Sinh tử xoay quanh chủ đề chống tham nhũng và sự tha hóa quyền lực của một bộ phận cán bộ, doanh nghiệp với những nhân vật, tình huống khiến người xem liên tưởng tới "các vụ trọng án có thật từng xảy ra. Phim lấy bối cảnh tỉnh Việt Thanh, bắt đầu bằng biến cố sập mỏ đá và màn chạy tội của hệ thống nhân vật có liên quan, từ đó phô bày dần mối liên kết ngầm giữa quan chức tỉnh và doanh nghiệp, những rối loạn trong các cơ quan công quyền, những màn đấu tranh nội bộ giữa phe muốn luật pháp được thực thi và phe muốn lợi ích nhóm được thực hiện... Có thể nói, đây là lần đầu truyền hình Việt Nam sản xuất bộ phim dài tập, đi sâu phản ánh đề tài hóc búa của xã hội. Phim do Nguyễn Khải Hưng, Mai Hiền đồng đạo diễn cùng sự tham gia của dàn diễn viên tên tuổi: NSND Hoàng Dũng, Trọng Trinh, Việt Anh, Mạnh Trường, Thanh Hương, Doãn Quốc Ðam, Thúy Hà…
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến - biên kịch phim cho biết, bộ phim có quá trình "thai nghén" kéo dài tới 10 năm kể từ lúc lên ý tưởng cho đến khi bấm máy; còn các đạo diễn Khải Hưng và Mai Hiền mất ba năm theo đuổi dự án. Kịch bản được nhà văn Phạm Ngọc Tiến viết đi viết lại, chỉnh sửa và bổ sung nhiều lần cho phù hợp tình hình thực tế công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay. Ông luôn chú ý trong cách thức chuyển tải sao cho ngôn ngữ chính luận trong phim không khô khan nhưng vẫn thâm thúy, sâu sắc. Ðạo diễn Nguyễn Khải Hưng chia sẻ, trước đó, đã có rất nhiều biên kịch thất bại cho đến khi Phạm Ngọc Tiến vào cuộc thì mới cho ra một sản phẩm thuyết phục được ê-kíp làm phim. Cái khó với phim chính luận là vừa phải bám sát thời sự, vừa cần đáp ứng thị hiếu khán giả, nếu không nhạy bén cập nhật thì việc kể lại một vụ án từng xảy ra bằng phim ảnh sẽ không còn hấp dẫn nữa. Ðể đáp ứng những yếu tố này, đạo diễn và biên kịch phim dành nhiều thời gian tiếp xúc với các dạng nhân vật trong đời sống hằng ngày, dự nhiều phiên tòa xét xử và chú ý quan sát, nắm bắt cả những diễn biến tâm lý, cách biểu cảm, sử dụng ngôn ngữ của nhân vật thật để đưa vào kịch bản hoặc truyền đạt tới diễn viên. Bên cạnh đó, góc khuất về gia đình, đời sống riêng tư... của nhân vật cũng được ê-kíp phim chú ý khai thác với chất liệu thực tế dày dặn, sinh động. Phía sau bộ phim Sinh tử còn có sự hỗ trợ của các chuyên gia, cố vấn nhằm chuẩn hóa thêm các chi tiết.
Những bộ phim chính luận vốn được giới làm nghề gói gọn trong ba từ: Khó, khô, khổ. Ðiều đó cũng tạo nên sự khác biệt của đề tài này so với dạng phim tâm lý, hành động, giải trí... đang tràn lan trên màn ảnh. Khó khăn của phim chính luận xuất hiện ở tất cả mọi công đoạn, từ kịch bản tới diễn viên, diễn xuất, quảng bá... Ngay đến các nghệ sĩ gạo cội như NSND Hoàng Dũng, Trọng Trinh… cũng phải thừa nhận để hoàn thành vai diễn với nhiều tình huống hội thoại phức tạp là thử thách lớn trong nghề nghiệp. NSND Hoàng Dũng phân tích, khi vào vai lãnh đạo tỉnh, một nhân vật có trí tuệ, mưu mô nhưng vốn dĩ không bộc lộ ra mặt thì thử thách là phải diễn xuất thế nào cho ra hình mẫu ấy. Yêu cầu nêu trên đòi hỏi diễn viên phải sử dụng ngôn ngữ biểu cảm tốt, từ ánh mắt đến cử chỉ, cách nhấn nhá câu chữ. Bên cạnh đó, những yếu tố khác như chọn bối cảnh quay cũng khiến đoàn phim gặp khó khăn vừa quay vừa làm công tác thuyết phục chính quyền, địa phương về những điều tốt đẹp bộ phim sẽ mang lại.
Những năm gần đây, trước thực trạng cả phim truyền hình và phim điện ảnh chủ yếu theo đuổi đề tài giải trí thì cách làm những bộ phim như Sinh tử với mục đích đề cập tới những vấn đề lớn, cấp bách của đời sống xã hội, nhất là chính trị của đất nước là một nỗ lực đáng ghi nhận. Cả ê-kíp phim đã tập trung cao độ công sức, tâm huyết vào sản phẩm mà ngay ở giai đoạn khởi động đã đầy rẫy khó khăn, lại luôn trong trạng thái khó đoán biết được phản ứng của khán giả. Thời điểm hiện tại, phim đã phát sóng được hơn 70 tập với sự quan tâm, theo dõi của số đông công chúng và được đánh giá cao từ giới chuyên môn, dẫu còn một số chi tiết chưa thật hoàn chỉnh. Thông qua Sinh tử, những nhà làm phim đã chuyển tải thông điệp quan trọng về đời sống xã hội đất nước; đồng thời góp tiếng nói cảnh tỉnh các thủ đoạn, hành vi sai trái, tiếp thêm niềm tin, hy vọng về sự chiến thắng của lẽ phải.