Tiến tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân

|

Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam năm 2020 có chủ đề: "Thực hiện nghiêm Luật BHYT hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân". Tuy nhiên, làm thế nào để tiếp tục nâng cao hơn nữa trách nhiệm và năng lực tổ chức thực hiện chính sách pháp luật BHYT; tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về chính sách, pháp luật BHYT, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tích cực tham gia để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân...? Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam PHẠM LƯƠNG SƠN (trong ảnh) về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Sau gần sáu năm thực hiện Luật BHYT sửa đổi, đồng chí đánh giá thế nào về những kết quả đã đạt được? Theo đồng chí, đâu là thành tựu lớn nhất của chính sách BHYT tính đến nay?

Ðồng chí Phạm Lương Sơn:

Ngày 13-6-2014, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT số 46/2014/QH13, có hiệu lực từ ngày 1-1-2015. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, thành tựu nổi bật của chính sách BHYT đó là: Tính đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đã đạt gần 90% dân số; nhận thức của người dân, doanh nghiệp, người lao động và cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) về BHYT đã được nâng cao rõ rệt, việc tuân thủ pháp luật BHYT ngày càng tốt; quyền lợi của người tham gia BHYT được bảo đảm, người dân tin tưởng và hài lòng khi sử dụng thẻ BHYT. Nếu như năm 2014, mới có 2.111 cơ sở KCB ký hợp đồng KCB BHYT với cơ quan BHXH, thì đến tháng 6-2020, số cơ sở KCB BHYT là 2.571 cơ sở KCB, tăng 22% so năm 2014. Ðặc biệt là, số cơ sở KCB tư nhân tham gia KCB BHYT đã tăng gần gấp đôi từ 424 cơ sở KCB năm 2014 lên 835 cơ sở KCB năm 2020. Bên cạnh đó, số lượt KCB BHYT được quỹ BHYT chi trả cũng tăng mạnh từ 136,5 triệu lượt KCB năm 2014 lên khoảng 184,5 triệu lượt KCB năm 2019; ước tính sáu tháng đầu năm 2020 số lượt KCB BHYT đề nghị thanh toán là khoảng 76,4 triệu. Phạm vi hưởng BHYT cũng được mở rộng, đến nay đã có hơn 18 nghìn dịch vụ kỹ thuật, hơn 1.000 thuốc hóa dược, sinh phẩm và hàng trăm thuốc đông y, thuốc từ dược liệu được quỹ BHYT thanh toán. Nhiều trường hợp người bệnh đã được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB BHYT trong năm lên đến hàng tỷ đồng… Có thể khẳng định, chính sách BHYT đã thật sự trở thành một trong các trụ cột an sinh xã hội không thể thiếu trong đời sống của người dân.

PV: Tuy nhiên, còn không ít khó khăn để chúng ta đạt được mục tiêu BHYT toàn dân. Theo đồng chí, cần phải tập trung vào những vấn đề gì để các mục tiêu này trở thành hiện thực?

Ðồng chí Phạm Lương Sơn:

Thời gian tới, để đạt được mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, cần sự đặc biệt quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội. Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, cơ chế chính sách về BHYT, nhất là chính sách hỗ trợ tham gia BHYT đối với người lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp tham gia BHYT theo diện gia đình, quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ khi tham gia BHYT. Xây dựng cơ chế quản lý Quỹ BHYT hiệu quả, phòng chống lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT. Ðồng thời, tăng cường chỉ đạo công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật BHYT, BHXH; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về BHYT, BHXH…

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, BHXH Việt Nam hiện cũng gặp nhiều khó khăn, như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật BHYT còn chưa đồng bộ, hoặc thiếu, hoặc không còn phù hợp thực tiễn nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, dẫn đến đôi khi chưa bảo đảm được quyền lợi của người tham gia BHYT. Bộ Y tế chưa ban hành đầy đủ quy trình chuyên môn, phác đồ điều trị, hướng dẫn điều trị…, thiếu căn cứ giám định bảo đảm quyền lợi trong KCB BHYT, khó khăn trong giám định, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT giữa cơ quan BHXH và cơ sở KCB.

Cùng với đó, công tác phát triển đối tượng cũng gặp khó khăn khi tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT của chủ sử dụng lao động xảy ra ở hầu hết các địa phương gây ảnh hưởng quyền lợi BHYT của người lao động; vẫn còn tình trạng "lựa chọn ngược" khi ốm đau mới tham gia BHYT. Trong khi đó, chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc tham gia BHYT chưa đủ sức răn đe, dẫn đến việc tuân thủ pháp luật của người dân không nghiêm…

Ngoài ra, phạm vi quyền lợi hưởng BHYT được thiết kế khá cao so với mức đóng, ảnh hưởng đến khả năng cân đối quỹ BHYT (quỹ BHYT thanh toán hơn 18 nghìn dịch vụ kỹ thuật (DVKT), hơn 1.000 thuốc hóa dược, sinh phẩm và hàng trăm thuốc đông y, thuốc từ dược liệu nhưng chỉ có 140 DVKT, 187 thuốc hóa dược, sinh phẩm và 19 thuốc đông y, thuốc từ dược liệu có quy định điều kiện, tỷ lệ thanh toán… Bên cạnh đó, cơ quan BHXH mới chỉ được giao thẩm quyền thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT, chưa được giao chức năng thanh tra chuyên ngành về KCB BHYT, dẫn đến khó khăn trong việc xử lý kịp thời các vi phạm trong công tác KCB BHYT.

PV: Nguồn quỹ BHYT an toàn và sử dụng hợp lý là điều kiện quan trọng để bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Ðồng chí đánh giá thế nào về thực trạng sử dụng quỹ KCB BHYT hiện nay?

Ðồng chí Phạm Lương Sơn: Trong những năm qua, BHXH Việt Nam luôn thực hiện đúng các quy định của Luật BHYT, Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện về cơ chế quản lý tài chính liên quan đến quản lý và sử dụng quỹ BHYT, đặc biệt là các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính đối với BHXH Việt Nam. Bắt đầu từ ngày 1-1-2010, thực hiện lộ trình BHYT theo quy định của Luật BHYT, tăng đối tượng tham gia BHYT theo hình thức bắt buộc, mức đóng BHYT được điều chỉnh bằng 4,5% mức tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở; số thu BHYT tăng hằng năm, trong sáu năm liền từ năm 2010 đến 2015, quỹ BHYT liên tục có kết dư.

Từ năm 2016 đến nay, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế kết cấu thêm phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật và chi phí tiền lương của nhân viên y tế cùng với thực hiện chính sách thông tuyến KCB tuyến huyện, trong bối cảnh nền y tế ngày càng phát triển đã làm gia tăng đáng kể chi phí KCB BHYT, quỹ BHYT mất cân đối thu chi trong năm. Tuy nhiên, nguồn quỹ BHYT vẫn bảo đảm cho KCB BHYT.

Ðể duy trì nguồn quỹ BHYT bảo đảm cho KCB trong thời gian tới, BHXH Việt Nam đang phối hợp Bộ Y tế đề xuất Chính phủ nâng mức đóng BHYT phù hợp thực trạng chi cho y tế ngày càng gia tăng, hướng tới nâng cao chất lượng KCB BHYT và quyền lợi hưởng của người tham gia BHYT. Ðịnh hướng này phù hợp quy định mức đóng BHYT tối đa bằng 6% tiền lương tháng/mức lương cơ sở tại Luật BHYT.

PV: Chủ đề của Ngày BHYT Việt Nam năm 2020 được chọn là "Thực hiện nghiêm luật BHYT hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân". Theo đồng chí, chúng ta cần có những điều kiện và giải pháp nào để đạt được mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân thông qua chính sách BHYT?

Ðồng chí Phạm Lương Sơn: Thời gian qua, BHXH Việt Nam luôn xác định việc phát triển đối tượng tham gia BHYT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, tiếp tục triển khai Nghị quyết 68/2013/QH13 ngày 29-11-2013 của Quốc hội 2013 về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân và Quyết định 1167/QÐ-TTg ngày 28-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020, đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra (là đến năm 2025 tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số). Theo đó, BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh phối hợp chặt chẽ các ngành trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Tổ chức hội nghị hoặc làm việc trực tiếp với lãnh đạo HÐND, UBND tỉnh, các sở, ngành địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp để bàn về các giải pháp phát triển đối tượng. Tăng cường công tác tuyên truyền; phối hợp các đại lý thu bảo hiểm triển khai các hình thức như phát động lễ ra quân, tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tiếp với người dân, vận động, khuyến khích tất cả các thành viên thuộc hộ gia đình tham gia BHYT để được giảm trừ mức đóng; mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT đến xã, phường. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ việc chấp hành các quy định tại BHXH các tỉnh/thành phố; thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT...

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!