Xin và cho chữ - nét đẹp văn hóa của dân tộc
Tục xin chữ và cho chữ là một nét đẹp, là dấu hiệu của niềm tin, là món quà mang ý nghĩa xã hội, triết học và tâm linh, tạo mối giao lưu văn hóa trong cộng đồng, cùng nhau hướng tới cái chân - thiện - mỹ. Đó cũng là một minh chứng về truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam. Cùng với vạn vật hòa vào sắc xuân của trời đất thì những con chữ “như phượng múa rồng bay” mà người xưa đã gửi lời, gửi ý, gửi những hoài vọng trong câu đối, câu chúc Tết để đón chào năm mới, cũng là một trong những món quà tinh thần được “vật chất hóa” để biểu thị cho những ước vọng ngày xuân. Vì vậy, phong tục xin chữ đầu năm từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu của dân tộc.
Bẵng đi một thời gian, thư pháp Việt gần như bị quên lãng. Khi được khôi phục, việc chơi thư pháp ngày nay và nhất là tục lệ xin chữ cũng có đôi phần khác xưa. Nghệ thuật thư pháp ngày nay không chỉ đóng khung trong “mực tàu, giấy đỏ” mà còn được thể hiện trên các nguyên liệu khác như gỗ, đá, trúc, tre, lụa, gấm… “Ông đồ” cũng không phải cứ “áo the, khăn xếp”, râu tóc bạc phơ mà có người còn rất trẻ, thậm chí còn có cả “ông đồ” là nữ.
Có những ông đồ còn rất trẻ.
Vừa nắn nót thảo lên trang giấy chữ “Phúc” cho một đôi bạn trẻ, Thầy đồ Nguyễn Mạnh Hùng thuộc CLB thư pháp Hương Nam nói: “Mỗi chữ thư pháp đều ẩn chứa một ý tứ riêng. Người chơi phải có sự am hiểu nhất định và cũng phải có được cái nhìn tinh tế mới thấy được nét đẹp, ý nghĩa sau mỗi nét uyển chuyển của con chữ. Nét chữ là nết người”.
Thầy đồ Nam Phong Vũ Ngọc Kỳ tặng tôi chữ “An” và giải thích tường tận: “Chữ An chiết tự thì gồm có trên là bộ Miên - nghĩa là mái nhà, và dưới là chữ Nữ - nghĩa là người con gái. Người con gái ở trong nhà thì bình an vô sự và nhà luôn có cơm dẻo, canh ngọt, nhà cửa ấm êm”. Thầy đồ Kỳ thong thả, từ tốn uốn lượn từng nét chữ rồng bay trên giấy đỏ, sau đó thì giảng giải, cắt nghĩa rõ ràng ý nghĩa từng câu chữ để người xin chữ nhận ra giá trị và triết lý sống của từng chữ.
Người xin chữ ngày nay thuộc đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp, ngành nghề. Người trung niên thường xin chữ “Tâm”, chữ “Đức”, nam thanh, nữ tú hay xin chữ “Yêu”, chữ “Hiếu”, chữ “Trung”, nhiều người khác thích các chữ “Cha”, chữ “Mẹ”… Học sinh, sinh viên xin chữ “Đăng khoa”. Các bậc cha mẹ hay xin chữ “Trí tuệ”, “Chí hướng” cho con em mình. Những em bé hơn thì có chữ “Minh”. Tặng bố mẹ có chữ “An khang”, chữ “Hiếu”. Mừng thọ các cụ thì không thể thiếu chữ “Thọ”. Cũng như vậy, trong buôn bán, kinh doanh sẽ là chữ “Bảo tín hưng long”, “Phát đạt doanh môn”… Mỗi chữ ứng với mỗi người, mỗi hoàn cảnh, công việc, mang nỗi niềm tâm tư thầm kín, một trạng thái tinh thần, hoặc một ý niệm tự răn mình.
Ngày xưa là chữ Nho, ngày nay có thêm cả chữ Quốc ngữ với lợi thế thông dụng, dễ đọc, dễ hiểu. Các thầy đồ Hán học và Quốc ngữ học miệt mài thả hồn theo nét bút tặng lại cho người xin chữ cái tâm, cái tài và cả cái tình của mình.
Đôi điều suy ngẫm
Không phải ai biết chữ cũng có thể cho chữ. Người cho chữ phải hiểu chữ và hiểu cả người xin chữ. Chữ nghĩa là tự răn, để học tập, để vươn lên chứ không phải để cầu tài, cầu tiền hay cầu may.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều người thật lòng trân trọng chữ nghĩa, không ít người đi xin chữ đầu năm theo phong trào, xin cho ra dáng có văn hóa. Đi xin chữ mà cái tâm đã lệch bởi sự bon chen, toan tính thì làm sao một chữ mỏng manh kia giúp ngay thẳng lại được.
Ngẫm ra với con chữ cũng vậy. Có lẽ nhiều người đi xin chữ đầu năm cho vui, cho có không khí, cho văn hóa gọi là “hay chữ”. Xin một chữ “Tâm”, “Phúc”, “Trí”, hay “Tín”… nhưng có “dung nạp” được cái đức ấy vào tâm hồn hay không mới là điều quan trọng. Vì rằng, chữ mới chỉ là lớp vỏ kí hiệu. Chúng ta phải tự đọc, tìm hiểu về cách tạo chữ và suy ngẫm về sự thâm viễn của nó mới có thể ngộ được những chữ ấy.
Xin và cho chữ là một nét văn hóa đáng trân trọng. Vì vậy, giữ được nét văn hóa này sao cho thật sự tao nhã, trong sáng là vô cùng đáng quý.