Góp phần quảng bá thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam

|

Nhận lời mời của Chủ tịch sáng lập và điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới Clau-xơ Sơ-oáp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị hằng năm Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019 (WEF Ða-vốt 2019) tại Thụy Sĩ.

Với chủ đề: "Toàn cầu hóa 4.0: Ðịnh hình cấu trúc toàn cầu trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư", Hội nghị WEF Ða-vốt 2019 với sự tham dự của gần 3.000 đại biểu nhằm đánh giá tác động việc hợp tác, đối thoại để xử lý các vấn đề địa chính trị; thúc đẩy cải cách các khuôn khổ thể chế toàn cầu hiện nay để thích ứng với bối cảnh mới; định hình các quy định, khuôn khổ thể chế mới, nhằm thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong các lĩnh vực…

Diễn đàn Kinh tế thế giới là một diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều quốc gia trên thế giới tham gia với mục tiêu chung là giải quyết những vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu.

Chính mục tiêu bao quát này đã giúp WEF mở ra một kênh quan hệ, một diễn đàn tiếp xúc song phương, đa phương, thu hút sự tham gia của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn hàng đầu thế giới cùng chia sẻ tầm nhìn và đề xuất hành động vì sự thịnh vượng chung của thế giới. Diễn đàn quan trọng nhất của WEF là Hội nghị được tổ chức vào cuối tháng 1 hằng năm tại Ða-vốt, Thụy Sĩ. Bên cạnh đó là các diễn đàn khu vực, tiêu biểu là Hội nghị WEF Thiên Tân (hoặc Ðại Liên) tại Trung Quốc, Hội nghị WEF về ASEAN (trước năm 2016 là WEF Ðông Á), về Ấn Ðộ, về Mỹ la-tinh, về Trung Ðông…, nhằm trao đổi và đánh giá các vấn đề phát triển của khu vực.

Kể từ khi tham gia WEF vào năm 1989, quan hệ giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới phát triển nhanh chóng trên nhiều mặt. Mối quan hệ này được đánh dấu bằng các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao giữa hai bên. Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới P.Rô-e-xlơ đã thăm Việt Nam liên tiếp trong ba năm 2014, 2015 và 2016. Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thường xuyên tham dự các Hội nghị WEF Ða-vốt và Hội nghị WEF ASEAN. Các cuộc tiếp xúc song phương giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam với lãnh đạo các nước trên thế giới cũng như lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu, là cơ hội trao đổi về phương hướng phát triển của nền kinh tế Việt Nam, góp phần xây dựng đường lối, chính sách phát triển cho nước ta.

Bên cạnh việc tham dự các Hội nghị WEF, Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới đã mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực: nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hợp tác trong công nghiệp, nông nghiệp… Việt Nam luôn tham gia tích cực và có hiệu quả các sáng kiến của Diễn đàn Kinh tế thế giới như "Tầm nhìn mới cho nông nghiệp", "Tăng trưởng châu Á", "Liên minh hành động vì tăng trưởng xanh", "Ðịnh hình hệ thống sản xuất toàn cầu"…

Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới đã phối hợp tổ chức thành công nhiều Hội nghị của WEF ở khu vực. Năm 2010, Việt Nam đăng cai Hội nghị WEF Ðông Á được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, thu hút khoảng 450 đại biểu tham gia. Việt Nam đã đưa ra sáng kiến và tổ chức thành công Hội nghị WEF - Mê Công tháng 10-2016 tại Hà Nội, nhằm quảng bá tiểu vùng Mê Công đến các tập đoàn hàng đầu thế giới. Tháng 9-2018, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị WEF về ASEAN (WEF ASEAN 2018)
tại Hà Nội. Chủ tịch sáng lập WEF đánh giá Hội nghị WEF ASEAN 2018 thành công nhất trong 27 năm tổ chức Hội nghị WEF tại khu vực. Theo đó, nội dung Hội nghị phù hợp các nước ASEAN và Việt Nam trong bối cảnh các nước đều phải vươn lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Ðáng chú ý, những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước tham gia các hoạt động của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Hiện Việt Nam có 10 tập đoàn, công ty lớn là thành viên của WEF. Các doanh nghiệp này đã tận dụng WEF để xây dựng các mạng lưới hợp tác, trao đổi kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp, đóng góp vào hệ giá trị kinh tế toàn cầu.

Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị WEF Ða-vốt 2019 sẽ góp phần quảng bá thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong năm 2018; truyền tải thông điệp về đường lối, định hướng, chính sách, biện pháp lớn của Chính phủ Việt Nam về phát triển kinh tế-xã hội năm 2019. Theo đó, Việt Nam quyết tâm xây dựng Chính phủ hành động và kiến tạo phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất; qua đó, thúc đẩy các đối tác, tập đoàn hàng đầu thế giới tăng cường hợp tác với Việt Nam, góp phần củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Chúc chuyến tham dự Hội nghị WEF Ða-vốt 2019 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thành công tốt đẹp, góp phần tăng cường quan hệ gắn bó giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới.