Song tôi lại giật mình biết rằng đó không phải là mục đích của Học Phi khi đọc bốn câu thơ cảm thán của ông vào năm 94 tuổi, khi đang viết dở cuốn tiểu thuyết “Đổi mới” thì ngã bệnh, sức yếu hẳn, viết chậm đi:
Nhớ ngày khởi nghĩa tóc còn xanh
Thấy bóng trong gương bỗng giật mình
Sự nghiệp còn dài, đầu đã bạc
Xót xa thân thế mộng chưa thành!
Nhà văn Học Phi, tên khai sinh là Chu Văn Tập, sinh ngày 18-2-1913 (trong Từ điển văn học ghi nhầm là 1915) tại xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Tiên Lữ là một huyện gần Phố Hiến, một vùng nhãn ngọt ngào, một vùng quê tiêu biểu của Xứ Đông văn hiến.
Ông tham gia cách mạng năm 1928, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1932. Được Đảng phân công, ông cùng các đồng chí Lê Quang Đạo, Trần Độ… đứng ra vận động thành lập Hội Văn hóa Cứu quốc vào tháng 4-1943 theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng (2-1943): “Đảng cần phải phái cán bộ chuyên môn vào hoạt động về văn hóa, đặng gây ra một phong trào văn hóa tiến bộ, văn hóa cứu quốc chống lại văn hóa phát-xít thụt lùi. Ở những đô thị văn hóa như Hà Nội, Sài Gòn, Huế… phải gây ra những tổ chức văn hóa cứu quốc và phải dùng những hình thức công khai hay bán công khai đặng đoàn kết các nhà văn hóa và trí thức”…
Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Đình Thi… là những hội viên đầu tiên. Chính dưới ánh sáng của những quan điểm văn hóa mới, với tư cách là hội viên Hội Văn hóa cứu quốc mà Nguyễn Huy Tưởng viết được "Vũ Như Tô” - một tác phẩm quan trọng nhất của đời ông và cũng là một trong những kịch bản sâu khấu xuất sắc nhất của chính kịch hiện đại; Nam Cao viết được "Sống mòn”; Thâm Tâm viết được “Tống biệt hành” có sức sống vượt thời gian.
Chỉ một hiện tượng này cũng chứng minh một cách hùng hồn nghệ thuật phục vụ cách mạng là một nền nghệ thuật khỏe khoắn, có tính dân tộc và hiện đại một cách sâu sắc. Sự chân thành trong tình yêu của nhà văn với Tổ quốc, với sự nghiệp lớn của nhân dân cộng với tài năng, đó là công thức để làm nên những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao.
Tháng 8-1945, ông tham gia lãnh đạo giành chính quyền ở Hưng Yên và được cử làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh. Sau đó, ông được phân công làm Trợ lý Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền; Phụ trách Hội Phật giáo cứu quốc. Sau hòa bình, ông làm Giám đốc Nhà hát kịch, rồi Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu cho đến khi về hưu năm 1976.
Trong kháng chiến, việc gì tổ chức cần, kháng chiến cần, kể cả hy sinh, thì đó là việc lớn. Thí dụ, Đại tướng Nguyễn Quyết là Bí thư Thành ủy Hà Nội năm 1945, năm 1946 là chính trị viên của một chi đội Nam tiến; 1948 mới “thăng” lên chính ủy trung đoàn; Đặng Thái Mai từ Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa (cấp thứ trưởng), sau này về làm Viện trưởng Viện Văn học (cấp vụ)… Ở trường hợp Học Phi cũng vậy, đang là chủ tịch tỉnh, cán bộ tiền khởi nghĩa lại đi làm trợ lý bộ trưởng rồi giám đốc nhà hát! Về mặt tổ chức như vậy, ta có thể hiểu được một phần vì sao lại gọi hai cuộc kháng chiến vừa qua là thần thánh, khi con người không vì chức vụ, không đánh giá qua chức vụ mà vì sự nghiệp, đánh giá qua cống hiến.
