Già làng giúp dân xóa bỏ hủ tục

|

Đến thôn Rờ Kơi, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy (Kon Tum), hỏi câu chuyện về già A Im giúp dân làng xóa bỏ hủ tục thì không ai không biết. Nhờ kiên trì vận động, thuyết phục, đến nay già A Im đã giúp người dân xóa bỏ được suy nghĩ "thầy mo to hơn thầy thuốc".

Trước đây, cũng giống như nhiều người trong thôn, già A Im từng tin thầy mo hơn thầy thuốc. Đó là khi ông bị bệnh gan, thay vì đi đến các cơ sở y tế để điều trị, ông lại mời thầy mo về cúng bái. Ông cho biết: "Cúng bái mỗi khi ốm đau là tập tục được đồng bào thôn Rờ Kơi duy trì trong suốt thời gian dài. Bệnh nhẹ thì giết con gà, con lợn; bệnh nặng thì mổ con trâu, con bò... Nhưng kết quả là tốn tiền, mất nhiều thời gian mà bệnh không thuyên giảm". Nghe thời sự, đọc thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, già A Im nhận ra, "đau phải uống thuốc". Và bản thân ông quyết tâm thay đổi. Mỗi khi bệnh nặng hay nhẹ, ông đều đến các cơ sở y tế để khám. "Nghe theo chỉ dẫn của y sĩ, bác sĩ, bệnh mau khỏi mà không tốn nhiều chi phí", già A Im chia sẻ. Từ câu chuyện bản thân, già A Im xác định chỉ có vận động người dân bỏ hủ tục thì mới giữ gìn sức khỏe, đỡ hao tốn tiền vô lý, từ đó đời sống đồng bào mới khá lên được. Nghĩ là làm, già A Im đã phối hợp cùng các cấp chính quyền tại địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Trong thôn, nhà ai có người thân bị ốm đau, bệnh tật, già A Im đều đến thăm, vận động đưa người bệnh đến trạm y tế xã để khám và cứu chữa kịp thời. Già A Im chia sẻ: "Tôi kể ra những trường hợp cụ thể người trong làng tin thầy mo vừa tốn tiền bạc, vừa khiến bệnh nặng hơn để người dân nhận ra hậu quả. Ai không muốn nghe, cố tình tổ chức cúng bái, tôi sẽ báo với chính quyền địa phương".

Lấy bản thân nêu gương, già A Im cùng với các cấp chính quyền thôn, xã biên giới Rờ Kơi từng bước giúp người dân vùng biên nhận ra và xóa bỏ hủ tục lạc hậu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế của người dân. Già A Im phấn khởi cho biết: "Thay đổi nhận thức trong việc xóa bỏ những tập tục lạc hậu đã giúp cuộc sống của người dân ngày một tốt hơn. Không ai còn nghĩ đến cúng bái khi bản thân hay có người thân đau ốm".