Theo nhận định của các chuyên gia, kỳ điều chỉnh giá xăng dầu vào hôm nay (11/3) sẽ tiếp tục khiến hàng loạt loại hàng hóa khác rục rịch tăng theo. Do đó, các ngành chức năng cần tăng cường thanh kiểm tra, giám sát thị trường nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Theo phản ánh của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, bên cạnh khó khăn về nguồn cung, hiện các cửa hàng đang “đứng ngồi không yên” do giá xăng dầu liên tục tăng cao. Tình hình này không được cải thiện sẽ khiến các cửa hàng rơi vào tình trạng càng bán càng lỗ. Mức chiết khấu mỗi lít xăng hiện là 240 đồng; đủ chi phí đưa xăng dầu về cửa hàng. Còn các chi phí khác như nhân công, kho bãi, phí hao hụt,... doanh nghiệp đều phải “cắn răng, tự chịu”, với khoản thua lỗ lên đến hàng tỷ đồng trong khoảng 1-2 tháng qua.
Tương tự, các doanh nghiệp vận tải đang sụt giảm lượng khách do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiếp tục đối mặt khó khăn khi xăng dầu liên tục tăng giá. Bên cạnh điều chỉnh tần suất hoạt động, các nhà xe đã tăng giá cước vận chuyển nhằm giảm lỗ: hãng Grab Việt Nam tăng giá Grab Car thêm 2.000 đồng/km; taxi Sông Nhuệ, taxi Phượng Hoàng tăng 1.000 đồng/km,...
Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao thì việc các hãng xe đồng loạt tăng giá là điều không thể tránh, và lúc đó hàng loạt hàng hóa khác sẽ tăng theo. Và hệ lụy là người dân, doanh nghiệp liên quan phải gánh chịu thiệt hại.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục triển khai giải pháp bảo đảm đủ xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân; đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý ngay các hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Bộ cần theo dõi sát diễn biến tình hình xăng dầu để có chính sách hỗ trợ phù hợp về giá, bảo đảm cân đối cung-cầu, không thể để thiếu nguồn hàng; chủ trì, chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đầu mối nhập khẩu để nhập khẩu hợp lý, tiết kiệm ngoại tệ, bảo đảm nhu cầu trong nước. Bộ Công thương cũng cần tính toán kỹ lưỡng, tăng giá xăng dầu phải sát với thị trường, tiết kiệm tối đa có thể, theo nguyên tắc sử dụng Quỹ bình ổn giá, tiết kiệm chi phí trong kinh doanh xăng dầu để hỗ trợ người dân, hỗ trợ nền kinh tế.
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Việc chủ động nguồn cung, tránh tác động tiêu cực đối với nền kinh tế khi giá cả liên tục “leo thang” có ý nghĩa hết sức cấp thiết.
Để ngăn chặn tình trạng “té nước theo mưa”, các loại hàng hóa ồ ạt tăng giá trong thời gian tới, các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai, tăng giá bán hàng hóa. Đặc biệt, kiên quyết không cho kê khai tăng giá cước khi không có đủ cơ sở, phù hợp với tỷ lệ tăng giá nhiên liệu.
Để kiểm soát việc bình ổn giá trên thị trường, không để “bàn tay vô hình thị trường thao túng, lũng đoạn, giờ là lúc khẳng định vai trò điều tiết của Nhà nước. Chính quyền cơ sở và lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường thanh kiểm tra, giám sát thị trường nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, tăng giá hàng hóa vô tội vạ dưới lý do “xăng dầu tăng giá” nhằm trục lợi.
Nhà nước và các bộ, ngành chức năng cũng cần nghiên cứu, điều chỉnh theo hướng giảm các loại thuế phí liên quan tới xăng dầu, đặc biệt là nhanh chóng đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn giảm thuế bảo vệ môi trường với mức tối ưu nhất (giảm hơn 50-70% so với mức thu hiện tại) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19 và ổn định giá cả hàng hóa trên thị trường.