Nâng cao giá trị canh tác
Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, “hiện nay, việc CĐCCCT từ đất lúa sang các loại cây trồng khác trên địa bàn cả nước nói chung và vùng Bắc Trung Bộ nói riêng đang đạt kết quả tốt. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương thực hiện chuyển đổi thành công với những mô hình từ đất lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình như mô hình một vụ lạc hai vụ hành/năm cho thu nhập 220 đến 250 triệu đồng/ha/năm; mô hình chuyển đổi từ lúa sang trồng sen năng suất bình quân đạt từ 20 đến 22 tạ/ha, tương đương 100 đến 110 triệu đồng/ha, cao gấp ba đến bốn lần so với trồng lúa ở tỉnh Thừa Thiên Huế; mô hình chuyển đổi sang trồng cây thuốc lào cho thu nhập từ 200 đến 250 triệu đồng/năm/ha tại tỉnh Thanh Hóa; mô hình chuyển đổi sang trồng các loại cây gia vị cho thu nhập khoảng 360 triệu đồng/ha/năm, thu lãi từ 200 đến 225 triệu đồng tại tỉnh Nghệ An…"
Cũng theo ông Cường, mô hình chuyển đổi sang trồng cây đậu đỗ, rau màu, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận từ 18 đến 20 triệu đồng/ha hoặc sang trồng khoai lang, dưa hấu cũng cho thu nhập từ 80 đến 90 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận cao gấp hai đến ba lần so với trồng lúa. Tại các tỉnh Bắc Trung Bộ còn thực hiện chuyển đổi tại các vùng ruộng trũng sang mô hình một vụ lúa, một vụ cá trong năm, cho thu nhập bình quân từ 40 đến 70 triệu đồng/ha/năm.
Tại huyện Yên Thành (Nghệ An) thực hiện chủ trương CĐCCCT, gia đình anh Lê Văn Hải thuê thầu khu ruộng rộng hơn 1 ha gần trục đường khu vực xóm 6, xã Xuân Thành bị bỏ hoang và đầu tư hàng trăm triệu đồng để làm 1.300 m2 nhà lưới trồng dưa. Ngay vụ đầu, dưa ra quả đều, bình quân từ 1,6 đến 1,8 kg/quả, với giá bán tại ruộng 35 nghìn đồng/kg, cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, khu ruộng ngoài nhà lưới, anh Hải trồng thêm ngô, lạc... cho thu nhập đáng kể. Anh Hải cho biết sắp tới anh sẽ trồng thêm một vụ dưa nữa và gần Tết Nguyên đán sẽ chuyển sang trồng hoa ly, hoa cúc.
Cán bộ địa chính, nông nghiệp xã Xuân Thành, huyện Yên Thành Nguyễn Đình Tuyên cho biết: Trong số 355 ha trồng lúa của xã có gần 20% diện tích không chủ động được nước, hiện đang quy hoạch chuyển đổi dần sang trồng cây ngô, hoa màu. Bước đầu cho thu nhập cao hơn trồng lúa từ 5 đến 20 triệu đồng/ha. Ngoài ra, xã còn quy hoạch chuyển đổi vùng đất đồi từ trồng keo sang cây ăn quả như: bưởi da xanh, cam, mít Thái của hộ anh Phan Công Dũng, Nguyễn Cảnh Hiếu cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha.
Cũng nhờ chủ trương chuyển đất vùng đồi trồng keo sang trồng cây ăn quả, anh Trịnh Xuân Giáo thành lập Hợp tác xã (HTX) cam Thiên Sơn và chọn vùng đồi ở xóm Đồng Trung, xã Đồng Thành (Yên Thành) để khởi nghiệp. Để hướng tới xuất khẩu, anh Giáo mời chuyên gia tập huấn cách trồng cam theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Tháng 11/2020, HTX Thiên Sơn có 25 ha cam được công nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.
Cùng với đó, anh Giáo liên kết hàng chục hộ dân ở vùng đồi Đồng Thành và hướng dẫn quy trình kỹ thuật, cung cấp cây giống sạch bệnh, trồng hàng chục héc-ta cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, cam Đồng Thành, cam Thiên Sơn luôn đắt hàng với giá từ 30 đến 45 nghìn đồng/kg. Nếu như vùng đồi Đồng Thành trước đây chỉ trồng cây keo với thu nhập khoảng 15 đến 20 triệu đồng/ha/năm thì nay chuyển sang trồng cam sạch cho thu nhập 500 triệu đến một tỷ đồng/ha/năm.
