Tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công

|

Sau hơn bảy năm triển khai chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng (NCC) về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTG ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 22) hàng trăm nghìn hộ gia đình NCC đã được sống trong những ngôi nhà mới, hàng trăm nghìn ngôi nhà dột nát, xuống cấp được sửa chữa... Chính sách hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 22 đã có sức lan tỏa, góp phần nâng cao nhận thức xã hội, kêu gọi cộng đồng cùng tham gia vào công tác hỗ trợ, chăm lo đời sống NCC, tạo niềm tin sâu sắc vào chính sách đền ơn, đáp nghĩa đối với NCC.

Niềm vui trong căn nhà mới

Chúng tôi đến nhà bà Dương Thị Chất (sinh năm 1941), tại xóm La Cảnh 2, xã Bá Xuyên, TP Sông Công (Thái Nguyên) vào cuối chiều một ngày giữa tháng 7. Bà mẹ già bước sang tuổi 80 cùng cô con gái dù đã suýt soát 50 tuổi nhưng lúc nào cũng hồn nhiên, vui vẻ, không giấu nổi niềm vui khi trò chuyện với khách trong căn nhà mới. Phó Bí thư Đảng ủy xã Bá Xuyên cho biết:  Bà Chất là vợ liệt sĩ, cô con gái ở cùng bà thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, cho nên đây là một hộ gia đình NCC có hoàn cảnh khó khăn. TP Sông Công đã giao Thành đội TP Sông Công phụ trách hỗ trợ nhà ở cho gia đình bà Chất. Căn nhà mới rộng 60 m2 trị giá hơn 400 triệu đồng, cùng nhiều đồ dùng mới, là sự góp công, góp sức của nhiều đơn vị đã được bàn giao cho gia đình bà Chất cuối năm 2018. 

Trong ngôi nhà mới, thương binh Nguyễn Tiến Lục (sinh năm 1945), tại khu 2, phường Hà An, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) kể cho chúng tôi nghe, đã hơn hai năm nay, hai vợ chồng bác không phải kê từng viên gạch để bước vào nhà trong những ngày mưa gió, lụt lội. Căn nhà lợp bờ-rô xi-măng xây từ năm 1983 dột nát, thấp hơn mặt đường và những nhà chung quanh cho nên chịu cảnh ngập nước quanh năm khi mưa gió, giờ đã được thay bằng căn nhà mái bằng khang trang, trị giá hơn 600 triệu đồng. Bác Lục chia sẻ, bác vốn là chiến sĩ của Đoàn tàu không số, rồi về nghỉ chế độ, có ba người con nhưng gia đình các con đều khó khăn, bản thân chỉ hưởng chế độ trợ cấp hơn hai triệu đồng mỗi tháng. Khi được Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng, Quân chủng Hải quân tặng 70 triệu đồng để làm nhà, hai vợ chồng bác vẫn lo lắng khi cả nhà chưa lo đủ tiền. Nhưng với sự quan tâm của các tổ chức đoàn thể địa phương, mọi người chia sẻ, nhất là sự hỗ trợ của Lữ đoàn Hải quân 147, đúng ngày 22-11-2018 gia đình bác Lục đã được ở trong ngôi nhà mới. Bác nói: Giờ tôi không còn lo lắng nhà chật không có chỗ ngồi khi mời anh em đồng ngũ đến chơi nhà, nhưng quan trọng hơn, khoản nợ vay mượn anh em, bạn bè khi làm nhà cũng đã trả gần xong…

Nâng cao chất lượng đời sống NCC

Phó Cục trưởng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng cho biết: Tính đến ngày 31-12-2019 theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, cả nước đã hoàn thành hỗ trợ cho 327.991 hộ (gồm 155.773 hộ xây mới và 172.218 hộ sửa chữa). Đồng thời, sau khi rà soát đã không thực hiện hỗ trợ, loại khỏi đề án khoảng 33.650 hộ do không đúng đối tượng và điều kiện theo quy định của chính sách. Như vậy, theo số liệu thực tế chưa đầy đủ của các địa phương trên cả nước chỉ còn khoảng 360 nghìn hộ thuộc diện được hỗ trợ và  tỷ lệ hoàn thành hỗ trợ đạt khoảng 91,1%.