Nhà văn Học Phi còn có các bút danh khác là Tú Văn, Vĩnh Hà. Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, ông viết trên các báo công khai của Đảng như Tin tức, Đời nay. Tác phẩm đầu tiên đáng chú ý của ông là tiểu thuyết “Hai làn sóng ngược” thuộc dòng văn học cách mạng đăng trên Tiếng trẻ (1936), Tiểu thuyết thứ năm (1937), Đông Dương tạp chí (1938). Các tập văn xuôi chính của ông đã xuất bản gồm Xung đột (1939), Đắm tàu (1940), Dòng dõi (1941), Yêu và thù (1942), Hừng đông (1980), Ngọn lửa (1981), Xuống đường (1996), Cuộc đời về cuối (1999)…
Sự nghiệp sáng tác để lại dấu ấn sâu sắc nhất của Học Phi chính là kịch bản sân khấu. từ vở kịch đầu tiên “Đào nương” năm 1944, viết về bà Đào Thị Huệ, quê làng Đào Đặng, Tiên Lữ, người được coi là bà tổ của ca trù, ông đã có hơn 30 vở kịch; trong đó xuất sắc nhất là “Cà sa giết giặc”, được công diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 2-9-1946; Chị Hòa (1955); Một đảng viên (1960), Ni cô Đàm Vân (1976). Ni cô Đàm Vân được Đoàn chèo Hải Phòng dàn dựng đầu tiên, sau đó hầu hết các đoàn đều dựng; được coi là một trong những mẫu mực của sân khấu chèo.
“Chị Hòa” là vở kịch nêu bật được tinh thần nhân đạo của cách mạng trong việc giải phóng nông dân, đem lại sự đổi đời cho họ và chính họ, khi được giác ngộ là lực lượng chính trong cuộc cách mạng đó. “Một đảng viên” là vở kịch dài, được viết rất công phu, có bối cảnh trước cách mạng. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, hình tượng người đảng viên cộng sản được đưa lên sân khấu với vị trí nhân vật trung tâm. Đặc biệt hơn nữa, nhân vật được đặt trong tình huống kịch vô cùng khắc nghiệt, éo le: một bên là địch khủng bố, vu khống; một bên là tổ chức nghi ngờ, thẩm tra, thẩm vấn. Nhưng người đảng viên đã vượt qua mọi thử thách, quyết giữ một lòng kiên trung với Đảng.
Nhân vật ấy phần nào cũng thể hiện chính tác giả, một đảng viên kiên trung, gắn bó máu thịt trọn đời với Đảng, với cách mạng. Ông từng tâm sự: “Đảng Cộng sản là máu thịt của tôi, tôi theo Đảng từ lúc 13 tuổi, trưởng thành từ con đường hoạt động chính trị. Trước khi trở thành một nhà văn, nhà viết kịch thì tôi là một đảng viên hoạt động chính trị!”. Toàn bộ sự nghiệp văn học của ông cũng chỉ hướng vào một đề tài cách mạng.
Với những đóng góp to lớn cho cách mạng, cho văn học nghệ thuật, nhà văn Học Phi đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996).
Ông thật sự là một nhà văn anh hùng trong một thời đại anh hùng.
Ông là người lập nhiều kỷ lục nhất trong làng văn Việt Nam: Có tuổi thọ cao nhất, 102 tuổi; có tuổi Đảng cao nhất, 82 tuổi Đảng; có đề tài tập trung nhất về Đảng và cách mạng; có nhiều con nhất, mười con trai, trong đó có nhà phê bình nghệ thuật Hồng Phi và nhà văn Chu Lai nổi tiếng.
Bên cạnh đó, một kỷ lục đáng khâm phục khác của ông là có sức viết bền bỉ nhất. Kịch bản phim Minh Nguyệt (đạo diễn Nguyễn Hữu Phần) được viết ở tuổi 90 và giành giải Kịch bản xuất sắc nhất tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc. Đồng thời, tiểu thuyết Âm vang Bãi Sậy viết trong những ngày cuối đời cũng đang được ông chuyển thể thành kịch bản. Thật là một con người phi thường!
Sẽ có rất nhiều đồng chí, đồng nghiệp, nhân vật, diễn viên, bà con quê hương và công chúng văn học đến tiễn biệt ông tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng vào sáng 12-5 tới.
Nhưng tôi tin rằng, ông không đi xa. Ông còn mãi trong mây trời, sóng nước của đôi bờ sông Hồng, bên Kinh kỳ, bên Phố Hiến. Ông có mặt trong “Ni cô Đàm Vân” mỗi khi công diễn. Ông trong cuộc sống của các con mình. Và ông bên chúng ta trong niềm tin son sắt với Đảng, với cách mạng.
Cái “mộng chưa thành” khiến ông còn xót xa, ấy là cuộc sống còn chưa tốt đẹp, lý tưởng như niềm tin, mơ ước của những người cộng sản tiền bối, như của mọi người dân nước. Xin được chuyển thành sự lo lắng, tiếp tục phấn đấu của những người còn lại.