Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng, một đời gắn bó với nghề

|

Sau thời gian ngắn chữa trị bệnh hiểm nghèo, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Hoàng Dũng qua đời chiều 14-2, thọ 65 tuổi, để lại niềm tiếc thương khôn nguôi trong giới nghệ sĩ và những người yêu sân khấu, điện ảnh. Người nghệ sĩ ấy đã tận hiến cho nghệ thuật đến những phút cuối cùng, vẫn đau đáu những vai diễn còn dang dở và niềm vui ông mong muốn tiếp tục mang đến với công chúng.

Dường như nghệ thuật đã bén duyên cùng NSND Hoàng Dũng và định hình trong ông không thể rời xa ngay từ những ngày đầu mới chập chững vào nghề. Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, chàng trai phố cổ ấy trúng tuyển vào Trường trung học Nghệ thuật Hà Nội (nay là Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội) một cách khá ngẫu nhiên. Nhưng như ông thường nói, nghiệp đã chọn mình và cùng với thời gian, Hoàng Dũng ngày càng cho thấy tài năng thiên phú, thăng hoa trong những vai diễn sân khấu, trở thành một trong những diễn viên chủ lực của Ðoàn kịch Hà Nội (nay là Nhà hát kịch Hà Nội), nơi ông đã đầu quân từ năm 1978 và gắn bó trong suốt cả sự nghiệp biểu diễn của mình. Ông được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) năm 1996 và NSND năm 2007, làm Phó Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội từ năm 2002 và Giám đốc Nhà hát năm 2007 cho đến khi về hưu năm 2017.

Trong gần 30 năm biểu diễn, NSND Hoàng Dũng đã để lại nhiều dấu ấn trên sân khấu Thủ đô với những vai diễn đậm cá tính ở các thể loại khác nhau, từ những vai chính, vai phụ, có hài, có bi, cả chính diện lẫn phản diện. Vai diễn nào cũng chiếm trọn vẹn tình cảm của người xem. Từ vai diễn đầu tiên về người lính trong vở Hoa hồng và cỏ dại cho đến những vai diễn khẳng định tên tuổi như vai Phó Giám đốc Chính vở Tôi và chúng ta từng được Nhà hát kịch Hà Nội biểu diễn hơn 1.000 đêm hay các vai diễn ấn tượng như vai Cả Khoa trong vở Cát bụi, vai bác sĩ vở Bình minh đó trái tim anh, vai thầy khóa vở Thầy khóa làng tôi, vai Lãm vở Hà Nội đêm trở gió, vai Hai Hùng vở Ăn mày dĩ vãng, vai điệp viên Pôn Hách vở Bản danh sách điệp viên... Ðặc biệt là vai danh cầm Bá Nhỡ trong vở Tiếng đàn vùng Mê Thảo, một vai diễn có lẽ ông tâm đắc nhất trong sự nghiệp sân khấu của mình khi thể hiện hình tượng người nghệ sĩ chân chính, hết mình vì nghệ thuật, vì cái đẹp cho đến tận hơi thở cuối cùng.        

Không chỉ nổi tiếng trên sân khấu kịch nói, NSND Hoàng Dũng còn làm nên tên tuổi trong khá nhiều bộ phim truyền hình và điện ảnh ăn khách như: Tướng về hưu, Cuồng phong, Ðàn trời, Về nhà đi con, Những ngày không quên, Hồ sơ cá sấu, Gái già lắm chiêu, Trở về giữa yêu thương..., nhất là vai diễn Chủ tịch tỉnh Trần Nghĩa trong phim Sinh tử và ông trùm Phan Quân trong phim Người phán xử, là những vai diễn khó, thể hiện tâm lý nhân vật khá phức tạp với nhiều mặt đối lập. Ðể có được thành công trong từng vai diễn, bên cạnh tài năng diễn xuất, NSND Hoàng Dũng đã đầu tư nhiều công sức, đọc kỹ kịch bản, tìm hiểu, nghiêu cứu kỹ để lột tả được tính cách, nội tâm và chiều sâu của nhân vật mình thể hiện, không chỉ để tròn vai mà còn có những sáng tạo riêng làm vai diễn thêm phần hấp dẫn, sinh động.

Trong công việc cũng như đời thường, NSND Hoàng Dũng sống tình cảm, trách nhiệm, mực thước và độ lượng. Ông luôn nhiệt tình chỉ bảo các diễn viên trẻ, đưa ra những gợi ý cho các vai diễn của họ. Ngay cả trong thời gian khi còn đương chức Giám đốc nhà hát, bận công tác quản lý, nhưng ông vẫn luôn quan tâm đào tạo đội ngũ kế cận, tham gia thỉnh giảng tại Trường đại học Sân khấu - Ðiện ảnh Hà Nội và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các diễn viên của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình của Ðài Truyền hình Việt Nam. Cũng từ sự dìu dắt của ông, nhiều thế hệ nghệ sĩ, diễn viên đã trưởng thành và không ít người trong số họ đã trở thành những ngôi sao của nền sân khấu, điện ảnh nước nhà.

Sự ra đi đột ngột của NSND Hoàng Dũng trong những ngày Tết vừa qua khá bất ngờ và bàng hoàng với nhiều người, nhất là khi VTV đang phát sóng bộ phim truyền hình Trở về giữa yêu thương mà ông vào vai chính, thu hút sự quan tâm của khán giả. Trong những ngày cuối, tuy biết mình có bệnh hiểm nghèo, nhưng NSND Hoàng Dũng vẫn gắng gượng giấu đi nỗi đau để không ảnh hưởng đến công việc và tiếp tục tham gia đóng phim cho đến lúc không thể đừng được. “Sinh nghề, tử nghiệp” hay như một người bạn của ông đã nhận xét, NSND Hoàng Dũng như “con tằm rút ruột nhả tơ” miệt mài cống hiến cho nghệ thuật đến tận cùng. Cũng chính vì vậy, sự ra đi của ông càng để lại nỗi buồn thương vô hạn với mọi người.

Nhà hát kịch Hà Nội sẽ chủ trì cùng gia đình và Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức tang lễ NSND Hoàng Dũng trang trọng, nhưng giản dị và không bi lụy như tâm nguyện của nghệ sĩ. Lễ viếng được tổ chức hôm nay (20-2)  tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), từ 7 giờ 30 phút đến 9 giờ. Lễ an táng được tổ chức cùng ngày tại Ðông Tảo, Khoái Châu (Hưng Yên).