Ở vai trò nào, ông cũng năng nổ, đặc biệt là luôn đi đầu trong công tác xóa nghèo ở bản xa dưới chân dãy Giăng Màn. Gần 60 tuổi, với vai trò là Chi hội trưởng nông dân, ông Hồ Khiên luôn tích cực động viên, hướng dẫn bà con rào vườn để trồng rau, cây ăn quả, tích cực làm lúa rẫy, trồng rừng, làm chuồng trại chăn nuôi xa nhà ở để hạn chế ô nhiễm môi trường.
Nghe và làm theo ông, nhiều hộ dân ở bản Dộ - Tà Vờng đã biết trồng rau, cây ăn quả như bưởi, thanh long, mít và chăn nuôi gia súc. Gần đây, ông Hồ Khiên làm cho dân bản thán phục là tự mình cải tạo đất, dẫn nước suối về làm lúa nước. Ðưa chúng tôi ra thăm ruộng lúa nước bậc thang, ông Hồ Khiên chia sẻ: "Xem ti-vi thấy ở vùng miền núi phía bắc người ta làm ruộng bậc thang, tôi suy nghĩ, điều kiện của mình cũng có thể làm được, sao không thử. Vậy là tôi một mình lên rẫy cách nhà khoảng 500 m để đào, cuốc, đắp bờ. Vụ lúa nước bậc thang đầu tiên tôi làm 688 m2, với giống lúa TH6, chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ, cuối vụ cho năng suất trung bình 50 tạ/ha".
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa Phạm Văn Bắc, để mở rộng diện tích lúa nước trong vụ thứ hai năm nay, lãnh đạo xã Trọng Hóa huy động máy móc, nhân lực, giúp ông Hồ Khiên làm mảnh ruộng thành những ô, thửa đẹp mắt. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ xã, ông Khiên ngâm, ủ giống rồi đưa vào gieo sạ. Ngày nào ông cũng có mặt ở ruộng để cho nước vào chân ruộng, theo dõi sự phát triển của cây lúa. Miền tây Quảng Bình vào mùa nắng cao điểm cùng với gió phơn tây nam thổi mạnh khiến cây lúa bắt đầu khô ngọn. Vậy mà ruộng lúa nước nhà ông Khiên vẫn xanh tốt, người dân kéo nhau đến xem, học hỏi kinh nghiệm. Ông Hồ Khiên nhiệt tình hỗ trợ, chỉ dẫn.
Bí thư Ðảng ủy xã Trọng Hóa, Hồ Thị Thoi khẳng định, việc đưa cây lúa nước lên miền non cao này là một hành trình, là bước đột phá để thay đổi tập quán sản xuất cho bà con người Khùa, Sách, Mày dưới dãy Trường Sơn. Ông Hồ Khiên là người Mày đầu tiên mạnh dạn khai hoang đồi núi làm lúa nước, mở ra hướng sản xuất mới để nâng cao đời sống cho đồng bào nơi đây.