Thay đổi phương thức sản xuất
Do tác động của BĐKH, hạn hán và lũ bão ngày càng khốc liệt, sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn. Xuất phát từ những đặc điểm đó, tỉnh đã chủ động thực hiện CĐCCCT trong nhiều năm qua bằng các giải pháp đồng bộ, mang lại hiệu quả cao.
Trong đó, thay vì duy trì từ 15.000 đến 17.000 ha sản xuất lạc như trước đây, nông dân giờ chỉ tập trung trồng lạc trên vùng cát bồi, đất pha với diện tích khoảng 8.000 ha, số còn lại đã được chuyển đổi sang trồng ngô sinh khối và rau màu để gia tăng hiệu quả sản xuất. Năm 2017, trên vùng đất hoang hóa, đất trồng rừng sản xuất kém hiệu quả ở vùng Trà Sơn, huyện Can Lộc, HTX Gia Phúc đã chuyển đổi 30 ha sang trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao.
Giám đốc HTX Gia Phúc, Lê Văn Hải cho biết, “sau một thời gian cải tạo đất, HTX đã trồng hơn 14.000 cây ăn quả đặc sản các loại như: cam Khe Mây, bưởi Phúc Trạch, mít Thái Lan, ổi, thanh long… Để hạn chế tác động của thời tiết, HTX đã đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, sử dụng công nghệ thông minh cung cấp nước tưới cho cây trồng”. Mô hình trồng cây ăn quả của HTX Gia Phúc là một trong những điểm sáng trên vùng khí hậu khắc nghiệt Trà Sơn. Tại vùng đất này hiện có 1.000 ha diện tích cây ăn quả có múi, giá trị kinh tế đạt 300 triệu đồng/ha.
Tại tỉnh Quảng Bình, cây cao-su là cây trồng chủ lực trên vùng gò đồi. Thực tế, loại cây này đã giúp nhiều nông dân trên địa bàn làm giàu khi giá mủ cao-su ở mức cao. Tuy nhiên, sau những trận bão các năm 2013, 2017 đã làm gãy đổ gần 10.000 ha cao-su. Vì vậy, tỉnh đã quyết định chuyển diện tích trồng cao-su sang trồng các loại cây khác hiệu quả và bền vững hơn, trong đó, huyện Bố Trạch đã thành công với mô hình trồng các cây dược liệu trên vùng gò đồi.
Giám đốc HTX dược liệu và nông nghiệp sạch xã Cự Nẫm, Nguyễn Thị Giang cho biết, “sau khi không thành công với một số loại cây trồng do ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai, HTX chuyển gần 15 ha sang trồng dược liệu như cao cà gai leo, chè vằng, chanh leo. Thực tế cho thấy những loại cây này phù hợp thổ nhưỡng vùng đồi và thời tiết khô hạn; chi phí đầu tư thấp nên nhanh thu hồi vốn. Nhờ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất khép kín, HTX đã tạo ra nhiều sản phẩm dược liệu chất lượng cao và mẫu mã đẹp. Cà gai leo do HTX sản xuất đã cung cấp cho hệ thống siêu thị và đại lý trong cả nước”. Theo chị Nguyễn Thị Giang, mỗi năm, 1 ha dược liệu sau khi trừ chi phí cho thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng, cao hơn nhiều loại cây trồng ở địa phương.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch, Nguyễn Cẩm Long, các loại cây dược liệu rất phù hợp tại đây, trong khi việc trồng và chăm sóc khá đơn giản, cây sinh trưởng phát triển nhanh. Khi trồng xen với các loại cây dài ngày, người dân có cả nguồn thu trước mắt cũng như lâu dài. Để khuyến khích sản xuất, huyện đưa cây dược liệu vào danh mục ưu tiên phát triển, với diện tích hơn 100 ha. Trên địa bàn đã có bốn doanh nghiệp đang đầu tư vùng nguyên liệu và xây dựng cơ sở chế biến dược liệu để cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước và nước ngoài, đồng thời liên kết sản xuất theo chuỗi với các HTX và hộ dân, bảo đảm đầu ra ổn định cho nhân dân.
Cục Trồng trọt cho biết, đối với các mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm như: mô hình cây tràm dược liệu cho thu nhập từ 60 đến 90 triệu đồng/ha, cao gấp 6 đến 10 lần so với trồng lúa; mô hình chuyển đổi sang trồng ổi, trồng cam… cho thu nhập từ 300 đến 360 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với trồng lúa từ 80 đến 90 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng bưởi, thanh long cho thu nhập cao từ 40 đến 200 triệu đồng/ha/năm.
(Còn nữa)