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, đã được dàn dựng và biểu diễn phục vụ nhân dân, phục vụ lực lượng vũ trang, tạo nên dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả yêu sân khấu.
Sau những thành công trong lĩnh vực sáng tác kịch, Học Phi lại trở về với tiểu thuyết như trở lại với mối tình đầu. Và bởi ở cuối cuộc đời, con người thường muốn giãi bày nhiều hơn mà văn chương có nhiều tố chất đáp ứng được yêu cầu đó. Thế là, với các đắm say, trăn trở, dẫu có chiều muộn màng, ông lại cho ra mắt hàng loạt tiểu thuyết như: Hừng đông, Ngọn lửa, Xuống đường, Cuộc đời về cuối... Ông nói, giai đoạn này viết thấy thoải mái hơn, đậm đà tình người hơn và cũng sâu sắc hơn.
Với 30 vở kịch, 20 tập tiểu thuyết, truyện ngắn, hồi ký và kịch bản sân khấu, điện ảnh cùng hàng trăm bài báo tâm huyết mà hầu hết các nhân vật trung tâm đều là hình tượng người đảng viên, người cộng sản, ẩn chứa tất cả mọi nỗi niềm, hy vọng và thất vọng, buồn và vui, lạc quan và trắc ẩn, thăng trầm và khát vọng, ông đã đi qua hơn một trăm năm, đi qua những ngày hoạt động cách mạng bí mật tiền khởi nghĩa và hai cuộc kháng chiến. Ông đã dâng hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng và sáng tạo nghệ thuật. Ngay cả khi đã bước vào cái tuổi bách niên hiếm hoi ấy, kỳ diệu làm sao, ông vẫn ngày ngày ghì người vào bàn, vẫn viết, vẫn sáng tạo, vẫn buồn vui với thế giới nhân vật đang nhảy múa trong trang viết của mình. Ông bảo: "còn viết được là còn hạnh phúc". Sức bền của con chữ hay sức bền của cuộc sống đã tồn tại trong con người ông? Khó mà có thể giải thích được. Ðối với ông, được sáng tạo và dâng hiến, đó là niềm hạnh phúc vô bờ.
Ghi nhận những đóng góp của lão nghệ sĩ, nhà văn, nhà viết kịch Học Phi, Ðảng và Nhà nước đã trao tặng ông nhiều phần thưởng cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật đợt một, Huân chương Ðộc lập hạng nhất và Huy hiệu 80 năm tuổi Ðảng...
Nhà cách mạng lão thành nhà văn, nhà viết kịch Học Phi đã ra đi, "về với thế giới người hiền", nhưng tấm gương về ông và những trang viết, những vở kịch để lại vẫn còn sống mãi với thời gian.
NSND LÊ TIẾN THỌ
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam