Hệ thống chính trị mạnh, đồng thuận
Cùng nhiều địa phương của huyện, xã Nghĩa Đạo xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp. Bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Thi chia sẻ, Đảng bộ xã vừa qua nhiệm kỳ 5 năm với nhiều bài học có ý nghĩa. Cũng như các xã toàn huyện, Nghĩa Đạo đã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM. Trong đó có bài học, thành quả chung là hệ thống chính trị vững mạnh, dân chủ ở cơ sở được phát huy, đời sống nhân dân được cải thiện. Đó cũng là những tiền đề, nền tảng để nhiệm kỳ mới xã phấn đấu tiếp tục chuyển dịch cơ cấu sản xuất, lao động; thu nhập bình quân người dân đạt 130% so với năm 2019; trở thành xã NTM nâng cao; Đảng bộ xã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…
Trước đây, khi bắt đầu xây dựng NTM, phần lớn người dân Thuận Thành chưa hiểu được vai trò chủ thể của mình trong thực hiện chương trình, còn tâm lý trông chờ sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước. Mặt khác, hạ tầng cơ sở của huyện còn lạc hậu, cần nguồn lực đầu tư lớn, nguồn thu ở các xã lại hạn chế, kinh phí đầu tư của Trung ương, của tỉnh còn khó khăn.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Hoàng cho biết, trong bối cảnh đó, các cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung việc xây dựng nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Phương châm là hệ thống chính trị tập trung, thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ các giải pháp xây dựng NTM.
Huyện tổ chức bồi dưỡng hàng nghìn cấp ủy viên các cấp; cử 1.232 cán bộ, công chức cấp xã tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, chuyên ngành. Bảo đảm đủ số lượng, 100% tổng số cán bộ, công chức toàn huyện đạt chuẩn theo quy định.
Đảng bộ huyện được ghi nhận trong triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết T.Ư4 (khóa XI, XII); Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy, chính quyền coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ trong từng năm, từng giai đoạn đã ban hành những quyết sách đúng đắn, cách làm phù hợp với thực tiễn của địa phương, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của các chi bộ khu dân cư và vai trò của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Đảng bộ 17 xã của huyện nhiều năm liền đều xếp loại “Trong sạch, vững mạnh”; 100% chính quyền xã đạt danh hiệu “Chính quyền cơ sở vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Đây chính là yếu tố tiên quyết, nền tảng trong lãnh đạo, chỉ đạo để tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xây dựng NTM ở huyện Thuận Thành.
Phát huy nội lực phát triển sản xuất
Vào những ngày đầu tháng 6, diện tích lúa xuân của xã Trạm Lộ đang bước vào giai đoạn đỏ đuôi, chín rộ. Vụ xuân năm nay, xã Trạm Lộ gieo cấy 549 ha. Ông Trần Tân, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã chia sẻ: Nhiều năm qua, Trạm Lộ tăng cường các biện pháp hỗ trợ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất các khâu làm đất, thu hoạch, nhất là cải tiến phương pháp gieo cấy. UBND huyện, cơ quan chức năng cùng địa phương kịp thời giải quyết, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại cơ sở. Trạm Lộ cũng như các xã toàn huyện đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đồng bộ, hiệu quả.
Ban Chỉ đạo, các cơ quan chức năng của huyện tập trung đáp ứng nội dung, yêu cầu của Chương trình xây dựng NTM bảo đảm phát huy được tiềm năng, lợi thế, chú trọng đến việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với cấp trên, huyện có chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích, tạo điều kiện cao nhất cho người dân và các tổ chức kinh tế vay vốn tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Hình thức tổ chức phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đổi mới theo hướng tăng cường liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Toàn huyện đã có 54 hợp tác xã. Các hợp tác xã bước đầu hình thành được chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân, từng bước mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ ra tỉnh lân cận và hướng tới xuất khẩu. Các xã đều chủ động dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả. Thuận Thành đã hình thành nhiều mô hình sản xuất, phát triển kinh tế trang trại gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Huyện tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm an toàn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.
Đồng thời, Thuận Thành tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ. Trên địa bàn huyện đã hình thành và phát triển hai khu công nghiệp và ba cụm công nghiệp (Thanh Khương, Xuân Lâm, Hà Mãn - Trí Quả) thu hút được các doanh nghiệp vào đầu tư mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm cho khoảng 15 nghìn lao động. Đời sống người dân được cải thiện. Theo khảo sát mới đây, thu nhập bình quân đầu người ở 17 xã đạt gần 48 triệu đồng/năm, tăng hơn 32 triệu đồng/năm so với năm 2010.
Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường trên địa bàn Thuận Thành ngày càng được nâng cao; môi trường sinh thái được bảo vệ; trật tự an toàn xã hội bảo đảm; hệ thống tổ chức chính trị của huyện ngày càng vững mạnh. Đồng chí Nguyễn Thị Liên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy chia sẻ, trên cơ sở kinh nghiệm có được, Huyện Thuận Thành đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị; tăng cường vai trò giám sát, đánh giá, phản biện xã hội; phát huy dân chủ ở cơ sở, nội lực trong nhân dân. Tất cả nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng thành công huyện Thuận Thành là NTM kiểu mẫu trong nhiệm kỳ mới.