Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) được thành lập vào năm 1971 theo ý tưởng của Chủ tịch, nhà sáng lập C.Sơ-oáp. Trong suốt chặng đường hoạt động 47 năm qua, WEF đã khẳng định vị thế là một trong những diễn đàn uy tín nhất thế giới thảo luận về các vấn đề kinh tế, phát triển cũng như những xu thế lớn tác động tới chính sách của các nước, khu vực và quốc tế ở cấp độ toàn cầu. WEF thu hút sự quan tâm và tham dự không chỉ của giới doanh nghiệp, mà còn của lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế, các nhà hoạt động xã hội… Diễn đàn quan trọng nhất của WEF là hội nghị hằng năm được tổ chức vào cuối tháng 1, tại Ða-vốt, Thụy Sĩ. Các hội nghị khu vực của WEF như Hội nghị WEF ASEAN; Hội nghị WEF Thiên Tân (hoặc Ðại Liên) ở Trung Quốc… cũng được đánh giá cao.
Việt Nam, nền kinh tế phát triển năng động tại khu vực Ðông - Nam Á, là đối tác quan trọng của WEF trong ASEAN. Từ vai trò cầu nối để Việt Nam thúc đẩy quan hệ kinh tế với các nước phát triển trong điều kiện nước ta bị bao vây, cấm vận, cho đến nay, WEF đã trở thành diễn đàn đối thoại quan trọng của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam với các tập đoàn hàng đầu thế giới, mở ra những cơ hội đầu tư và phát triển. Hiện WEF mong muốn tăng cường hợp tác về nhiều mặt với Việt Nam, quốc gia đóng vai trò tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế của ASEAN. Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và WEF về "Phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai" đang được hai bên tích cực triển khai.
Kể từ khi thiết lập quan hệ hợp tác vào năm 1989, Việt Nam luôn tham gia có trách nhiệm và hiệu quả vào các sáng kiến của WEF, như "Tầm nhìn mới cho nông nghiệp", "Tăng trưởng châu Á", "Liên minh hành động vì tăng trưởng xanh"…, truyền tải hình ảnh một quốc gia tích cực đóng góp giải quyết những vấn đề chung của toàn cầu, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng. Giám đốc điều hành của WEF P.Râu-xlơ đã nhiều lần thăm làm việc tại Việt Nam. Lãnh đạo cấp cao nước ta cũng thường xuyên tham dự Hội nghị WEF Ða-vốt, Hội nghị WEF Ðông Á (tiền thân của Hội nghị WEF ASEAN). Tại các hội nghị này, Ðoàn Việt Nam luôn truyền tải mạnh mẽ thông điệp về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam, những quyết tâm của Việt Nam trong đổi mới toàn diện đất nước và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Hội nghị WEF ASEAN 2018 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11 đến 13-9 là diễn đàn quan trọng để lãnh đạo các Chính phủ cùng những doanh nghiệp lớn của các nước ASEAN thảo luận, chia sẻ tầm nhìn, ý tưởng và định hướng chính sách về những vấn đề quan trọng của khu vực. Chủ đề của Hội nghị năm nay được đánh giá là thiết thực, đáp ứng sự quan tâm chung của các nước ASEAN và các đối tác, đồng thời gắn với chủ đề của ASEAN năm 2018 là "ASEAN tự cường và sáng tạo". Hội nghị có khoảng 60 phiên thảo luận, tập trung vào những vấn đề cấp thiết liên quan cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), như xác định tầm nhìn mới cho ASEAN về hội nhập khu vực; phát triển cơ sở hạ tầng thông minh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0…, qua đó phát huy tối đa tiềm năng và bản lĩnh của ASEAN trong thời đại mới.
Việc Việt Nam đăng cai Hội nghị WEF ASEAN 2018 không chỉ tạo cơ hội để tăng cường quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước đến khu vực và thế giới, mà còn khẳng định chủ trương tích cực, chủ động hội nhập quốc tế của Ðảng và Nhà nước ta, thể hiện sự đóng góp tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam đối với những vấn đề chung trong quá trình phát triển, hội nhập của khu vực. Hội nghị cũng là dịp để thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam với những tập đoàn hàng đầu thế giới; đồng thời làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Việt Nam và WEF. Thông qua Hội nghị WEF ASEAN 2018, Việt Nam tiếp tục tạo ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế về một đất nước hòa bình, ổn định, phát triển năng động.
Với thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao, cùng sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế, chắc chắn rằng, Hội nghị WEF ASEAN 2018 do Việt Nam đăng cai sẽ thành công tốt đẹp, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện quyết tâm của Việt Nam góp phần xây dựng khu vực ASEAN hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng trong thời đại CMCN 4.0.