Có thể thấy rõ, đời sống của NCC với cách mạng sau khi hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 22 đã được nâng cao hơn trước, nhà cửa khang trang, bền chắc, có diện tích sử dụng tối thiểu 30 m2, được bảo đảm về vệ sinh môi trường, chắc chắn, tránh được tác động xấu của thời tiết... Quan trọng hơn, chính sách hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 22 đã có sức lan tỏa, góp phần nâng cao nhận thức xã hội, kêu gọi các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tích cực cùng tham gia vào công tác hỗ trợ, ủng hộ, chăm lo đời sống NCC, tạo niềm tin sâu sắc vào công cuộc đền ơn, đáp nghĩa đối với NCC với  cách mạng. Từ khi có Quyết định 22, việc hỗ trợ gia đình NCC với cách mạng về nhà ở tại nhiều địa phương đã được thực hiện kết hợp, lồng ghép với các hình thức hỗ trợ khác, như: hỗ trợ về ngày công của cộng đồng dân cư, hỗ trợ kinh phí từ Quỹ đền ơn, đáp nghĩa các cấp, sự giúp đỡ từ các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp và việc xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết... từ đó đã góp phần giảm số lượng hộ gia đình NCC có khó khăn về nhà ở.

Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai chính sách và phản ánh từ các bộ, ngành, địa phương, có thể thấy còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Trên thực tế, số lượng NCC với cách mạng cần hỗ trợ về nhà ở liên tục biến động theo hướng tăng theo từng năm. Vì vậy, việc tổng hợp, thống kê “chốt” số lượng của các bộ, ngành gặp nhiều khó khăn. Như việc, sau khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) đã thẩm tra xong đề án hỗ trợ nhà ở của 63 địa phương tính đến ngày 31-5-2017, nhưng đến hết năm 2019, các địa phương tiếp tục đề nghị bổ sung thêm khoảng 46.000 hộ.

Việc cấp kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các địa phương thực hiện chậm, dàn trải làm nhiều đợt dẫn đến việc thực hiện bị chậm so với kế hoạch ban đầu. Một số địa phương thực hiện quy trình rà soát, kiểm tra, xác định đối tượng và hiện trạng nhà của chính quyền cấp cơ sở (cấp huyện, xã) còn thiếu chặt chẽ, chưa thật sự chính xác, chưa bám sát quy định... Bên cạnh đó, còn phát sinh một số vướng mắc từ phía hộ gia đình NCC, như: một số hộ gia đình NCC thuộc diện hỗ trợ, nhưng do nhiều nguyên nhân cho nên muốn chuyển đổi hình thức hỗ trợ từ xây mới sang sửa chữa, cải tạo hoặc ngược lại; một số hộ NCC thuộc diện được hỗ trợ nhưng chuyển đi nơi khác sinh sống hoặc phát sinh tranh chấp; vướng mắc về đất đai, quy hoạch; một số hộ thì không đủ điều kiện kinh tế để cùng với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước thực hiện xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở...

Tập trung tháo gỡ vướng mắc

Tỉnh Quảng Ninh là một trong số các địa phương có số lượng lớn NCC được hỗ trợ nhà ở, đã hoàn thành và về đích sớm trong cả nước. Báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh cho thấy, kết quả thực hiện đề án đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho NCC với cách mạng với tổng số 9.657 hộ (gồm 5.179 hộ xây mới và 4.478 hộ sửa chữa), với tổng mức đầu tư hơn 1.370 tỷ đồng (trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp hơn 370 tỷ đồng, kinh phí đối ứng của các hộ gia đình ước hơn 1.000 tỷ đồng). Là địa phương về đích sớm, Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên chủ động chuyển sang hỗ trợ nhà ở cho NCC giai đoạn 3. Theo đó, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1491 ngày 8-5-2020 phê duyệt Đề án hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh - giai đoạn 3, với tổng số 2.840 hộ gia đình NCC (1.514 hộ xây mới và 1.326 hộ sửa chữa), tổng kinh phí dự kiến hơn 131 tỷ đồng, mức hỗ trợ bằng giai đoạn 2 (là hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ xây mới và 30 triệu đồng/hộ sửa chữa)…

Từ kết quả và kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Quyết định 22 trên địa bàn, Sở Xây dựng Quảng Ninh kiến nghị Bộ Xây dựng và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội (NCC, người nghèo, người có thu nhập thấp…) trên cả nước nói chung cũng như địa bàn tỉnh. Đồng thời, cần tiếp tục hỗ trợ nguồn lực để các địa phương thực hiện, như hiện nay Quảng Ninh vẫn còn khoảng 3.500 hộ NCC cần tiếp tục được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 22.

Đây cũng là những vướng mắc chính tại nhiều địa phương khi số hộ gia đình NCC cần hỗ trợ nhà ở phát sinh nhiều hơn so với thống kê trước đó. Trước những phát sinh, vướng mắc trong quá trình thực hiện, các địa phương cũng đã có kiến nghị gửi Bộ Xây dựng. Trong đó, một số địa phương đề nghị được sử dụng số kinh phí còn dư mà ngân sách trung ương đã cấp để thực hiện hỗ trợ các trường hợp NCC với cách mạng có khó khăn về nhà ở mới phát sinh ngoài đề án đã được Bộ LĐ-TB và XH thẩm tra tính đến ngày 31-5-2017. Tuy nhiên, về vấn đề này, ngày 12-5-2020, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Tài chính thu hồi về ngân sách trung ương đối với số kinh phí còn dư theo đúng quy định. Nhiều địa phương cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện Quyết định 22 hoặc có chính sách mới để tiếp tục thực hiện hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở, đặc biệt là hỗ trợ cho nhóm đối tượng đã có tên trong đề án nhưng chưa thực hiện hỗ trợ tính đến thời điểm 31-12-2019.  

Có thể thấy, nước ta vẫn cần các chính sách tiếp tục hỗ trợ NCC với cách mạng cải thiện nhà ở. Tuy nhiên, trong đó, cần đẩy mạnh khuyến khích, kêu gọi xã hội hóa việc thực hiện hỗ trợ, kết hợp giữa chính sách hỗ trợ của Nhà nước với sự tham gia của cộng đồng, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân để tăng mức kinh phí hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng nhà ở cho NCC với cách mạng. 

Để thực hiện Quyết định 22, Bộ LĐ-TB và XH đã thẩm tra Đề án hỗ trợ NCC về nhà ở của 63 tỉnh, thành phố tính đến ngày 31-5-2017 và được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25-7-2017. Theo đó, tổng số hộ NCC thuộc diện được hỗ trợ nhà ở của cả nước theo Quyết định 22 là 393.707 hộ, gồm 184.695 hộ xây mới và 209.012 hộ sửa chữa. Trong đó, giai đoạn 1 (từ tháng 4-2013 đến tháng 5-2017) hỗ trợ 80.000 hộ và giai đoạn 2 (từ tháng 6-2017 đến 31-12-2019) hỗ trợ 313.707 hộ.

Tại một số địa phương còn huy động sự tham gia của cộng đồng và từ các nguồn khác để hỗ trợ thêm cho các hộ gia đình NCC nhằm nâng cao chất lượng nhà ở. Trong giai đoạn 1: Thái Bình, Hà Tĩnh hỗ trợ thêm 10 triệu đồng/hộ cho cả xây mới và sửa chữa, cải tạo; TP Đà Nẵng hỗ trợ thêm 20 triệu đồng/hộ xây mới, từ 5 đến 10 triệu đồng/hộ sửa chữa xuống cấp nặng; TP Hồ Chí Minh hỗ trợ thêm 20 triệu đồng/hộ cho cả xây mới và sửa chữa; An Giang trích từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa để hỗ trợ thêm 10 triệu đồng/hộ xây mới…