Liên quan quản lý hạ tầng đô thị dọc theo tuyến đường sắt qua địa bàn TPHCM, chiều nay (30-8), Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, UBND TPHCM đã kiến nghị Bộ GTVT bố trí kinh phí cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) khắc phục, sửa chữa các hàng rào bị hư hỏng trên địa bàn TPHCM và thường xuyên duy tu, sửa chữa kết cấu hạ tầng đường sắt, nhằm đảm bảo an toàn, an ninh và mỹ quan đô thị. Đồng thời, Bộ GTVT chỉ đạo VNR khẩn trương lập hồ sơ quản lý đất dành cho đường sắt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho TPHCM trong công tác giải quyết thủ tục chấp thuận xây dựng và cấp phép thi công công trình thiết yếu trong phạm vi liền kề dọc đường sắt theo quy định.
TPHCM kiến nghị Bộ GTVT khẩn trương lập hồ sơ quản lý đất dành cho đường sắt. Ảnh: QUỐC HÙNG |
Theo UBND TPHCM, năm 2020 UBND TPHCM đã đề nghị VNR chủ động phối hợp với Sở TN-MT TP và các quận có tuyến đường sắt đi qua lập hồ sơ quản lý đất dành cho kết cấu hạ tầng đường sắt để làm cơ sở xác định chỉ giới hành lang an toàn, bảo vệ đường sắt dọc hai bên đường sắt trên thực địa nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Việc này ảnh hưởng đến công tác quản lý sử dụng đất dành cho đường sắt, công tác giải quyết thủ tục chấp thuận xây dựng và cấp phép thi công công trình thiết yếu trong phạm vi liền kề dọc đường sắt theo quy định.
Về công tác quản lý, bảo trì hàng rào bảo vệ đường sắt, trước năm 2006, hành lang an toàn đường sắt trên địa bàn TPHCM thường xuyên bị lấn chiếm trái phép, gây mất an toàn, an ninh, mỹ quan đô thị hai bên tuyến đường sắt. Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng đã phối hợp xây dựng một số đoạn hàng rào bảo vệ dọc theo tuyến đường sắt đi qua địa bàn quận Gò Vấp, Bình Thạnh và TP Thủ Đức hiện một số đoạn bị hư hỏng, xuống cấp.
Hiện đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn TPHCM (quận 3, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh và TP Thủ Đức) chiều dài khoảng 14 km, có 3 nhà ga (ga Sài Gòn, Gò Vấp và Bình Triệu) và 24 vị trí đường ngang - đường sắt. Trong đó, có 21 đường ngang có người gác (do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam bố trí người gác), 3 đường ngang không có người gác (tổ chức phòng vệ theo hình thức cần chắn tự động) và không có đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt (chỉ có hai lối dân sinh tự mở đi bên dưới (không giao cắt cùng mức) cầu đường sắt tại Rạch Lăng). Tại các vị trí đường ngang không có người gác - đường ngang cảnh báo tự động và đường ngang có cần chắn tự động đều được thành phố bố trí lực lượng Thanh niên xung phong trực gác cảnh báo từ 6 giờ đến 22 giờ hàng ngày; trong các khung giờ cao điểm còn có thêm các lực lượng khác (như ủy ban nhân dân phường, công an phường,...) được bố trí tăng cường.